| Hotline: 0983.970.780

Nơi khổ nhất Đồng Văn & kỳ tích của người Pu Péo

Thứ Năm 15/12/2011 , 09:56 (GMT+7)

Cao nguyên đá khắc nghiệt nhưng không phải “hết thuốc chữa”. Ở nơi khắc nghiệt nhất huyện Đồng Văn, có vùng có thể đói, khát, rét nhưng người Pu Péo thì không.

Cao nguyên đá khắc nghiệt nhưng không phải “hết thuốc chữa”. Ở nơi khắc nghiệt nhất huyện Đồng Văn, có vùng có thể đói, khát, rét nhưng người Pu Péo thì không.

>> Xót xa phận người
>> Những ngày 0 độ C trên cao nguyên đá

Nơi khổ nhất huyện Đồng Văn

Nghe tên có vẻ trung tâm nhưng xã Phố Là thuộc vùng biên cao nhất, xa nhất, khắc nghiệt nhất của cao nguyên đá Đồng Văn. Mùa đông ở đây bắt đầu từ tháng 11 và kéo dài đến tận tháng 4 năm sau. Đó là mùa mà ông Bí thư Đảng ủy xã Giàng Trá Lình không ngần ngại khẳng định: Chẳng có gì khổ bằng.

Cái khổ mà ông Lình nhắc đến chỉ được thống kê trong mùa đông vừa rồi bởi ông thuộc diện cán bộ theo diện luân chuyển từ bên xã Lũng Thầu sang. Chỉ riêng chuyện luân chuyển này, ông Lình nửa đùa nửa thật rằng các xã cao nguyên đá khổ quá nên mới có chính sách luân chuyển để thay đổi không khí khổ một tý. Mùa đông năm ngoái, hơn 20 con trâu chết rét, hơn 200 ha ngô và rau cải, thứ thì bị sương muối ăn rục ra, thứ thì bị đóng băng cho đến chết. Đằng đẵng hàng tháng trời, nhiệt độ chẳng mấy khi ngoi lên được số dương.

Và mùa đông năm nay chỉ mới bắt đầu nhưng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy nó bớt khắc nghiệt hơn năm ngoái cả. Đến như trung tâm xã là nơi bằng phẳng nhất cũng chìm trong làn sương muối nhờ nhờ. Sương bắt đầu phủ từ chiều hôm trước đến tận trưa hôm sau vẫn chưa thể nhìn thấy rõ mặt người. Sương muối bắt đầu đổ cũng là thời điểm đồng bào dân tộc ở Phố Là bước vào cuộc chiến. Cuộc chiến bảo vệ trâu bò khỏi bị cái rét khắc nghiệt cướp đi, cuộc chiến giành nhau từng gáo nước rỉ rả từ núi đá…

Phố Là có hơn 400 hộ dân, diện tích đất tự nhiên rộng tới 1.370 ha nhưng chỉ có 230 ha đất có thể sản xuất nông nghiệp cũng vì mùa đông. Địa hình chủ yếu là núi đá dốc, mùa mưa, đất chẳng thể bám trụ được trên núi đá nên cứ đến cuối tháng 7 nhìn lên núi đồi chỉ thấy rặt một màu xám của đá tai mèo. Dân chưa kịp chuẩn bị khôi phục diện tích đất sản xuất thì mùa đông đến. Mùa đông kéo theo sương muối, rét khiến bất cứ cây gì trông lên cũng đều chết hết.

Người Mông ở Phố Là vẫn phải ăn mèn mén

Cũng vì khắc nghiệt thế nên trong đợt khảo sát năm nay Phố Là vẫn còn tới hơn 65% hộ nghèo. Ngoại trừ những bản trung tâm kha khá hơn một chút thì rải rác trên núi đá, những bản như Tả Lủng, Phố Là A, Phố Là B cứ đến đợt thống kê cán bộ xã chẳng cần đi thực tế vẫn cứ nắm rõ mồn một: Đói nghèo 100%.

Bản Tả Lủng gồm 80 hộ dân người Mông sinh sống rải rác trên những triền đá cao chót vót. Chỉ cách trung tâm xã có 7 km đường chim bay nhưng ngược Tả Lủng mùa này chỉ có cách đi bộ bởi đá, bởi sương mù dày đặc. Ngoại trừ đói nghèo đã thành “truyền thống” thì mỗi khi mùa đông về công việc cấp bách nhất của người dân là xuống trung tâm ủy ban xã để gùi nước về sinh hoạt. Trên đường vào bản, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp người Mông đốt đuốc từ trên núi đi xuống. Họ phải làm thế để vừa soi đường vừa sưởi ấm, vừa xua bớt đi làn sương muối dày đặc.

Thiếu nước cũng là nguyên nhân khiến Tả Lủng nghèo nhất Phố Là, còn gia đình Hạ Tà Xay lại nghèo nhất Tả Lủng. Nghèo là phải, bởi thay vì một ngày lên nương thì Xay đã mất nửa ngày đi lấy nước. Nhà có 6 khẩu ăn nhưng mỗi vụ ngô chỉ được tầm 1 tạ vì không có đất. Một năm nhà Xay thiếu ăn đủ…12 tháng. Năm ngoái có chính sách vay tiền mua bò, gia đình Xay cũng được một con. Đó là tài sản lớn nhất mà gia đình có từ trước đến nay, vậy nhưng mùa đông kéo về được vày ngày thì bò chết rét nên trong nhà giờ chẳng còn gì.

 Bất chấp cái lạnh và sương muối rát rạt táp vào da, cứ tờ mờ sáng là Xay lại cõng can đi lấy nước. Chặng đường cuốc bộ 7 km dần cũng thành quen, điều khiến Xay lo nhất là những khe nước trên núi mùa này không đủ vì phần lớn bị đóng băng. Còn hồ treo trữ nước ở trung tâm xã cũng bắt đầu khô cạn do không được tiếp nước từ những cơn mưa.

Kỳ tích của người Pu Péo

Chẳng thể ngờ ở nơi khắc nghiệt nhất Đồng Văn như Phố Là lại là cái nôi của người Pu Péo, dân tộc thiểu số ít người nhất cao nguyên đá đang sinh sống. Họ được xem là những cư dân đầu tiên khai phá vùng cao nguyên đá này và cũng chính họ là những người biết tìm ra cách chống chọi với rét, với sương muối, với cái đói tưởng chừng bắt buộc.

Người Pu Péo ở Phố Là sống biệt lập trên bản Chúng Trải. Họ chỉ vỏn vẹn có 28 hộ dân, 130 khẩu nhưng lại là tộc người đỡ nghèo nhất của xã. Thống kê năm nay số dân Pu Péo đứt bữa vào mùa đông chưa đến 5 nhà. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, người Pu Péo vẫn có thể nuôi 5- 6 con trâu bò một lúc mà chẳng thấy bị chết bao giờ. Liên quan đến kỳ tích này, ông Tráng Mìn Hồ, một người Pu Péo đang làm Bí thư chi bộ thôn Chúng Trải giải thích: Đồng bào Pu Péo đỡ khổ hơn đồng bào dân tộc khác là nhờ có…thần rừng. 

Người Pu Péo nhờ rừng để đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt

Thần rừng mà ông Tráng Mìn Hồ nói đến rộng khoảng 600 ha, một màu xanh ngút mắt mọc lên giữa cao nguyên bạc màu đá xám. Đó là khu rừng nguyên sinh gần như duy nhất mà xã Phố Là còn giữ được. Vừa dẫn tôi lên khu rừng kỳ lạ ông Hồ vừa kể lại sự tích lý giải vì sao người Pu Péo lại có mặt trên cao nguyên đá. Sự tích ấy thế này: Thuở hồng hoang khi vùng cao này quanh năm khô hạn thì một ngày kia có một trận đại hồng thủy ập xuống trần gian. Có hai chị em nhà kia được thần linh báo mộng đã kịp nhảy lên chiếc nong tròn nên thoát nạn. Chiếc nong ấy đưa hai chị em đến ngọn núi đá mà bây giờ là cánh rừng thiêng. Hai chị em may mắn ấy được xem là thủy tổ của người Pu Péo bây giờ.

Hết cứu ngô, cứu lúa rừng lại cứu trâu bò. Mùa đông rét cóng, sương muối, người Pu Péo gửi trâu bò vào cho rừng giữ hộ đến hết rét lại đón về. Nhờ rừng, người Pu Péo cũng là tộc người duy nhất ở Phố Là xem chuyện ăn mèn mén là “ăn cho vui”. Còn nghị quyết của Đảng bộ xã Phố Là từ mấy năm nay năm nào cũng kêu gọi những đồng bào khác có cách giữ rừng như người Pu Péo.

Vì vậy, đồng bào Pu Péo ở đây mới có tục thờ thần rừng. Và thực tế, rừng cũng là cứu cánh để họ có thể bám trụ nơi vùng đất quá ư khắc nghiệt. Thế hệ này của người Pu Péo chết đi về với rừng, thì thế hệ khác sinh ra thay trách nhiệm bảo vệ. Cứ hết đời này qua đời khác như thế, rừng là chốn bất kể người trong bản Chúng Trải hay bất cứ ai cũng không được động vào.

Người Pu Péo xem rừng thiêng liêng đến mức một dạo huyện Đồng Văn có chính sách bảo tồn dân tộc ít người thứ 5 bằng việc đưa họ ra thị trấn Phó Bảng rồi dựng nhà, cấp ruộng nhằm tránh vùng cao quá khắc nghiệt. Nhưng chỉ được 1-2 năm đã phải để họ quay về vì “không thể mang rừng thiêng đi được”. Họ quay về và khẳng định, nếu dựa vào rừng thiêng có thể đủ ăn, đủ ấm qua mùa đông.

Ông Tráng Mìn Hồ được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Chúng Trải cũng là nhờ có đầu óc làm kinh tế. Nhà ông có 6 con bò, 6 con lợn, mỗi vụ ngô được tầm năm tạ. Họ cũng là dân tộc biết làm cây lúa nước đầu tiên ở Phố Là. Ruộng người Pu Péo cũng kỳ lạ lắm. Họ cuốc đất cạnh bìa rừng và cho dù mùa mưa hay mùa đông này thì rừng thiêng của người Pu Péo cũng đều có nước chảy róc rách theo từng lèn đá đi ra Chúng Trải.

Nước từ rừng không chỉ đủ ăn mà còn đổ về ruộng cho đồng bào cấy lúa. Nhờ nguồn nước ấy mà mỗi vụ lúa, gia đình ông Hồ được gần cả tấn, còn dân Chúng Trải nhiều gia đình 2-3 tấn là chuyện bình thường.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm