Một ngày đầu tháng 9/2016, phía đại diện công ty game Côn Lôn Vạn Duy (Kunlun Wanwei) đã công khai toàn bộ về thỏa thuận ly hôn của Chủ tịch hội đồng quản trị Chu Á Huy. Điều đáng chú ý nhất trong thông báo này chính là mục phân chia tài sản.
Theo biên bản hòa giải, ông Chu quyết định chuyển nhượng toàn bộ 20,7 tỷ cổ phiếu đang nắm giữ cho bà Lý. Cộng với số cổ phần đã nắm giữ từ trước, bà Lý có trong tay tổng cộng 29,8 tỷ cổ phiếu Côn Lôn. Như vậy theo giá đóng phiên cùng ngày, sau khi ly hôn, bà Lý nắm giữ 26,4% cổ phần công ty, trị giá 7,65 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,2 tỷ USD). Với 34,5% cổ phần trong tay, tương đương 1,5 tỷ USD, ông Chu vẫn là cổ đông lớn nhất và vẫn giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị của công ty. Trong biên bản hòa giải cũng ghi rõ, do cam kết của công ty với sàn giao dịch Thâm Quyến từ năm 2015, trước ngày 21/1/2018, bà Lý Quỳnh sẽ không thể bán số cổ phần này.
Chu Á Huy, chủ tịch hội đồng quản trị, người sáng lập công ty game Côn Lôn Vạn Duy Ảnh: Forbes |
Do Chu Á Huy đã nhiều năm sinh sống tại Mỹ, nhiều giả thiết cho rằng nguyên nhân chính của vụ ly hôn rúng động Trung Quốc này là ông Chu quá bận rộn với công việc, bỏ bê gia đình.
Chu vốn rất kín tiếng trong chuyện đời tư. Khi nhận lời phỏng vấn của báo chí, ông cũng rất ít khi đề cập và trả lời câu hỏi liên quan tới tình cảm vợ chồng. Thậm chí, nhân viên công ty ông còn tiết lộ rằng chưa bao giờ trông thấy bà chủ.
Chu Á Huy sinh năm 1977, là người Tây Tạng, tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Với một người dân tộc thiểu số như ông, cánh cửa thi vào trường đại học hàng đầu Trung Quốc vốn chẳng hề dễ dàng. Ngày còn đi học, ông Chu không phải là một sinh viên xuất sắc. Năm 1999, trường Thanh Hoa bắt đầu áp dụng chính sách khuyến khích sinh viên lập nghiệp, vừa học vừa làm. Chu Á Huy, lúc bấy giờ đang học thạc sĩ năm nhất, đã tạm dừng việc học ở trường để chuyên tâm lập nghiệp. Tuy nhiên, những năm đầu lập nghiệp không trải đầy hoa hồng, ông Chu sau đó đã thất bại và quay lại trường hoàn thành việc học.
Năm 2007, Chu Á Huy thành lập công ty game Côn Lôn Vạn Duy. Sau 7 năm thành lập, công ty của ông chính thức lên sàn chứng khoán với giá trị lên tới hàng chục tỷ Nhân dân tệ. Đầu năm 2016, ông Chu và vợ cũ còn có tên trong danh sách những người trẻ giàu nhất Trung Quốc của tạp chí Hoa Nhuận, với giá trị tài sản ước tính 3,5 tỷ USD.
Côn Lôn Vạn Duy là một trong những nhà phát triển và điều hành trò chơi điện tử trên nền tảng web lớn nhất Trung Quốc.
Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, bà Lý Quỳnh là bạn thanh mai trúc mã của ông Chu Á Huy. Cuộc đời ông Chu dù từng nhiều lần thất bại nhưng bà Lý vẫn luôn ở bên sát cánh cùng ông. Vì vậy, việc ông Chu hào phóng chủ động chia cho vợ cũ gần một nửa số tài sản để bồi thường là điều tương đối dễ hiểu.
Đại diện công ty cho biết vụ ly hôn không ảnh hưởng tới hoạt động của Côn Lôn Vạn Duy. Tuy nhiên, nó gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội Trung Quốc. Một số người cho rằng Chu Á Huy đã rất hào phóng khi từ bỏ một nửa tài sản của mình trong công ty, còn số khác lại nói bà Lý Quỳnh hoàn toàn đủ tư cách nhận số cổ phiếu này.
Vụ ly hôn giữa ông Chu và bà Lý được cho là đã lập kỷ lục mới về số tiền phân chia tài sản. Trước đó, kỷ lục vụ ly hôn đắt giá nhất ở Trung Quốc đại lục thuộc về Viên Kim Hoa, phó chủ tịch công ty công nghiệp nặng Sany. Năm 2012, ông Viên ly hôn với bà Vương Hải Yến và chuyển nhượng số tài sản trị giá 2,4 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 359 triệu USD cho vợ. Sau vụ ly hôn triệu đô này, bà Vương có tên trong danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc đại lục được bình chọn vào cuối năm 2012.
Mới đây, vụ ly hôn giữa tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos, ông chủ tập đoàn bán lẻ Amazon, với người vợ đi lên từ thuở hàn vi, nhà văn MacKenzie, cũng khiên dư luận thế giới rúng động. Bezos bị tố cáo ngoại tình.
Đến nay, chưa rõ Bezos và MacKenzie có đạt được thỏa thuận ly hôn hay không. Nhưng nếu theo luật bang Washington, nơi nhà Bezos sinh sống và Amazon cũng đặt trụ sở tại đây, tài sản tích lũy được trong thời kỳ hôn nhân phải chia đều khi ly hôn. Như vậy. khối tài sản ròng của Jeff Bezos, với trị giá 137 tỷ USD, sẽ có một nửa thuộc về MacKenzie, biến đây trở thành vụ ly hôn đắt giá nhất thế giới.