Công viên Mỹ Thới được thành lập từ năm 1996 với mục tiêu ban đầu là tạo không gian vui chơi, giải trí để người dân địa phương thụ hưởng.
Sau đó, Ban quản lý công viên đã đăng ký và được cấp phép là cơ sở gây nuôi động vật hoang dã để bảo tồn các loài quý hiếm và phục vụ khách tham quan.
Ông Trịnh Minh Kiên, người đảm nhận công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các loài động vật nơi đây kể lại, thời điểm này, nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm được phát hiện nuôi nhốt trong nhà dân, bà con đem đến gửi tặng lại cho Ban quản lý công viên.
Hiện nay, công viên Mỹ Thới chỉ còn trên dưới 40 cá thể động vật hoang dã được nuôi nhốt trong khoảng 10 chuồng riêng biệt. Một lồng nuôi được thiết kế theo từng đặc tính của từng loài.
Như khu vực nuôi nhốt vượn má vàng sẽ có các dây đu để vượn tự do nhảy lượn. Hay kế bên là khu vực nuôi 2 cá thể khỉ mặt đỏ không gian đủ rộng để loài vật này chạy nhảy.
Ngoài ra, trang trại cá sấu từ 2 cá thể ban đầu đến nay đã sinh sản được 9 con. Nguồn thức ăn chủ yếu của các loài là chuối, rau củ quả, thịt…
“Khi thời thiết, môi trường thay đổi các con vật rất dễ bị bệnh, do đó chúng tôi phải có giải pháp ngăn ngừa bệnh, để bảo vệ an toàn cho sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Đối với những loài đã phát sinh bệnh, chúng tôi phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang để có giải pháp điều trị”, ông Kiên bộc bạch.
Riêng đối với các cá thể khỉ mặt đỏ và vượn má vàng, từ một vài con ban đầu, trải qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, sinh sản, gầy giống, đến nay đã lên tới khoảng 10 con.
Theo ông Kiên, nuôi động vật hoang dã tương đối nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu không có niềm đam mê và kinh phí đầu tư sẽ rất khó để có thể bảo tồn được các loài quý hiếm này.
Trung bình mỗi tháng, Ban quản lý công viên Mỹ Thới đầu tư trên 15 triệu đồng để chuẩn bị nguồn thức ăn cung cấp cho loài và trả lương cho nhân công chăm sóc. Chuồng trại cũng phải được xây dựng kiên cố, thường xuyên sửa chữa, gia cố lại để đảm bảo an toàn.
Nuôi lâu “quen hơi”, ông Kiên trở thành “người bạn” thân thuộc với các loài động vật nơi đây. Hơn 25 năm gắn bó với công tác nuôi dưỡng động vật hoang dã nhưng chưa bao giờ ông Kiên bị các loài làm bị thương.
“Nuôi các loài động vật hoang dã này như nuôi một đứa con nít, phải chăm sóc, cho ăn uống, vệ sinh đảm bảo”, ông Kiên chia sẻ.
Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, công viên Mỹ Thới là một trong hai cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị thường xuyên phối hợp với Ban quản lý công viên để theo dõi quá trình tăng đàn, sinh sản, kiểm tra, ghi chép sổ sách để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm.
Các loài khi nhập về nuôi đều thực hiện khai báo kèm bảng kê lâm sản gửi đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hỗ trợ để công việc thực hiện gây nuôi, đăng ký mã số, kiểm tra xuất nhập đảm bảo nguồn gốc loài hợp pháp.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang khuyến cáo việc gây nuôi động vật hoang dã nhằm mục đích bảo tồn nếu số lượng sinh sản quá nhiều, cần được thả về môi trường tự nhiên, khi đó, công tác quản lý cũng sẽ được thắt chặt để đảm bảo sự phát triển của các loài.
Khỉ mặt đỏ được nuôi nhốt tại công viên Mỹ Thới có tên khoa học là Macaca arctoides. Màu lông có đặc điểm nâu xẫm, có biến đổi từ đen sang đỏ, phần dưới của bụng có màu nhạt hơn phía trên, đuôi to, chân trước ngắn không quá 1/3 chân sau, chai mông to, không có lông.
Khỉ mặt đỏ mang thai trong 178 ngày sẽ sinh sản, khoảng cách giữa các kỳ sinh là 19 tháng, tuổi thọ khoảng 30 năm.
Loài vật này đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 2000 và nằm trong danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành lâm nghiệp.