| Hotline: 0983.970.780

Nơi đàn ông đoản thọ

Thứ Sáu 07/06/2013 , 10:51 (GMT+7)

"Trong 5 thôn ở xã này thì Sín Chải có nhiều cái nhất: Gần trung tâm xã nhất. Nghèo nhất. Đàn ông có tuổi thọ thấp nhất. Đàn bà góa chồng và trẻ mồ côi nhiều nhất. Và, còn nhiều chuyện bí ẩn khác nữa", ông Tẩn Sài Chiêu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung (huyện Bát Xát, Lào Cai) thở dài.

"Trong 5 thôn ở xã này thì Sín Chải có nhiều cái nhất: Gần trung tâm xã nhất. Nghèo nhất. Đàn ông có tuổi thọ thấp nhất. Đàn bà góa chồng và trẻ mồ côi nhiều nhất. Và, còn nhiều chuyện bí ẩn khác nữa", ông Tẩn Sài Chiêu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung (huyện Bát Xát, Lào Cai) thở dài.

56 tuổi già nhất làng

Trưởng thôn Sín Chải Phú A Sì chỉ tay lên sườn núi đối diện nhà mình, nơi có ngôi nhà đất bé tẹo như cái nấm nằm chon von nói: Nhà Lý Gió San đấy, ở bản này bây giờ chỉ có Gió San là người đàn ông cao tuổi nhất thôi.

Vượt qua đoạn đường đất dốc ngược lên núi, tôi đứng trước căn nhà đóng cửa im ỉm, bốn bức tường nứt nẻ, lở lói như bị bỏ hoang đã nhiều năm nay. Trưởng thôn Sì gọi mấy câu bằng tiếng Hà Nhì rồi đẩy cửa, luồng ánh sáng yếu ớt từ ngoài chiếu vào trong căn nhà kín như bưng.

Từ trong góc nhà có tiếng người ho húng hắng. Phú A Sì lục tục vào đỡ người đàn ông đang nằm đắp chăn ngồi dậy một cách khó nhọc rồi bảo: Ôi dô, gần 2 năm nay nó không biết đứng nữa đâu, chỉ nằm trên giường thôi, khổ lắm!

Thì ra sau một trận ốm thập tử nhất sinh gần 2 năm trước, người đàn ông này đã bị liệt nửa người, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều do vợ phục vụ. Hoàn toàn khác với tưởng tượng của tôi, ông Lý Gió San, người được coi là người đàn ông cao niên nhất của bản Sín Chải năm nay mới 56 tuổi.


Ông Lý Gió San (áo đen) là người “cao niên” nhất thôn Sín Chải, năm nay 56 tuổi

Trưởng thôn Phú A Sì nói thêm: "Nó còn sống được đến tuổi này là may mắn lắm đấy. Mình ở đây mấy chục năm rồi mới thấy có hai người đàn ông sống được đến 60 tuổi thôi, còn đều chết trẻ mà.

Thằng Sần Giờ Lũy, Phú Ha Giờ, Sần Giờ Xe chưa sống được 50 tuổi đâu. Bốn anh em trai: Lý Ta Lúy, Lý Ta Mờ, Lý A Pò, Lý Ta Tho, người sống lâu nhất mới được 48 tuổi. Còn mấy thằng Pờ Thò Giờ, Cao Giờ Go, Sần Giờ Sì mới được 31 mùa làm nương thôi".

Trưởng thôn Phú A Sì bấm đốt ngón tay, điểm ra khoảng hơn chục năm nay thôn Sín Chải có tới 13 người đàn ông chết, người thọ nhất cũng chưa tròn 50 tuổi… Đàn ông cứ lần lượt ra đi, để lại mẹ già, vợ góa và lũ trẻ mồ côi sống trong nỗi cô đơn, lo sợ. Thôn Sín Chải bây giờ có 28 hộ dân thì có tới hơn chục người phụ nữ góa chồng và gần 20 đứa trẻ mồ côi cha.


Thôn Sín Chải có gần 20 trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Chúng tôi đến thăm điểm trường Tiểu học xã Nậm Pung nằm ở thôn Sín Chải. Nhìn các em học sinh mầm non, tiểu học cháu nào cũng gầy gò, quần áo nhếch nhác, mặt mũi nhem nhuốc mà không khỏi động lòng.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Mai Lan tâm sự: Ở đây, cả tiểu học và mầm non có 39 cháu thì có tới 14 cháu mồ côi cha. Đáng thương hơn cả 3 anh chị em ruột mồ côi như: Lý Suy Ra, Lý Suy Be, Lý Chu Suy và Sần Gió Sơ, Sần Gió De, Sần Gió Be.

Rồi còn 3 trường hợp 2 anh chị em một nhà cũng không còn bố. Các em còn nhỏ tuổi quá, hằng ngày ăn uống kham khổ, không đủ chất, đa số đều bị suy dinh dưỡng, thể trạng yếu và nhận thức chậm hơn những trẻ bình thường.

Bí ẩn vùng đất trắng

Chuyện những người đàn ông Hà Nhì ở bản Sín Chải đa số đều chết trẻ làm cho nhiều người dân trong thôn hoang mang, lo sợ. Người ta lại bàn tán nhiều hơn vì trong cùng thôn ấy, có những phụ nữ Hà Nhì thọ tới hơn 70 tuổi. Ở các thôn khác như: Tả Lé, Nậm Pung, Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2 chuyện này rất ít xảy ra.

Tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng lạ lùng này, chúng tôi được nghe nhiều lời giải thích ly kỳ. Từ cửa nhà trưởng thôn Phú A Sì phóng tầm mắt lên đỉnh núi cao sừng sững phía trước dễ dàng thấy có một tảng đá khổng lồ hình dạng như con thú đang há mồm, nhe răng gầm gừ nhìn xuống Sín Chải.


Nhà của trưởng thôn Phú A Sì được trát bằng đất trắng thay cho vôi

Theo truyền thuyết người dân ở đây kể, đó là chó vua đã thành ma hung ác lắm. Mỗi khi chó vua thức dậy, nó hay vào bản này lùng bắt những người đàn ông và trẻ con ăn thịt. Vì thế trẻ con sinh ra đều bị chết yểu, đàn ông thì không ai sống được đến già.

Ngày trước, để diệt trừ con ma làm hại dân, có người đã liều lĩnh mang mìn lên sườn núi ốp vào tảng đá ấy châm ngòi. Tiếng mìn nổ rung chuyển một góc trời, làm tảng đá vỡ một mảng. Nhân dân vui mừng khôn tả nghĩ rằng từ đó sẽ không còn những đêm thức trắng nữa, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, bản Sín Chải lại mất người.

Khi dẫn chúng tôi đi thực tế ở thôn Sín Chải, ông Lý A Vù, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Nậm Pung và trưởng thôn Phú A Sì đều bảo chuyện chó vua chỉ là truyền thuyết mà thôi, ở đây còn có nhiều chuyện có thật mà kỳ lạ hơn.

Trưởng thôn Phú A Sì vác xẻng đi thẳng lên đồi cây sau nhà. Lưỡi xẻng xỉa xuống, lớp đất đen bề mặt được hất tung lên, phía dưới lộ ra vỉa đất màu trắng như vôi. Tôi chưa thấy loại đất này bao giờ nên cầm xem thử. Đất trắng tinh, rất xốp và mềm. Chỉ tay sang phía sườn đồi gần đó, ông Sì bảo loại đất này chỉ có ở thôn Sín Chải và một ít ở Kin Chu Phìn, ngoài ra không ở đâu có.

Đất trắng lại xốp, dễ tan trong nước nên từ lâu người dân trong thôn thường đào về để quét lên tường nhà thay cho vôi. Hai người còn kể như dao chém đá rằng ngày trước nhiều đêm tận mắt thấy có cột lửa sáng rực từ lòng đất phụt thẳng lên trời như người ta bắn pháp hoa cao bằng ngọn cây tre. Mấy năm nay hiện tượng này xuất hiện ít hơn.

Đi đến gần sát điểm trường Tiểu học ở cuối thôn, hai người chỉ cho tôi chiếc cột mốc nhỏ bằng xi măng có khắc chữ: Trạm QT0803 - Quan trắc môi trường phóng xạ - Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Gần đó lại có cái biển nội dung như vậy to bằng cái bàn.


Thôn Sín Chải, xã Nậm Pung còn 100% hộ nghèo

Ông Lý A Vù bảo: Người ta nói thôn này nằm trên mỏ phóng xạ um um gì đó độc hại lắm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Những lần có việc phải ngủ lại ở đây, sáng dậy mình cũng thấy người uể oải, mệt mỏi hơn bình thường. Tôi hỏi vì sao cùng ở trong thôn mà chỉ có đàn ông chết trẻ, còn phụ nữ ở đây vẫn sống thọ đến hơn 70 tuổi, thì ông Vù cũng không giải thích được.

"Nếu thôn bị nhiễm phóng xạ Uranium thật thì mong rằng Nhà nước sẽ quan tâm để các hộ ở đó sớm có được nơi ở mới an toàn. Xã sẽ tích cực tuyên truyền để đàn ông Hà Nhì ở Sín Chải ít uống rượu đi, tập trung vào làm ăn để vợ con đỡ khổ. Nhưng việc này phải có thời gian chứ không thể làm ngay được. Đàn ông Hà Nhì ở Sín Chải, cái mắt chưa nhìn qua được đỉnh núi “chó vua” đâu", Bí thư Tẩn Sài Chiêu.

Tại trụ sở UBND xã Nậm Pung, nghe chuyện chúng tôi kể lại, Bí thư Đảng ủy Tẩn Sài Chiêu không giấu được nỗi buồn: Chuyện chó vua chỉ là truyền thuyết, còn thôn Sín Chải bị nhiễm phóng xạ Uranium như thế nào và có ảnh hưởng gì tới sức khỏe người dân hay không thì phải chờ các nhà khoa học, chứ đến nay vẫn chưa thấy có văn bản thông báo, kết luận gì.

Nhưng chuyện những người đàn ông Hà Nhì ở Sín Chải cứ lần lượt chết đi khi chưa đầy 50 tuổi trong nhiều năm qua đang là nỗi trăn trở của xã.

Thôn Sín Chải có 28 hộ thì 100% đều là người Hà Nhì và thuộc hộ nghèo, tháng giáp hạt trông chờ vào cứu trợ của Nhà nước. Tập quán từ ngày xưa của người Hà Nhì ở đây là đàn ông chỉ coi việc như đi san ruộng bậc thang, làm nhà, đào đất… là việc của mình, còn các việc khác đều của đàn bà.

Vì thế mỗi ngày khi người đàn bà dậy sớm nấu cơm, đeo gùi vắt dây qua trán lên rừng lấy củi, cõng củi về và chuẩn bị lên nương thì đàn ông mới ngủ dậy, ăn cơm và uống rượu. Hằng ngày đàn bà Hà Nhì phải bán công lao động để kiếm tiền thì đàn ông chỉ ở nhà uống rượu và trông con, chờ vợ mang chai rượu, cân thịt về.

Đàn ông Hà Nhì ở Sín Chải uống rượu quá nhiều, khi say rượu lại ít ăn cơm, nên ruột gan lúc nào cũng “ngâm trong bình rượu”. Rượu đổ vào người bao nhiêu thì cơ thể càng yếu đi bấy nhiêu, bệnh tật nhiều lên. Người nào nhìn bề ngoài nước da cũng sạm đen hoặc mai mái, môi thâm, mặt vàng bủng, phù thũng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm