| Hotline: 0983.970.780

Nigeria: Mục tiêu sản xuất 34 triệu tấn gạo/năm và hợp tác với Việt Nam

Thứ Sáu 29/12/2023 , 10:47 (GMT+7)

Tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, đại diện Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nigeria chia sẻ về ngành lúa gạo nước này.

Nông dân trồng lúa tại vùng Bauchi, Nigeria.

Nông dân trồng lúa tại vùng Bauchi, Nigeria.

Châu Phi có tiềm năng trở thành khu vực cung cấp lương thực toàn cầu với 60% diện tích canh tác đất nông nghiệp của thế giới nằm ở lục địa này. Tuy nhiên, năng suất lúa trung bình ở đây khá khiêm tốn, từ 2-4 tấn/ha. Khả năng tự chủ gạo toàn khu vực cũng chỉ đạt 60-65%; nhiều quốc gia châu Phi phải nhập khẩu lương thực từ châu Á.

Ngành nông nghiệp châu Phi phải đối mặt với vô số thách thức, gồm năng suất thấp do khả năng tiếp cận nguyên liệu đầu vào còn hạn chế, phương pháp canh tác lạc hậu và cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Biến đổi khí hậu gây mất mùa, đe dọa nguồn cung lương thực trong khu vực. Các vấn đề về tổn thất sau thu hoạch, vận chuyển, khó khăn trong tiếp cận thị trường cũng là rào cản với nền kinh tế nông nghiệp.

Đối với ngành lúa gạo, châu Phi thiếu liên kết chuỗi giá trị, ít có sự đóng góp từ các doanh nghiệp uy tín. Còn non trẻ, không vững vàng, chuỗi giá trị lúa gạo càng trở nên rời rạc, gãy vụn trước những thách thức hiện thời.

Bức tranh toàn cảnh về sản xuất lúa gạo tại Nigeria

Cộng hòa Liên bang Nigeria là nước đông dân nhất tại châu Phi, dân số 213,4 triệu người (theo số liệu năm 2021) và diện tích 923,768km2. Nigeria có diện tích đất nông nghiệp khoảng 70,8 triệu ha. Ngô, sắn, đậu, khoai lang, kê và gạo là các cây lương thực chính.

Những năm qua, sản lượng gạo của Nigeria tăng đáng kể, từ 3,7 triệu tấn (năm 2017) lên 8,55 triệu tấn (năm 2023). Trong đó, tổng sản lượng gạo xay xát toàn quốc đạt 5,56 triệu tấn.

Tuy nhiên, nhu cầu gạo xay xát được ghi nhận tại Nigeria là 7,83 triệu tấn, dẫn đến chênh lệch cung cầu là 2,3 triệu tấn. Diện tích canh tác lúa mới chỉ đạt 1 triệu ha, trong khi diện tích tiềm năng là 4,3 triệu ha. 

Để tăng cường sản xuất lúa gạo tại Nigeria, Bộ Nông nghiệp nước này đặt ra các mục tiêu lớn cho 10 năm sau. Đến năm 2034, Nigeria kỳ vọng sản lượng lúa đạt 34 triệu tấn/năm, diện tích canh tác đạt 2,7 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6-7,5 tấn/ha. 

Cùng với đó, Nigeria tập trung vào phát triển 8 giống lúa cải tiến, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và 2 giống lúa lai. Dự kiến đến năm 2024, quốc gia châu Phi này sẽ sản xuất 66,6 tấn hạt nguyên chủng giống bố mẹ và hơn 400.000 tấn hạt được cấp chứng nhận.

Festival Lúa gạo là điểm nhấn trong đổi mới nông nghiệp Việt Nam

Sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống lương thực là điểm nhấn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong mắt các vị khách quốc tế. Những người bạn Nigeria đã biết thông điệp của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về việc “lấy nông dân làm trung tâm của sự phát triển”. Khi tới Việt Nam và được tận mắt quan sát nông thôn vùng ĐBSCL, họ hiểu thêm rằng, thành tựu của ngành lúa gạo Việt Nam là nhờ sự hỗ trợ xuyên suốt, kiên định của Chính phủ cho các hộ nông dân nhỏ.

Các đại biểu Nigeria dự Lễ phát động Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ngày 12/12 tại Hậu Giang. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các đại biểu Nigeria dự Lễ phát động Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ngày 12/12 tại Hậu Giang. Ảnh: Quỳnh Chi.

“Tôi rất ấn tượng với sự phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Càng vui mừng hơn khi thấy Chính phủ của các bạn tích cực hỗ trợ nông dân thông qua những hoạt động thiết thực mà chính Festival lúa gạo là ví dụ điển hình.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức và Chính phủ Việt Nam vì đã tổ chức sự kiện này. Festival thắp sáng hy vọng của cộng đồng nông dân sản xuất nhỏ lẻ, tượng trưng cho sự hỗ trợ của cơ quan quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến tiếp thị – để đảm bảo rằng công sức của nông dân không bị uổng phí”, ông Abubakar Abdullahi, Tổng cục trưởng Kỹ thuật và Cơ giới hóa (Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nigeria), nói.

Tổng cục trưởng Abubakar Abdullahi khuyến khích Bộ NN-PTNT có thể đa dạng hóa hình thức hỗ trợ, chia phân khúc các hộ nông dân để đảm bảo phát triển đồng đều. Một số lĩnh vực cần triển khai gồm hỗ trợ về hạt giống, giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng thủy lợi…

Ông Abubakar Abdullahi, Tổng cục trưởng Kỹ thuật và Cơ giới hóa, Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nigeria. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Abubakar Abdullahi, Tổng cục trưởng Kỹ thuật và Cơ giới hóa, Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nigeria. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp Nigeria đề cao nền khoa học lúa gạo Việt Nam và khả năng bảo tồn, phục tráng bộ giống đáng mơ ước. Ông Abdullahi ghi nhận: “Hạt giống chất lượng cao là nền tảng cho nền nông nghiệp thành công. Các viện, tổ chức nghiên cứu cần nhận được khoản tài trợ tương xứng để cho ra đời các hạt giống năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu biến đổi khí hậu, hoặc chín sớm”.

Với kinh nghiệm của mình, ông Abdullahi cũng thấy tầm quan trọng để mở rộng mạng lưới nhà máy chế biến, xay xát gạo phân bố trên cả nước. Nông dân Việt Nam sẽ giảm thất thoát sau thu hoạch, được sản xuất gạo ngay tại địa phương thay vì chỉ dựa vào các nhà máy lớn phục vụ xuất khẩu. 

Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam - Nigeria 

Sau Hội thảo Đối thoại chính sách về hợp tác Nam - Nam trong khuôn khổ Festival lúa gạo, Tổng cục trưởng Nigeria đã xác định 5 lĩnh vực trọng tâm cho hợp tác nông nghiệp với Việt Nam: tăng cường hệ thống hạt giống, chuyển đổi kỹ thuật cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ giá trị gia tăng cho cây trồng, tăng cường khuyến nông, thúc đẩy mô hình HTX.

Đoàn đại biểu Nigeria thăm kênh Xáng Xà No trong dịp Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

Đoàn đại biểu Nigeria thăm kênh Xáng Xà No trong dịp Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Ảnh: Tùng Đinh.

“Cụ thể, chúng tôi mong Việt Nam hỗ trợ Nigeria đào tạo cán bộ khuyến nông, tạo hiệu ứng lan tỏa. Chúng tôi cũng muốn học hỏi kinh nghiệm thành lập hợp tác xã của các bạn. Ở Nigeria, mặc dù chúng tôi không ngừng khuyến khích mô hình HTX, vẫn không thể kết nối các nông hộ lại với nhau”, ông Abdullahi bày tỏ.

Người bạn châu Phi tin rằng Chính phủ Việt Nam đóng vai trò định hướng, dẫn đến sự thành công của các HTX trong nước. Ông hy vọng Nigeria có thể tích hợp các chiến lược tương tự, xây dựng hệ sinh thái HTX vững mạnh, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn lực tài chính.

Ngày 25/11 vừa qua, Nigeria lần đầu tiên canh tác thành công vào mùa khô (trước đây chỉ phụ thuộc vào trồng lúa nước trời). Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho nền sản xuất lúa gạo Nigeria. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng khẳng định, vụ lúa mùa khô đòi hỏi hệ thống thủy lợi toàn diện thì mới có thể đảm bảo sản lượng.

Trước bối cảnh đó, hợp tác Nam - Nam càng trở nên quan trọng. Nigeria cần tối ưu hóa phương pháp tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Việt Nam, với hệ thống thủy lợi phát triển, có thể giúp châu Phi nâng cao chất lượng sản xuất lúa.

Châu Phi cũng có những đồng bằng rộng lớn, nhưng lại thiếu khả năng tài chính để áp dụng công nghệ cao. Do rào cản kinh tế, nông dân phải lao động cực nhọc hơn. Chính vì vậy, hợp tác giữa các Chính phủ sẽ giúp nông dân Nigeria tiếp cận công cụ cơ giới hóa, tăng hiệu quả trồng trọt.

Người bạn Nigeria mong muốn trao đổi thêm với Bộ NN-PTNT thông qua các chương trình hợp tác Nam-Nam.

Người bạn Nigeria mong muốn trao đổi thêm với Bộ NN-PTNT thông qua các chương trình hợp tác Nam-Nam.

Kỹ sư Abdullahi nói: “Nếu chúng tôi có thể đạt năng suất tương đương các bạn, tức là tăng từ 4 tấn/ha lên 9 tấn/ha, nông dân Nigeria sẽ thoát nghèo. Đó là điều quan trọng.

Sự thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam truyền cảm hứng cho chúng tôi, mang đến những kiến thức vượt lên tất thảy sự khác biệt về cây trồng, khí hậu, thổ nhưỡng. Chúng tôi lạc quan rằng, các phương pháp của Việt Nam sẽ cung cấp cho Nigeria nền tảng vững vàng để phát triển nông nghiệp bền vững”.

Tổng cục trưởng Kỹ thuật và Cơ giới hóa, Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nigeria gửi gắm sự tin tưởng rằng hợp tác Nam - Nam sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng chung của ngành nông nghiệp toàn cầu, mang lại lợi ích cho cả 2 quốc gia.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

18 trẻ bị lạc khi đi tắm biển Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu Chiều 29/4, Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch thành phố Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã tiếp nhận và đưa 18 trẻ bị lạc về với gia đình.

Bình luận mới nhất