| Hotline: 0983.970.780

Nổ mìn lấy đá, phá nhà dân

Thứ Năm 11/11/2010 , 10:03 (GMT+7)

Suốt 10 năm trời hàng trăm hộ dân xã Thường Tân (huyện Tân Uyên, Bình Dương) cầu cứu cơ quan chức năng trong tuyệt vọng vì phải sống chung với bom mìn và bụi đá.

* Ruộng vườn cháy khô vì bụi đá

Suốt 10 năm trời hàng trăm hộ dân xã Thường Tân (huyện Tân Uyên, Bình Dương) cầu cứu cơ quan chức năng trong tuyệt vọng vì phải sống chung với bom mìn và bụi đá. Cả một vùng đất nông nghiệp rộng lớn bị ảnh hưởng, nhiều nhà dân đã nứt toác đổ sập bất cứ lúc nào vì cả chục doanh nghiệp ồ ạt khai thác đá…

Theo chân một cán bộ xã Thường Tân, chúng tôi đến mỏ đá Hoá An, một trong những mỏ đá có trữ lượng lớn nhất của tỉnh Bình Dương. Con đường vào mỏ sình lầy, ngập ngụa. Hai bên đường là những hầm đá sâu hoắm, ngập nước. Mỗi hầm có bề rộng từ 8 – 10 mét, có nơi sâu đến 9 mét. Để tránh bị sụp hầm, người dân sống ở đây phải cắm những cành cây xung quanh để cảnh báo.

Nhà nứt toác vì nổ mìn

Anh Nguyễn Văn Vĩnh, một công nhân khoan đá phản ánh: “Các hố tử thần này rất nguy hiểm, rơi xuống là chết người như chơi. Hầm đá ở đây không rộng và sâu như ở mỏ Tân Đông Hiệp, Dĩ An, nhưng nó bị cây cối che khuất, rất khó phát hiện. Đã có nhiều trường hợp người dân đi làm đồng bị sụp xuống các hầm này gây thương tích nặng”.

Đúng 11h, chúng tôi phải gấp rút rời khỏi hiện trường để các công ty bắn đá nổ mìn. Những tiếng nổ lớn nối tiếp nhau làm rền vang cả một vùng, bụi đá bắn mù mịt. Bà Nguyễn Thị Ngời (ấp 3) cho biết: “Cứ mỗi lần nổ mìn, cả làng lại một phen kinh hoảng. Mặt đất như rung chuyển. Nhiều nhà cửa bị nứt đổ”. Chứng minh, bà Ngời dẫn chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thanh Hồng để thấy hậu quả do nổ mìn gây ra. Toàn bộ căn nhà bị nứt nẻ, loang lổ. Ở nhiều chỗ nứt to, có thể đút tay vào.

Chị Hồng thở dài, nói: “Căn nhà tôi xây năm 2004, nhưng 3 năm trở lại đây nó bắt đầu nứt mạnh. Chúng tôi không dám ngủ trong nhà, phải kê chiếc giường ra sân ngủ”. Cách đó 50 mét, nhà của ông Nguyễn Đức Sự (83 tuổi) cũng trong tình trạng nứt đổ. Hầu hết nhà cửa ở ấp 2 và ấp 3 đều xảy ra hiện trạng tường nứt lỗ chỗ. Đặc biệt, tình trạng khai thác đá tràn lan ở Thường Tân đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, diện tích canh tác ngày càng thu hẹp.

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Bình Dương, Thường Tân là một trong ba vựa lúa chính của tỉnh với hơn 600 ha đất trồng lúa nước. Nhưng từ khi 11 mỏ khai thác đá của các doanh nghiệp như Hồng Đạt, Liên Hiệp, Tân Thanh… đi vào hoạt động, sản xuất nông nghiệp của xã suy giảm nhanh chóng. Nguyên nhân chính là do bụi đá từ các mỏ lan ra, bám dày đặc trên cây trồng. Anh Trần Trọng Kiềng (ấp 2) than thở: “Nhà tôi canh tác ba sào lúa, nhưng vào thời điểm trổ đòng, bụi đá bám kín khiến lúa không thể ngậm sương. Nhiều khoảng ruộng cháy vàng. Vụ mùa này coi như mất trắng chú à”. Cùng cảnh ngộ với anh Kiềng, hơn 5 sào lúa của gia đình ông Trần Ngọc Dung đang kỳ trổ đòng cũng trở nên vàng cháy.

Xe chở đá cày nát mặt đường

Theo tìm hiểu của NNVN, năm 2009, UBND xã Thường Tân đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác đá phải bồi thường thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cho nông dân với mức 15% - 30% tổng sản lượng. Nhưng theo phản ánh của người dân, hiện mức bồi thường đó không hợp lý bởi ảnh hưởng của bụi đá lớn hơn nhiều. Bà Trần Thị Hồng Dung (ấp 3) cho biết: “Mỗi năm sản xuất 3 vụ, nhưng từ khi bị bụi đá vây kín, chúng tôi chỉ sản xuất được 2 vụ chính. Sản lượng giảm hơn một nửa. Hạt lúa bị lép, chất lượng kém. Nếu doanh nghiệp đền bù 30% còn đỡ, chứ 3 năm lại đây, họ chỉ hỗ trợ 15%”. Bụi đá cũng khiến cho hạt gạo đổi sang màu đỏ chứ không trắng như ở các vùng khác, hàm lượng tinh bột rất ít, bà Dung cho biết thêm.

Ngoài ra, mức đền bù trên chỉ áp dụng cho cây hoa màu, còn nhiều hộ trồng cây công nghiệp lâu năm như: điều, bưởi, nhãn, xoài… không được “lọt” vào danh sách này. Ông Nguyễn Văn Đỡ, Chủ tịch Hội Khuyến nông xã giải thích: “Các doanh nghiệp đã đồng ý đền bù cho các hộ trồng cây lâu năm, nhưng do chưa xác định được mức độ ảnh hưởng từ bụi đá nên không thể đưa ra mức giá. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Sở TN- MT nhanh chóng kiểm tra, xác định nhưng đã chờ gần 2 năm qua vẫn không có kết quả”.

 Trong khi chờ kết quả thẩm định của Sở TN- MT thì hàng chục hộ dân trồng cây công nghiệp, cây lâu năm lâm vào cảnh khốn đốn, nợ nần. Ông Nguyễn Đức Sự (ấp 2) phản ánh: “Bụi đá khiến hơn 7 sào bưởi nhà tôi không thể ra trái. Hoa bưởi bị bụi đá bám vào rụng hết. Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện nhưng không có ai trả lời”.

+ Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Tân nói:

“Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn thư của bà con phản ánh về tình trạng nhà cửa nứt đổ do nổ mìn và đã lập đoàn kiểm tra để báo cáo lên tỉnh. Xã cũng sẽ họp với các doanh nghiệp để tìm cách đền bù, khắc phục thiệt hại cho những hộ bị ảnh hưởng”.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường do bụi đá, ông Sơn cho biết thêm hiện xã đang chờ đoàn kiểm tra của Phòng TN-MT huyện và Sở TN-MT xuống giám định. Được biết, trước đó vào tháng 9/2010, Phòng TN-MT huyện xuống đo nồng độ bụi nhưng lại không công bố kết quả chính thức.

+ Ông Trưởng phòng TN-MT huyện: “Cần có thời gian… thẩm định”!?

Phải rất khó khăn chúng tôi mới gặp được Trưởng phòng TN-MT huyện Tân Uyên, ông Đoàn Hồng Tươi và cũng chỉ nhận được những câu trả lời qua loa. Ông Tươi cho biết, phòng TN-MT huyện đã gửi báo cáo về mức độ ô nhiễm do bụi đá ở Thường Tân lên tỉnh và đang chờ phương án giải quyết. Về việc doanh nghiệp nổ mìn gây nứt, sập nhà dân, cần có thời gian… thẩm định (!?).

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.