| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm nghề “dẫn thủy nhập điền”

Thứ Tư 05/12/2012 , 13:19 (GMT+7)

Người ta thường gọi công việc của những nông dân đang làm thủy nông viên (TNV) cho các HTXNN là cái nghề “dẫn thủy nhập điền”.

Tài công trực 24/24 tại Trạm bơm Bảy Yển (Nhơn Khánh) để bơm nước phục vụ SX vụ ĐX

Người ta thường gọi công việc của những nông dân đang làm thủy nông viên (TNV) cho các HTXNN là cái nghề “dẫn thủy nhập điền”. Tuy cái nghề có tên gọi hay ho là vậy nhưng công việc thì vô cùng cực nhọc, mà mức thu nhập thì rất hẩm hiu.

Công việc nhiều, thu nhập ít

Khi thực hiện bài viết này, tôi chọn điểm đến là HTXNN Nhơn Khánh, TX An Nhơn (Bình Định). Lý do, vì đây là địa phương có hầu hết diện tích canh tác cây lúa không được hưởng nước tự chảy, hoàn toàn “nương tựa” vào các trạm bơm điện, do đó cần phải có lực lượng TNV hùng hậu thì mới đảm đương được nhiệm vụ “dẫn thủy nhập điền”.

Tôi đến trụ sở HTXNN Nhơn Khánh đúng vào thời điểm đang chuẩn bị gieo sạ vụ ĐX 2012-2013. Cả Ban chủ nhiệm HTX không ai có mặt tại cơ quan. Hỏi ra thì biết, “cán bộ lớn, cán bộ nhỏ” đều đi ra đồng để đốc thúc các TNV nhanh chóng hoàn tất việc khai thông hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước về cho bà con kịp gieo sạ đúng lịch thời vụ.

Đang ngồi nhâm nhi ly trà buổi sáng với ông Trưởng Ban kiểm soát Đỗ Văn Bích thì HTX có khách. Đó là 1 bà cụ có mái tóc bạc phơ. Vừa vào văn phòng, bà cụ liền trình bày với ông Bích vấn đề gì đó mà mới nghe qua tôi chưa hiểu. Khi nghe hết chuyện, tôi hiểu ra là bà đến xin Ban chủ nhiệm HTX cho chồng bà (ông Phan Hữu Hiền, 76 tuổi) thôi làm công việc tài công cho máy bơm nước của HTX.

Nghe xong lời trình bày của bà cụ (Phan Thị Phượng, 70 tuổi, ở đội 3 thôn Quang Quang), ông Trưởng ban Kiểm soát HTX gãi đầu, năn nỉ: “Kệ, cho bác trai làm hết vụ này rồi nghỉ cũng được, chứ bây giờ nghỉ ngang thì biết lấy ai thay vào”. Bà Phượng lắc đầu nguầy nguậy: “Ổng làm đơn xin nghỉ đã lâu lắc rồi mà sao mấy ông không tìm người thay. Bây giờ thì ông nhà tui nhất quyết nghỉ”.

Tôi bắt chuyện với bà Phượng: “Sao bác nhất quyết bắt bác trai nghỉ việc vậy”. “Ổng làm tài công cho trạm bơm điện 5 năm rồi mà tui có thấy được đồng bạc nào của ổng đâu. Đầu tắt mặt tối cả 1 vụ mùa (4 tháng) mà chỉ được trả công có 3 triệu bạc, không đủ ổng hút thuốc và uống trà sáng, lại bỏ cả công việc nhà”, bà Phượng nói.

Theo lời kể của bà Phượng, chồng bà, ông Phan Hữu Hiền phụ trách trạm bơm ở xóm 3. Công việc của ông Hiền là bất kể ngày đêm, hễ đồng ruộng có nhu cầu tưới là máy bơm phải nổ đến khi 10 ha ruộng đầy nước mới được nghỉ. “Có nhiều bữa đến xế chiều rồi mà chưa thấy ổng về nhà, tui phải dỡ cơm đem ra trạm bơm cho ổng ăn. Vào mùa hạn hán còn cực hơn, ổng già rồi mà cũng phải vác cuốc ra sông nạo vét cho có nước bơm tưới. Có năm, mùng một Tết mà ổng cứ nằm gí ở trạm bơm không về được để cúng ông bà. Do HTX kiếm không ra người, năn nỉ ổng làm, ổng cả nể nhận việc chứ tui đâu có muốn”, bà Phượng bộc bạch.

Người làm tài công đã cơ cực là vậy, công việc của TNV còn “bù đầu” hơn. Anh Huỳnh Văn Lộc, TNV của xóm 12 thuộc thôn An Hòa, cho biết: “Tui chịu trách nhiệm dẫn nước tưới cho 10 ha ruộng trên địa bàn, mỗi vụ được HTX trả công 3 triệu đồng. Thu nhập ít là vậy mà công việc thì ôi thôi, khổ vô kể”.

Theo anh Lộc, trước khi vào vụ, những TNV phải dọn cỏ khai thông hệ thống kênh mương nội đồng (KMNĐ) trên địa bàn mình quản lý. Kể từ khi chuyển sang SX 2 vụ/năm, đồng ruộng nghỉ SX 3-4 tháng liền nên KMNĐ bị trâu bò dẫm đạp sạt lở rất nhiều, cỏ thì mọc “lút đầu”, cực nhọc lắm mới dọn được 1km kênh mương.

“Riêng trên địa bàn xóm 12 có đến 2 km KMNĐ, trước khi vào vụ SX tui phải ra sức dọn sạch. Dù cố gắng đến mấy mỗi ngày tui cũng chỉ dọn được 30m vì cỏ mọc dày đặc. Vào vụ, tui phải liên tục đeo bám đồng ruộng, bất kể ngày đêm để dẫn nước vào từng đám ruộng”, anh Lộc than thở.

Trong những thời điểm hạn hán, công việc của các TNV cơ cực hơn đã đành, lại còn thường xuyên bị va chạm với các chủ ruộng. Có nhiều TNV phải bỏ việc vì áp lực va chạm này. Ông Võ Văn Anh (67 tuổi) ở xóm 12, thôn An Hòa, kể lại: “Tui làm TNV địa bàn này được 1 năm (2002) thì “bức”. Hồi đó ruộng chưa được cải tạo, còn nhiều bậc thang nên có nhiều đám ruộng nằm trên cao, rất khó đưa nước đến, nhất là vào mùa hạn. Chủ những đám ruộng trên cao thấy ruộng trong vùng đều có nước mà ruộng mình không có là cứ “nắm đầu” TNV ra chửi mắng thậm tệ. Thậm chí họ còn đòi mình bắt đền sản lượng nếu ruộng họ bị cháy. Sau lần bị 1 chủ ruộng đòi bửa cuốc lên đầu vì không có nước đến ruộng , tui xin nghỉ việc ngay”.

Nan giải

Theo ông Nguyễn Văn Hào, cán bộ thủy lợi HTXNN Nhơn Khánh thì HTX có 365 ha đất SX lúa, hầu hết hưởng nước từ các trạm bơm điện. Để phục vụ nước tưới cho diện tích nói trên, HTX xây dựng 8 trạm bơm điện, trong đó có 5 trạm lớn và 3 trạm nhỏ. Để phục vụ công tác thủy lợi, HTX cần phải có 9 tài công và 23 TNV. Mặc dù cán bộ HTX cử nhau về tận từng thôn, xóm để gặp gỡ, động viên nông dân tham gia làm công việc này, nhưng đi đến đâu cũng được trả lời bằng những cái lắc đầu. Bí quá, HTX phải “tuyển” những cụ già vốn rất yêu quý ruộng đồng đảm nhận công việc này.

Thế nhưng cũng chẳng được bền, bởi công việc của những người làm nghề “dẫn thủy nhập điền” cơ cực thì nhiều mà thu nhập quá ít nên dần dà họ đều bỏ việc. Thậm chí có nhiều TNV muốn kiếm thêm thu nhập bằng cách đảm nhận luôn nhiệm vụ tài công, nhưng cộng cả 2 nguồn, mức thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Ví như anh Huỳnh Văn Lộc ở xóm 12, thôn An Hòa.

“Thú thiệt, vì quá mến tay mến chân với cánh đồng xóm 12 nên tui có gắng làm cả chân tài công lẫn TNV để tăng thêm thu nhập lên 4 triệu đồng/4 tháng (1 vụ) cho vợ con khỏi ngầy. Chứ nếu bỏ ra đi làm phụ hồ, chỉ 1 tháng tui cũng kiếm được khoản tiền nói trên”, anh Huỳnh Văn Lộc.

Anh Lộc “bao” luôn “vai” tài công cho trạm bơm nhỏ ở xóm 12 nhưng chỉ kiếm thêm được 1 triệu đồng/vụ. Cộng với khoản thu TNV 3 triệu/vụ, trong 4 tháng trời anh Lộc chỉ thu được 4 triệu đồng, vị chi mỗi tháng anh Lộc chỉ thu được 1 triệu đồng. Trước thực tế trên, hiện tượng TNV và tài công trạm bơm rủ nhau bỏ việc là không có gì đáng ngạc nhiên. Chuẩn bị bước vào vụ SX ĐX năm nay mà ở HTXNN Nhơn Khánh có nhiều địa bàn bị “trống” những người làm công tác thủy lợi.

Ông Nguyễn Văn Hào cho biết thêm: “Khoản chi trả cho TNV được trích từ nguồn thu TLP nội đồng hằng năm. Trong khoản thu 25.000 đ/sào/vụ, chúng tôi trả cho TNV 15.000 đ/sào/vụ, khoản còn lại (10.000 đ) dùng cho công tác tu bổ kênh mương nội đồng và sửa chữa máy bơm khi có hư hỏng. Tài công thì được hưởng lương tùy theo trạm lớn, nhỏ và diện tích tưới, bình quân mỗi suất là 3,5 triệu đồng/vụ”.

Với mức chi trả cho tài công và TNV nói trên, ông Hào cũng cho rằng quá “bèo” so với công việc họ đảm đương, những lão nông còn “chê” nói gì đến thanh niên. Do đó, mặc dù HTX đang rất cần người nhưng không ai nhận làm công việc này. “Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các thôn, xóm tìm người, động viên họ làm. Thế nhưng, những người có ý định nhận việc thì đang đòi chế độ cao hơn họ mới chịu làm. Vấn đề này thật nan giải, bởi nếu muốn họ làm phải trả theo mức yêu cầu. Mà nếu thực hiện như vậy ở 1 vài địa phương, cả hệ thống đồng loạt đòi tăng lương thì chúng tôi chỉ có... vỡ nợ. Bởi hiện nay, khoản thu TLP nội đồng không đủ bù chi”, ông Hào nói.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm