| Hotline: 0983.970.780

Hiến kế đổi mới thi tốt nghiệp THPT Quốc gia

Nội dung kiến thức kì thi đang quá tải!

Thứ Ba 24/07/2018 , 08:36 (GMT+7)

Có lẽ việc tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT, lấy kết quả xét tuyển ĐH cho học sinh lớp 12 là chuyện rất đỗi bình thường, nên điều xã hội cần là phải có tính ổn định lâu dài. 

Vì ổn định, vừa giảm được áp lực học tập cho cả thầy và trò, quan trọng hơn cả là giảm được những tốn kém cho xã hội.

17-27-34_img_9232
Thi cử vẫn tiếp tục gây áp lực nặng nề lên học sinh và các bậc phụ huynh

Thế nhưng, theo dõi công tác thi cử trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy ngành GD-ĐT cứ mãi loay hoay đổi mới mà cuối cùng vẫn rối rắm và cũng chưa định hình được việc đổi mới thi cử một cách khả quan nhất.

Năm nay là năm thứ tư Bộ GD-ĐT duy trì kì thi THPT Quốc gia theo phương châm "2 trong 1". Điểm thi vừa để công nhận tốt nghiệp lớp 12, vừa lấy kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ thì hình thức thi như thế này còn được duy trì cho đến năm 2021.

Nhìn lại 4 kì thi đi qua, chúng ta đã thấy được những ưu điểm, như giảm được áp lực và tốn kém nhưng nó cũng nảy sinh nhiều hạn chế. Nhất là đối với việc những em chỉ lấy kết quả để công nhận tốt nghiệp THPT thì việc ôn một lúc quá nhiều kiến thức môn học là quá tải. Thực tế, giảm tải đâu chẳng thấy mà chỉ thấy áp lực ngày càng tăng khi kiến thức thi càng ngày càng được Bộ mở rộng thêm.

Nếu như 3 năm trước, phạm vi đề ra chỉ nằm trong kiến thức của sách giáo khoa lớp 12 thì năm nay đã có 20% kiến thức lớp 11, từ năm sau sẽ có cả kiến thức lớp 10. Chủ trương của Bộ không sai nhưng vô hình trung đã đẩy học sinh vào những lò luyện thi. Bởi, học sinh không học thêm sẽ không thể nào nắm và nhớ được kiến thức lớp 11.

Hơn nữa, chủ trương của Bộ là “không khoanh vùng nội dung nào sẽ xuất hiện trong đề” thì cho dù chỉ có 20% kiến thức lớp 11 nhưng học sinh chắc chắn phải ôn lại cả kiến thức lớp 11 thì mới hy vọng đạt điểm cao. Việc điểm thi của kì thi THPT Quốc gia năm nay thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ việc học sinh phải ôn cả kiến thức lớp 11 đã chi phối rất nhiều trong quá trình ôn tập và làm bài của học sinh.

Chúng ta đều biết, thi cử là một chuyện hệ trọng bởi giáo dục nước ta luôn coi trọng việc thi cử, bằng cấp. Thế nhưng, việc thi cuối cấp đối với học sinh lớp 12 nhằm công nhận tốt nghiệp và lấy kết quả vào ĐH, CĐ càng nhẹ nhàng thì càng giảm áp lực và đỡ tốn kém cho xã hội.

Xét đến cùng thì cũng chừng ấy học sinh, chừng ấy chỉ tiêu mà các môn khác thì cũng đã học, đã kiểm tra đánh giá qua từng học kì rồi. Vậy nhưng, điều mà xã hội vẫn phải chứng kiến mấy chục năm qua là không biết bao nhiêu lần đổi mới thi cử. Năm nào cũng công bố đề thi thử, cũng phải tập huấn và đẩy giáo viên, học sinh tới vòng xoáy của sự căng thẳng, mệt mỏi.

Kết quả kì thi năm nay đã phản ánh việc chưa thành công trong công tác đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT. Chủ trương của Bộ không sai nhưng cách tổ chức thi THPT Quốc gia lấy nội dung kiến thức lớp 11 trong năm học này và lớp 10 trong năm học tới là quá sức đối với học sinh, và ngay cả với giáo viên.

Mỗi đề thi cũng chỉ có thể giới hạn ở một chừng mực về câu hỏi nhất định nhưng bắt học sinh phải học kiến thức của cả cấp học là điều Bộ cần bàn bạc thấu đáo. Bởi, chủ trương lâu nay của ngành giáo dục là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Bây giờ lại chủ trương như vậy liệu có mâu thuẫn không?

Nỗi khổ học tập và thi cử không chỉ là thầy cô và học trò mà nỗi khổ ấy sẽ chất chồng thêm cho cha mẹ học sinh khi cứ phải gồng mình lên mà lo cho con những khoản chi phí học thêm. Trong khi, năm nào các địa phương cũng gần 100% học sinh tốt nghiệp, các trường ĐH, CĐ thì cũng chỉ chừng đó chỉ tiêu, chừng đó nguyện vọng thì cớ gì mà lãnh đạo ngành giáo dục cứ thay đổi xoành xoạch về cách thi cử làm gì cho lãng phí và tốn kém thời gian công của của toàn xã hội?

 

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.