| Hotline: 0983.970.780

Nổi nênh phận người

Thứ Sáu 17/02/2012 , 09:56 (GMT+7)

Hàng chục năm nay, người dân làng vạn chài Trung Hà dưới chân cầu Hòa Bình (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề...

Người dân xóm chài khao khát được lên bờ
Hàng chục năm nay, người dân làng vạn chài Trung Hà dưới chân cầu Hòa Bình (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Điều đáng nói là họ đang bị bệnh tật hoành hành liên miên.

>> Chuyện buồn Đà giang

Thải ra rồi múc lên uống

Làng chài Trung Hà có 58 hộ dân với 204 nhân khẩu nằm dọc hai bên chân cầu Hòa Bình. Ngoài cuộc sống khó khăn thiếu thốn thì hàng chục hộ dân nơi đây luôn phải đấu tranh mạng sống của mình với hà bá. Xóm chài hình thành như ngày hôm nay là do những hộ dân trước đây sống ở Ba Vì (Hà Nội) ngược lên thượng nguồn sông Đà đánh bắt cá, rồi dần dần định cư tại đây.

Xóm chài Trung Hà trước kia chỉ có khoảng chục hộ sinh sống, sau đó con cái lớn lên lấy vợ gả chồng, họ sinh con đẻ cái rồi tách ra ở riêng, đến nay đã có 58 hộ. Người dân vạn chài không có nghề phụ nào khác ngoài công việc giăng câu thả lưới mưu sinh nên cuộc sống của họ khó khăn, thiếu thốn.

Tính đến nay xóm chài Trung Hà này đã qua ba thế hệ, cảnh nghèo khó cứ nối tiếp. Con cái lớn lên không học hành gì, trong khi nhà nào cũng đẻ nhiều con. Trung bình mỗi gia đình có từ 5-6 con; cá biệt có gia đình có cả chục người sinh sống chen chúc nhau trong chiếc thuyền vỏn vẹn mươi mét vuông.

Vừa ngồi gỡ mấy tay lưới cho con trai chuẩn bị đi thả, bà Lê Thị Khoa (73 tuổi) cho hay: "Cảnh sông nước khổ lắm các chú à. Trước đây cá tôm ở sông nhiều, chăm chỉ còn kiếm được cái ăn, giờ đi thả lưới cả ngày cũng không đủ tiền mua cân gạo qua ngày. Trong xóm chài này nhiều người cũng đã lên bờ đi làm thuê, buôn bán nhưng do chỉ quen với nghề sông nước nên không làm ăn được đành phải quay về với con tôm con cá sống tạm bợ".

Đã gần trọn đời với nghề sông nước nhưng mỗi lần gió to mưa lớn, bà Khoa không thể yên lòng. Bà không lo cho thân mình, nhưng lo cho bọn trẻ mai này không có chỗ trú thân. Vào mùa mưa bão, sông Đà rất hung giữ, sóng vỗ vào mạn thuyền ầm ầm, nước sông chảy xiết đánh xóm chài tan hoang.

Nhà nào ở xóm chài cũng tạm bợ. Nhà khá giả hơn một chút thì có thùng phuy hay can nhựa kê ở dưới làm nền, còn phía trên vẫn là đủ các loại bạt, ni lông che chắn qua loa. Những chiếc thuyền nhỏ như nhà bà Khoa không có phao nên mỗi lần có thuyền lớn chạy qua là mỗi lần cả nhà lo thon thót.

Trời yên thì không sao, mỗi khi mưa bão thì xóm chài nháo nhác như chạy loạn. Người già, trẻ con vội vã lên bờ, đồ đạc cũng được mang theo; còn cánh đàn ông, thanh niên thì phải bám trụ ở lại để canh thuyền, chống chọi với bão, gió.

Nhà bà Khoa nằm sát bên một "ngôi nhà" to gấp 3,4 lần. Đây cũng được xem ngôi nhà lớn nhất của xóm vạn chài. Chúng tôi đang ngồi uống chén nước, thấy một đống rác thải sinh hoạt của hộ nhà bên tuồn xuống sông ngay trước cửa nhà bà Khoa, bốc mùi khó chịu. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên nhưng với bà Khoa thì đó lại là "chuyện thường phố huyện". Bà nói: "Ở đây nhà nào cũng như vậy cả, mọi rác thải sinh hoạt hàng ngày đểu đổ hết xuống sông. Người dân lại lấy luôn nước đó lên rửa rau, rửa bát, giặt giũ… nên ở đây ốm đau bệnh tật thường xuyên xảy ra. Bệnh phổ biến nhất vẫn là bệnh đường ruột".

Nói xong bà Khoa lấy ngay gầu múc nước đổ vào chậu để rửa rau muống chuẩn bị cho bữa cơm trưa. "Biết là nước bẩn nhưng tiền mua gạo còn không có lấy tiền đâu mà mua nước sạch. Mua được bình nước sạch chỉ dám dùng để uống thôi, chứ ở đây ai cũng dùng vậy mà", người phụ nữ trải lòng.

Mong mỏi lên bờ

Hỏi về việc xóm chài cứ phải sống dưới sông giữa thành phố cho đến bao giờ? Bà Khoa không giấu được niềm mong ước của mình bấy lâu nay: "Chỉ mong được Nhà nước giúp đỡ để chúng tôi có cơ hội lên bờ thôi".

Không chỉ riêng bà Khoa mà hàng chục hộ dân đang sống ở dưới chân cầu Hòa Bình này đều ao ước có một nơi ở mới trên bờ để ổn định cuộc sống, không còn phải sống trong cảnh ô nhiễm, ốm đau bệnh tật nữa.

Cả xóm chài có 204 nhân khẩu thì có 62 người trong độ tuổi lao động làm việc tự do. Số người trên độ tuổi lao động chiếm 54 người, chỉ quanh quẩn bên sông nước và 54 cháu trong độ tuổi đến trường. Hiện, thu nhập bình quân của người dân xóm chài rất thấp, chỉ được khoảng 700.000-800.000 đồng/người/năm.

Bà Khoa tâm sự: "Cuộc đời tôi cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi cũng muốn được sống một lần trên bờ như bao người dân khác, khi đó có nhắm mắt cũng yên lòng. Chỉ tội cho những đứa trẻ ở đây, không có nhà cửa ổn định, học hành không tới nơi tới chốn, bị người ta xa lánh vì là người xóm vạn đò".

Để con cháu mình sau này thoát khỏi cảnh sông nước vất vả như bây giờ, những người như bà Khoa lúc nào cũng vận động mọi người dù khó khăn đến mấy phải cố gắng cho các cháu đi học. Chính vì thế mà đến nay 54 cháu trong độ tuổi đi học đã được đến trường. Mới rồi, xóm vạn chài có một cháu học lớp 7 đi thi bơi toàn quốc và đoạt giải khuyến khích. “Nếu có điều kiện hơn, các cháu xóm chài này cũng sẽ học giỏi không thua kém gì các bạn trên bờ đâu”, bà Khoa tự hào khoe.

Ông Ngô Văn Thông, Trưởng xóm vạn chài Trung Hà, cho biết, đã nhiều lần người dân làm đơn gửi lên phường, UBND thành phố để xin được cấp đất lên bờ, xong đến nay vẫn chưa thấy có hồi âm của các cơ quan chức năng, khiến người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi.

“Thời gian vừa qua người dân vạn chài luôn phải sống trong khó khăn thiếu thốn, ốm đau bệnh tật nên rất cần có một chỗ ổn định để an cư lập nghiệp”, ông Thông tha thiết kiến nghị.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm