| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm những chủ tịch xã 'xin tiền vợ' làm việc công mà ít người tin

Thứ Năm 02/11/2017 , 14:30 (GMT+7)

Mỗi ngày đi xe gắn máy đến ủy ban, sau đó không họp thì tham gia chỉ đạo đoàn giải quyết vi phạm hành lang lộ giới, xây dựng nhà cửa trái phép, tiền xăng xe ăn uống rất tốn kém, lương không đủ chi...

"Thật ra, lãnh đạo địa phương chúng tôi không ai muốn hội họp nhiều làm gì cả, chẳng qua tại nó là vậy". Đó là lời gan ruột của một vị lãnh đạo xã.
 

Nỗi niềm chủ tịch xin tiền vợ

Ông Nguyễn Văn Ca, Chủ tịch UBND xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho hay, mức hệ số lương ông đang hưởng là 3.0, tức hơn 5 triệu đồng/tháng. Theo cơ cấu, Chủ tịch Ủy ban phải có "chân" trong cấp ủy và Đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Vì thế ngoài lương, ông còn được phụ cấp trách nhiệm của 2 tổ chức nói trên khoảng 0,3 hệ số, tức thêm vài trăm ngàn.

10-35-24_2
Lịch họp của Chủ tịch xã lúc nào cũng kín mít

Ngoài ra, ông có thêm tiền công tác phí 240 ngàn đồng/tháng, vị chi thu nhập 6 triệu đồng/tháng, tức mỗi ngày được 200 ngàn. Dù kiêm nhiệm hơn chục chức danh rất hoành tráng, đều phải tham gia hội họp giải quyết nhưng theo qui định lại không có phụ cấp trách nhiệm.

"Nhà tôi ở xã Long Hậu, mỗi ngày đi xe gắn máy đến ủy ban, sau đó không họp thì tham gia chỉ đạo đoàn giải quyết vi phạm hành lang lộ giới, xây dựng nhà cửa trái phép, tiền xăng xe ăn uống rất tốn kém, lương không đủ chi, nói Chủ tịch xã cho oách nhưng vẫn thường xuyên xin tiền vợ", ông Ca nói.

- Trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp, công ty đứng chân, họ cần có quan hệ với chính quyền địa phương để sau này còn dễ dàng trong vấn đề xử lý đất đai, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự... thì lâu lâu ông cũng phải nhận tí "bổng lộc" quà cáp chứ? Tôi hỏi thẳng thắn.

"Nói thật, các doanh nghiệp bây giờ người ta khôn lắm, họ chỉ quan hệ thân thiết với các "anh Ba, chị Bảy" trên tỉnh, trên huyện. Doanh nghiệp chỉ la lên là ở trên điện thoại xuống can thiệp gửi gắm, nên người ta đi quà cáp cho mình cũng chỉ chai rượu ngoại vào mấy ngày lễ, tết", ông Ca chia sẻ.

Chúng tôi tiếp tục đến xã Trường Bình, 1 trong 3 xã của huyện Cần Giuộc đang thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch xã. Đây là xã thuần nông với trên 400 ha đất lúa, 45 ha đất rau màu. Đáng nói, năng suất lúa tại đây đạt rất thấp, chỉ có 3-3,5 tấn/ha. Do vậy, định hướng của xã là qui hoạch vùng rau tập trung ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 60 ha và đô thị hóa.

Ông Đỗ Hiếu Trung, Bí thư kiêm Chủ tịch xã sau khi họp xong với các tổ liên kết trồng rau ứng dụng công nghệ cao từ bên trong trụ sở xã bước ra, tôi nhanh nhẩu tiếp cận. Ông thừa nhận, khi gánh “hai vai” áp lực công việc rất nặng nên "mất rất nhiều thời gian hội họp".

10-35-24_1
Bí thư kiêm Chủ tịch xã Trường Bình gánh “hai vai” áp lực công việc rất nặng nên cũng "mất rất nhiều thời gian hội họp"

Bởi "hai vai" nên mỗi tuần ông phải họp cả Huyện ủy và Ủy ban, sau khi nắm chủ trương về triển khai lại cho Ban Thường vụ Đảng ủy và thành viên Ủy ban để thực hiện. Nhưng đó là chuyện nhỏ, ông cho tôi xem quyết định phân công trách nhiệm do ông ký, trong đó ngoài chức danh Chủ tịch ra, ông Trung còn kiêm nhiệm thêm 13 chức danh Chủ tịch Hội đồng và trưởng các Ban Chỉ đạo nữa.

Trong khi khối lượng công việc nhiều, kiêm nhiệm công việc nặng nề hơn nhưng chế độ đãi ngộ lại không tương xứng. Theo ông Trung, hệ số lương của ông đang hưởng là 3,6 cộng thêm phụ cấp 20% do kiêm nhiệm Bí thư, bên cạnh đó còn được hưởng phụ cấp chức vụ 0,3%, cộng lại thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

"So các nơi khác thì lương của tôi khá cao, ngoài ra tôi còn là đảng ủy viên, phụ trách Chính trị viên quân sự nên mỗi tháng có thêm 0,3 hệ số, khoản này mình nhường lại cho anh em bán chuyên trách (công an viên, dân quân) vì lương cơ bản của họ chỉ có 1 hệ số. Coi như đổ xăng đi lại hàng ngày xin thêm tiền vợ", ông cười nói.
 

Giảm hội họp được không?

Tại xã Tân Trung, là đơn vị nông thôn mới đầu tiên của thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang được công nhận vào năm 2016 với 8.000 ha đất nông nghiệp. Ông Phan Văn Thành Trí, Chủ tịch xã, cho biết Tân Trung được xếp loại 1 nên được trên cơ cấu 2 phó giúp việc, một phó phụ trách kinh tế và một phụ trách khối văn xã (thông thường chỉ 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch - PV).

"Tuy nhiên, tụi tôi vẫn chạy không hết việc, vì xã nông thôn mới nên hiện còn nợ 2 tiêu chuẩn là qui hoạch nghĩa trang và xây dựng chợ. Vì vậy, mấy hôm nay họp lui họp tới chóng cả mặt, trong đó khổ nhất là việc thống nhất áp giá đền bù cho dân vì lấy của họ 12 ha làm nghĩa trang", ông Trí cho biết.

10-35-24_4
Xã Tân Trung là đơn vị nông thôn mới đầu tiên của TX Gò Công còn thiếu 2 tiêu chuẩn là qui hoạch nghĩa trang và xây dựng chợ

Những năm gần đây, do hạn mặn vùng ĐBSCL xâm nhập trồng lúa kém hiệu quả nên người dân chuyển đất lúa sang trồng hoa màu, bắp, khổ qua, cải ngọt... kể cả cây lâu năm (xoài, dừa, bưởi). Thậm chí, trên một số diện tích cây lâu năm người dân còn tự ý chuyển mục đích sử dụng qua đất thổ cư nên tình hình biến động, sử dụng đất ở đây được cho là khá phức tạp.

Chỉ tay vào người ngồi bên cạnh là ông Ngô Hoàng Phi, Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế, ông Trí nói: "Trước đây, không có anh Phi, tất cả hồ sơ giấy tờ đất đai phát sinh liên quan đến các hộ dân, tôi đều ký rã tay, cứ 2 ngày địa chính trình lên xấp hồ sơ dày cộp. Nay có anh Phi đủ thẩm quyền ký cũng như đi họp thay tôi về thuế, tài chính ngân sách, giảm bớt áp lực công việc cho chủ tịch".

Vậy ở địa phương có cách nào giảm bớt hội họp để cán bộ lãnh đạo xã tập trung đi cơ sở, chỉ đạo sản xuất và tiếp dân thường xuyên hơn không? Tôi hỏi.

"Cái này khó à, vì hiện nay theo qui định ở trên, Chủ tịch xã phải gánh ít nhất hơn chục cái Ban Chỉ đạo và hội đồng; Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế cũng gánh 4-5 ban; Phó Chủ tịch phụ trách khối văn xã còn nhiều hơn, gánh 15-20 ban mà nghe cái tên cũng không nhớ hết, như Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Ban Tổ chức các ngày lễ lớn; Ban Phổ cập giáo dục; Ban Phòng chống mua, bán phụ nữ và trẻ em; Ban thực hiện đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt"; Ban Quản lý điều hành quỹ đền ơn đáp nghĩa; Ban Chiến lược phát triển thanh niên; Ban Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; Ban thực hiện đề án 704 về bình đẳng giới; Ban thực hiện xã phù hợp với trẻ em; Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Vì vậy muốn cải cách họp là phải cải cách từ trên...", ông Phi nói.

10-35-24_3_1
Lịch tiếp công dân của lãnh đạo xã Bình Đông, TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang

Vẫn theo ông Phi, ông vốn là trưởng công xã chuyển qua, hưởng hệ số cơ bản 2,67, thấp hơn Chủ tịch 1 hệ số, lương tương đương gần 4 triệu đồng; mặt khác, ông còn là Đảng ủy viên sinh hoạt trong cấp ủy (15 người) được trợ cấp thêm 0,3 hệ số; cộng thêm tiền khoán công tác phí 300 ngàn đồng/tháng, tính ra thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 5 triệu đồng.

"Có lúc thị xã mời họp 1 buổi nhưng coi như mất cả ngày, trong tuần họp 2-3 cái là lỗ, mà không đi thì trên phê bình, bỏ họp nhiều quá lại mất điểm thi đua. Thật ra, lãnh đạo địa phương chúng tôi không ai muốn hội họp nhiều làm gì cả, chẳng qua tại nó là vậy", ông Phí cho hay.

Đầu giờ chiều thứ sáu (26/10), PV NNVN có mặt tại trụ sở UBND Bình Đông, TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang, ngỡ là ngày cuối tuần sẽ làm việc được với ông Bí thư kiêm Chủ tịch xã Lê Văn Hiệp. Tuy nhiên, chờ đến 30 phút không thấy, cán bộ văn phòng cũng không biết ông đi đâu nên cho số điện thoại, tôi gọi tới mới hay ông lên thị xã họp "diễn tập" mất cả ngày.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm