Dự báo mùa khô khó khăn
Theo dự báo, những tháng đầu năm 2020, ENSO tiếp tục ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020.
Tại Khánh Hòa từ nay đến tháng 8/2020 nhiệt độ không khí trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 0,5-1 độ C, với nhiều đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Tổng lượng mưa các nơi thấp hơn TBNN cùng thời kỳ với mức thiếu hụt với mức thiếu hụt từ 10 - 40%. Lượng dòng chảy trên các sông suối thiếu hụt từ 40-60% so với TBNN cùng kỳ.
Tính đến 23/3, tổng dung tích trữ nước của 31 hồ chứa (28 hồ thủy lợi và 3 thủy điện) hiện chỉ còn hơn 110/250 triệu m3, đạt 41% so với dung tích thiết kế. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2019, tổng dung tích trữ nước tại các hồ chứa là 200 triệu m3, đạt 80% dung tích thiết kế.
Tương tự, tại Ninh Thuận từ tháng 3-5/2020 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ. Lượng mưa từ tháng 6-8 ở mức xấp xỉ đến thấp hơn TBNN cùng kỳ.
Trên các sông suối từ tháng 3 đến tháng 8, mực nước trung bình cũng thấp hơn TBNN cùng thời kỳ. Khả năng lượng dòng chảy trên các sông suối sẽ thiếu hụt từ 40-60% so với TBNN. Một số sông suối nhỏ tắt dòng vào thời kỳ này.
Đến 25/3, mực nước 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 43 triệu m3, đạt 22% so với dung tích thiết kế. Một số hồ như Ông Kinh, Phước Trung, Tân giang, Suối Lớn, Lanh Ra…dung tích trữ đã xuống dưới hoặc xấp xỉ mực nước chết. Bên cạnh đó, mực nước hồ Đơn Dương còn 90 triệu m3, đạt 55% so với dung tích thiết kế.
Tại Bình Thuận, tính đến ngày 24/3, tổng lượng nước hữu ích trong các hồ chứa nước thủy lợi trên bàn và 2 hồ thủy điện còn lại 362,19 triệu m3/1.033,60 triệu m3 thiết kế, đạt 35,04%; thấp hơn cùng kỳ (năm 2019) là 88,75 triệu m3.
Theo các tỉnh Nam Trung bộ, hiện nguồn nước các hồ chứa nước thủy lợi và nguồn nước chạy máy phát điện cơ bản cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ ĐX. Tuy nhiên việc đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và dân sinh mùa khô 2020 vô cùng khó khăn.
Giải pháp
Trước tình hình các hồ chứa cạn kiệt, trong vụ HT 2020, các tỉnh Nam Trung bộ ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi, cây trồng lâu năm và các ngành trọng điểm của tỉnh. Đồng thời các địa phương chỉ điều tiết nước ở một số hồ chứa đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất.
Theo Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, nếu thời tiết không có mưa bổ sung, sau khi kết thúc vụ ĐX chỉ có một số hồ như Hoa Sơn, Tiên Du, Tà Rục, Suối Hành đảm bảo nhiệm vụ đủ nước sinh hoạt, công nghiệp và tưới cho lúa HT.
Hồ Đá Bàn, Am Chúa ưu tiên nước sinh hoạt và tưới một phần diện tích lúa HT. Số hồ còn lại sẽ dừng cấp nước sản xuất nông nghiệp, để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Vì vậy diện tích lúa HT dự kiến sản xuất khoảng 6.500 ha và diện tích khoanh vùng không sản xuất là 8.700 ha.
Đối với phần diện tích do địa phương quản lý, theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hầu hết sử dụng nước sông, suối để cấp nước sản xuất. Tuy nhiên khả năng các địa phương cũng sẽ dừng sản xuất để ưu tiên nước cấp sinh hoạt, vì theo dự báo các tháng tới sẽ không có mưa, mực nước các sông suối giảm mạnh. Khi đó, vụ HT, toàn tỉnh sẽ bỏ vụ khoảng 12.000 ha.
Theo Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, từ nay đến 30/4, tức cuối vụ ĐX, các hồ chứa không được bổ sung nguồn nước. Vụ HT, Cty chỉ điều tiết nước 9/21 hồ gồm: Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Núi Một, Thành Sơn, Bầu Ngứ, Sông Trâu, Bà Râu và Ba Chỉ để cấp nước tưới cho hơn 2.190 ha. Nếu có mưa trên diện rộng, Cty sẽ điều chỉnh diện tích gieo trồng cho phù hợp.
Đối với cấp nước phục vụ sản xuất vụ HT trong hệ thống các đập Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm, Cty lên 3 phương án.
Phương án 1, tính đến 31/5 nếu không có mưa tiểu mãn và hồ Đơn Dương dưới 70 triệu m3. Dự kiến lưu lượng đến hồ nhỏ nhất TBNN là 7m3/s và xét đến lượng nước xả về hạ du sông Đa Nhim trung bình 1 triệu m3/tháng, thì Cty sẽ điều tiết nước tưới hơn 6.362 ha.
Ngoài ra, Cty sẽ bơm tưới 5 trạm bơm trên sông, với tổng diện tích hơn 251 ha. Phương án này diện tích phải dừng sản xuất trong vụ hè thu hơn 12.469 ha.
Phương án 2, nếu lượng mưa trong tháng 5/2020 từ 50-100mm và hồ Đơn Dương đạt từ 80-120 triệu m3 nước. Dự kiến lưu lượng đến hồ là 10m3/s và xét đến lượng nước xả về hạ du sông Đa Nhim trung bình 1,0 triệu m3/tháng, thì Cty sẽ điều tiết nước tưới hơn 10.593 ha.
Ngoài ra, Cty sẽ bơm tưới 5 trạm bơm trên sông, với tổng diện tích hơn 251 ha. Phương án này diện tích phải dừng sản xuất trong vụ HT hơn 8.238 ha.
Phương án 3, trong tháng 5/2020 lưu vực hồ Đơn Dương có mưa lớn trên diện rộng đạt từ 100 mm trở lên và hồ tích trên 120 triệu m3 nước.
Dự kiến lưu lượng đến hồ là 12m3/s và xét đến lượng nước xả về hạ du sông Đa Nhim trung bình 1,0 triệu m3/tháng, thì Cty sẽ điều tiết nước toàn bộ khu tưới đập dâng, với tổng diện tích 14.876 ha.
Ngoài ra, Cty sẽ bơm tưới 5 trạm bơm trên sông, với tổng diện tích hơn 251 ha. Phương án này diện tích phải dừng sản xuất trong vụ HT hơn 3.955 ha.
Ông Võ Đức Anh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Thuận cho biết, sau khi kết thúc vụ ĐX 2019-2020, nguồn nước còn lại chỉ đảm bảo cấp nước tưới lúa vụ HT 2020 là 12.459 ha thuộc 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh. Các địa phương khác trong tỉnh chờ khi có mưa mới gieo trồng vụ HT 2020.
Được biết, trong kế hoạch tổng diện tích cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ HT 2020 tỉnh Bình Thuận từ nguồn nước thủy lợi và thủy điện là 51.886 ha, trong đó lúa 32.095 ha, thanh long 19.791 ha.