| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo xăng dầu đè nặng ngư dân

Thứ Ba 06/09/2022 , 19:14 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Giá xăng dầu tăng quá cao khiến nhiều chuyến biển thua lỗ, ngư dân còn gánh thêm nỗi lo giá xăng dầu có thể còn tăng cao và khan hiếm nguồn cung thời gian tới.

Canh cánh lo âu

Tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định), không khí huyên náo bao trùm từ bến cảng vào đến nhà lồng. Trên bến, tàu cập bờ lên cá trong không khí hối hả; tàu đã bán sản phẩm cấp tập lấy nhiên liệu, đá lạnh, lương thực chuẩn bị mở chuyến biển mới. Trong nhà lồng, thương lái cân mua, phân loại cá; lực lượng lao động hối hả vận chuyển những rổ cá lên những xe tải chở về các nhà máy chế biển thủy sản.

Trong không khí rộn rã ấy, nét lo âu vẫn hiện rõ trên gương mặt của những chủ tàu cá, nỗi lo ấy chính là nỗi lo về xăng dầu. Thời gian qua, giá xăng dầu cao ngút đã đành, việc thiếu hụt xăng dầu càng khiến những chủ tàu cá lo âu những chuyến biển sắp tới tàu của mình đổ không đủ dầu để đi đánh bắt.

Trong những ngày này, Cảng cá Quy Nhơn luôn tấp nập hoạt động mua bán thủy sản đánh bắt của các tàu cá cập bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Những ngày này, cảng cá Quy Nhơn vẫn tấp nập hoạt động mua hải sản, nhưng nỗi lo về giá xăng dầu ngày càng đè nặng lên ngư dân. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Lê Văn Niên (sinh năm 1975), chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 97024 TS ở phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đang rất tất bật vì tàu cá của anh đúng 10 giờ ngày 5/9 là ra khơi. Anh Niên bày tỏ lo âu: “Tàu cá của tôi cập bờ đã 6 ngày nay, thế nhưng 10 giờ trưa hôm nay mới ra khơi mở chuyến biển mới. Chuyến biển này hình như đầu vào của các đại lý xăng dầu tại cảng cá Quy Nhơn bị hạn chế hay sao mà việc cung ứng xăng dầu cho tàu cá không nhanh như trước đây, phải đổ 5 lần 10 lượt mới đủ số lượng cần cho 1 chuyến biển”.

Dù giá nhiên liệu đang tăng cao và theo phản ánh của ngư dân thì việc tiếp nhiên liệu cho tàu cá không thuận lợi như trước đây, nhưng hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định vẫn vươn khơi.

Ngư dân Lê Văn Niên cho biết thêm: “Mùa này là mùa gió Nam, biển đang êm, không như tháng 9 tháng 10 mùa gió bấc đi biển khó khăn nên hầu hết các tàu cá đều tranh thủ đi đánh bắt. Hiện đang là mùa đánh bắt chính của nghề lưới vây, vì biển xuất hiện nhiều cá ngừ sọc dưa. Tàu của tôi vừa làm nghề lưới vây vừa câu cá ngừ đại dương. Do lúc này khó tìm bạn thuyền nên tôi chỉ hành nghề câu, nhưng mùa này biển vắng cá ngừ đại dương nên thường lỗ tổn phí. Tuy nhiên, nhờ Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu nên vẫn tôi cố gắng cho tàu bám biển”.

Đang vụ cá nam, vụ đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa nên nhiều tàu khai thác đạt sản lượng. Ảnh: V.Đ.T.

Đang vụ cá nam, vụ đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa nên nhiều tàu khai thác đạt sản lượng, tuy nhiên nhiều tàu vẫn lỗ do tổn phí tăng quá cao, nhất là giá dầu. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi chuyến đánh bắt của tàu cá đánh bắt xa bờ kéo dài hơn 20 ngày, số nhiên liệu cần cho mỗi chuyến biển lên đến 4.000 lít dầu. Tình trạng nhiên liệu vừa tăng giá vừa khan hiếm như hiện nay là nỗi lo lớn của những chủ tàu cá, vì chỉ còn mấy tháng nữa là đến mùa mưa bão, tàu không thể vươn khơi.

“Hiện nay giá dầu đang ở mức 24.200đ/lít, quá cao so với trước đây. Trước thông tin giá dầu sẽ còn tăng nữa khiến chúng tôi rất lo, vì giá dầu tăng cao quá ngư dân sẽ cho tàu neo bờ hết vì sự thua lỗ”, ngư dân Lê Văn Niên chia sẻ thêm.

Điều tra việc bán dầu giá cao hơn niêm yết

Tàu cá mang số hiệu BĐ 95144 TS (410CV) do ngư dân Nguyễn Hữu Đào ở phường Hoài Hương (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng hành nghề câu cá ngừ đại dương mới cập bờ vào 3 giờ sáng ngày 5/9, khoảng 10 ngày nữa tàu anh mở chuyến biển mới. Vừa cập bờ, anh Đào nghe râm ran việc giá nhiên liệu sẽ còn tăng, có người còn kháo nhau phải đổ dầu cho nhanh chứ dầu lúc này khan hiếm khiến anh lo nẫu ruột.

“Năm 2021, giá dầu ổn định, ngư dân đi biển còn có thu nhập, năm nay giá dầu liên tục tăng cao nên những chuyến biển của ngư dân đều công cốc. Năm ngoái chi phí tiền dầu cho 1 chuyến biển chỉ 80 triệu đồng, hiện nay tăng đã lên đến 130 triệu đồng. Chuyến biển vừa rồi đánh bắt không đạt sản lượng, bán cá chỉ được 100 triệu đồng, tôi còn lỗ 30 triệu đồng, nhưng rồi vẫn phải tiếp tục vươn khơi. Bây giờ ngư dân làm đến đâu tính đến đó, nếu cảm thấy không kham nổi giá nhiên liệu thì đành cho tàu nằm bờ để tránh thua lỗ liên tục”, ngư dân Nguyễn Hữu Đào lo lắng.

Ngư dân Lê Văn Niên (SN 1975), chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 97024 TS, cho biết 10 giờ trưa ngày 5/9 tàu của anh sẽ mở chuyến biển mới. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Lê Văn Niên (sinh năm 1975), chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 97024 TS chuẩn bị chuyến biển mới. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Định, nắm bắt thông tin phản ánh của ngư dân, từ ngày 1/9 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường Bình Định đã đồng loạt ra quân làm việc tại 295 cây xăng trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường không được để đứt gãy nguồn cung nhiên liệu nhằm đảm bảo sản xuất và phục vụ người tiêu dùng.

Về thông tin ngư dân phải mua dầu với giá cao hơn giá niêm yết, cũng theo ông Trần Đức Tiến, Cục Quản lý thị trường Bình Định đã cử Đội Quản lý thị trường số 5, đơn vị quản lý địa bàn Cảng cá Quy Nhơn hoạt động tiến hành thẩm tra, xác minh. Đồng thời phối hợp với Sở Công thương, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quy Nhơn và Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn Bình Định tiến hành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong khu vực cảng cá.

Qua kiểm tra của Cục Quản lý thị trường Bình Định, chưa thấy các cơ sở cung ứng nhiên liệu tại Cảng cá Quy Nhơn có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: V.Đ.T.

Cục Quản lý thị trường Bình Định cho biết sẽ điều tra, xác minh thông tin một số nơi bán xăng dầu cao hơn giá niêm yết. Ảnh: V.Đ.T.

“Qua kết quả làm việc, trích xuất dữ liệu bán hàng của các cửa hàng, đến thời điểm này, chúng tôi thấy trong thời gian qua các cửa hàng này đều bán nhiên liệu đúng giá quy định theo từng thời điểm, không có vi phạm. Về phản ánh của một số ngư dân đã mua dầu với giá cao hơn giá quy định, cần phải xác minh thêm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp tục thẩm tra xác minh. Ví dụ mời các chủ tàu đến làm việc, cung cấp các tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở xử lý vi phạm nếu có”, ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Định cho biết.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.