| Hotline: 0983.970.780

Trùm lưới màng cho vườn táo

Thứ Ba 24/03/2020 , 09:40 (GMT+7)

Táo xanh Ninh Thuận - một trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh, là loại quả có vị ngọt, thanh, giòn thơm được nhiều người ưa chuộng.

Táo được

Táo được "mắc màn" cho năng suất cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Cơ Nguyên.

Vì thế, vườn táo trong thời gian thu trái rất dễ bị côn trùng, nhất là ruồi vàng tấn công làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Với nhiều biện pháp kỹ thuật được đưa ra nhằm phòng trừ sự tấn công của ruồi vàng trong đó phương pháp trùm lưới màng cho vườn táo được nhiều nhà vườn áp dụng.

Diện tích trồng táo ở Ninh Thuận hiện nay trên 1.000 ha, tập trung ở khu vực huyện Ninh Phước, huyện Ninh Sơn, huyện Ninh Hải và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Chi cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông cùng với các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh đã có nhiều hướng dẫn giúp bà con phòng trừ và hạn chế sâu bệnh bằng nhiều phương pháp canh tác, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng quả táo.

Cuối năm 2017, mô hình điểm đầu tiên xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà vườn trồng táo. Sau gần 3 năm, mô hình trùm lưới màng được bà con đón nhận và đã áp dụng vào vườn táo của gia đình mình.

Với chi phí lắp đặt màng lưới dao động từ 12-18 triệu đồng/1.000 m2 (sào), thời gian sử dụng 3-6 năm. Đây là một chi phí không hề nhỏ đối với nhiều hộ.

Thế nhưng với nhiều ưu điểm vượt trội như: lưới màng giúp che chắn không cho con trùng xâm nhập, giảm thiểu tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật đến 80-95%; Cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào trái, bảo vệ trái không bị nám vỏ, sậm màu; Che bớt sương muối, gió bấc làm thiu lá, gẫy cành, rụng bông, trái.

Hơn nữa, việc trùm màn cho vườn táo tạo được một tiểu khí hậu bên trong vườn giúp cho việc điều tiết khí hậu dễ dàng hơn, thông qua đó tạo ra khí hậu thích hợp nhất cho cây táo phát triển.

Vườn táo của gia đình ông Võ Văn Thanh. Ảnh: Cơ Nguyên.

Vườn táo của gia đình ông Võ Văn Thanh. Ảnh: Cơ Nguyên.

Ông Võ Văn Thanh, thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước lần đầu tiên trùm lưới màng cho 2,8 sào táo mới trồng cho biết: “Vườn táo tơ nên trái to, chắc, đẹp nên được thương lái thu mua tận vườn với giá 15.000 – 18.000 đồng/kg.

Nhiều chủ bán lẻ trong Sài Gòn đặt mua táo lớn, đủ độ chín ngọt, được gia đình đóng thùng giao với giá bán 30.000 đồng/kg, số còn lại chở ra vựa bán giá 12.000 đồng/kg. Từ tháng 1/2020 đến nay gia đình thu hoạch hơn 2,7 tấn, trừ các khoản chi phí đầu tư, lắp đặt màng... gia đình bắt đầu có lãi”.

Còn ông Nguyễn Văn Chung, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước có trên 6 năm kinh nghiệm trồng táo chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2 sào táo, năng suất hiện đạt 4 tấn trái/sào/vụ. Với giá bán hiện tại 15.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 60 triệu đồng/sào/vụ. Nhờ trùm lưới màng nên vườn cho trái to, màu sắc đẹp, đồng đều, không có trái sâu được thương lái mua giá cao hơn nên thu nhập cao hơn trước”.

Ông Chung cho biết thêm: “Nếu như trước đây tôi phun thuốc 2,3 lần một tuần để hạn chế ruồi đục trái thì nay chỉ phun thuốc sau mỗi đợt rớt trái để dưỡng cành, trái non, hạn chế nấm bệnh. Nhờ vậy mà tôi có nhiều thời gian rỗi hơn”.

Với diện tích trên 1.000 ha táo đang cho thu hoạch trong cả tỉnh thì đã có hơn 50% diện tích táo được trùm lưới màng. Đây là phương pháp bảo vệ cây táo phòng tránh côn trùng có hiệu quả. Không những phòng trừ được sâu bệnh hại, côn trùng, chim, ruồi vàng gây hại mà còn là phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...