Anh là Nguyễn Hữu Tá, sinh năm 1972, chủ trang trại cá giống Tá Tiến ở thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Anh cũng là người mang lại thu nhập ổn định từ nghề nuôi cá cho hàng ngàn người dân, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Bắc Tây Nguyên.
Tay trắng lập nghiệp
Theo chân anh bạn đồng nghiệp người địa phương đến trung tâm cá giống của Nguyễn Hữu Tá lúc đầu giờ chiều, dưới cái nắng như táp lửa vào mặt.
Thấy Tá đang đánh trần, mồ hôi chảy tràn trên thân hình cao, gầy, cùng nhóm nhân công hì hục xúc cá giống từ hồ lên đưa vào túi ni lông lớn, bên trong căng phồng nước.
Khi công việc hoàn tất, anh mới ngẩng lên cười: “Cá giống nhốt trong bao lâu không tốt, nên phải làm càng nhanh càng tốt”.
Sau đó vẩy đôi tay ướt, vào phòng mặc bộ quần áo chỉnh tề trước khi tiếp chuyện chúng tôi ngay trên chiếc bàn gỗ, sát hồ cá, trong tiếng nước phun rào rào dưới hồ. Xe tải, xe máy của khách ra vào tấp nập, khiến cuộc nói chuyện liên tục bị gián đoạn.
Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, trong một gia đình nghèo đông anh em, năm 10 tuổi, Tá theo cha mẹ vào Đắk Hà lập nghiệp.
Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, thay vì chỉ lo ăn học như đa phần các bạn đồng trang lứa, Tá buông cặp sách xuống là đi kiếm con tôm, con cá, bươn chải mưu sinh, kiếm tiền phụ cha mẹ, lo cho các em ăn học.
Do hoàn cảnh khó khăn, Tá chẳng được ăn học bao nhiêu. Trong đầu anh luôn nung nấu ý nghĩ cần phải có một nghề thật “cứng”, thật ổn định. Nhưng làm gì thì chàng trai 20 tuổi khi ấy chưa nghĩ ra.
“Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định đi theo nghề cá giống. Vì chục năm sống ở đây, tôi đã trần mình ở hầu hết các sông hồ vùng này, thấy mình có duyên với sông nước, nghề cá. Nhưng trước mắt phải có kinh nghiệm nuôi, làm giống, tôi xin vào công ty thủy sản Đăk Lăk, vừa làm vừa học nghề”, anh kể.
Do siêng năng, chịu khó học hỏi, nên làm việc ở công ty thủy sản chưa lâu, anh đã chiếm được cảm tình của ông giám đốc. Ông đích thân chỉ bảo và sau đó giao cho anh đảm trách phần việc quan trọng là ươm giống.
Chỉ một năm sau, Tá đã nắm được bí quyết, kỹ thuật ươm cá giống. Anh tìm gặp giám đốc, cám ơn ông đã giúp đỡ thời gian qua, sau đó xin nghỉ để về lập cơ nghiệp riêng. Đó là năm 1994.
Lúc mới khởi nghiệp, anh chỉ có 2 bàn tay trắng và vỏn vẹn 15m2 ao. Còn bây giờ, tài sản của anh đã lên đến hàng chục tỷ đồng, gồm 3 trung tâm cá giống, cá thịt và bán thức ăn thủy sản.
Ngoài ra, đội xe tải chuyên dụng của anh lên đến hơn chục chiếc, chuyên vận chuyển cá giống, cá thịt từ khắp nơi về Đắk Hà, để từ đây tỏa đi khắp nơi, ra tận Bình Định, Quảng Nam, Nam Định, Hà Nam.
"Những ngày đầu, sau khi học nghề ở Đăk Lăk về, ý tưởng khởi nghiệp của tôi tưởng không thể thực hiện. Mặt bằng không có, vốn cũng không, vay ngân hàng thì vướng thủ tục tài sản thế chấp. Tôi phải “lấy ngắn nuôi dài”, đó là lấy ít cá giống về tuyển chọn lại rồi bán, ai mua tôi hướng dẫn kỹ thuật từ đầu đến khi thu hoạch, mua lại cá thịt cho họ. Làm được bao nhiêu, tôi đầu tư bấy nhiêu”, Tá trầm ngâm nhớ lại. Quyết tâm sắt đá, tích tiểu thành đại, 6 năm sau, Tá đã đủ vốn lập cơ sở cá giống đầu tiên, lấy tên Tá Tiến (Tiến là tên con trai anh).
Tiền chưa nhiều, nhưng vẫn… rất giàu
Hiện nay, cơ sở cá giống Tá Tiến đang kinh doanh hơn chục loại cá, đều là những giống cá gần gũi, dễ nuôi với người nông dân thôn quê như rô phi đơn tính, rô đồng, diêu hồng, trắm, chép, mè, trôi, trê, lóc...
Mỗi năm, cơ sở anh cung cấp, xuất bán hàng chục tấn cá giống, cá thịt ra thị trường Kon Tum và các tỉnh. Toàn bộ cá thịt của người dân địa phương đều được anh bao tiêu, bất kể giá cả, thị trường lên xuống.
Anh tâm sự: “Tôi muốn nhiều người cùng làm ăn được, khá lên như mình. Cho nên, mỗi khi có người dân nào, dù là ở đâu, đến nói muốn nuôi cá, tôi sẽ hỏi rồi đến tận nơi xem đặc điểm, nguồn nước ao của họ, tư vấn họ nên nuôi cá gì. Nhiều người nuôi sau vài lần hướng dẫn, họ biết ươm giống luôn, không cần tôi nữa”.
Tôi hỏi: “Anh làm vậy không sợ mất mối khách sao?”. Anh cười: “Nếu nghĩ thế thì bây giờ tiền tôi chất đầy nhà chứ không phải chỉ có thế này”.
Mặc dù đã hướng dẫn kỹ thuật cho dân, nhưng anh không yên tâm, định kỳ vẫn đến kiểm tra nguồn nước ao, quy trình nuôi và xem người nuôi có thực sự tâm huyết để đầu tư tiền cho họ hay không.
Anh nói: “Tôi coi của họ như của mình. Vì họ lấy giống, thức ăn của mình, thu hoạch mới trả, nếu mình không lo, họ thất bại thì mình cũng mất. Họ toàn người nghèo, làm gì có tiền mà trả mình”.
Mỗi năm Tá kiếm vài tỷ đồng, chưa là gì so với nhiều “đại gia” ở cao nguyên này. Nhưng, Tá lại có tài sản “vô giá” không phải ai cũng có, đó là đã giúp hàng ngàn người nghèo có thu nhập ổn định từ vài chục đến vài trăm triệu mỗi năm mà không vụ lợi. Họ coi Tá như ruột thịt.
Nhờ có cơ sở Tá Tiến mà phong trào nuôi cá trong dân ở huyện Đắk Hà phát triển mạnh. Ông chủ cơ sở Tá Tiến nổi danh khắp Tây Nguyên vì giúp người không toan tính, không vì tiền từ bao năm qua. Cái sự “giàu” này, mấy ai có?
“Nhớ cách đây mấy năm, nghe tin nghề nuôi cá phát triển mạnh bên Đắk Uy, nhiều người giàu lên, tôi rất ngạc nhiên. Vì xưa giờ chưa từng nghe có hộ đồng bào thiểu số nào nuôi cá làm giàu. Tôi tìm đến tận nơi, quả đúng thế. Thậm chí, một số hộ còn được người ta gán cho danh xưng “vua cá” luôn.
Tôi tìm gặp một trong số những “vua cá” ấy hỏi thăm, ổng cười, bảo: “Chỉ so với đồng bào thôi, chứ với người khác còn thua nhiều. Hồi trước, muốn ăn cá phải ra sông, ra suối bắt, lúc được lúc không.
Giờ muốn ăn, chỉ cần ra ao bắt, bao nhiêu cũng có. Tá nó bày cách làm đấy. Nó tốt bụng lắm, bảo nếu không có tiền thì có cá bán trả sau”.
Thì ra, người chỉ cho họ làm giàu là Tá Tiến. Bây giờ, không chỉ có người Kinh, mà rất nhiều hộ đồng bào thiểu số ở đây được Tá truyền nghề, thu lãi mỗi năm từ 100 – 250 triệu đồng…”, anh bạn đồng nghiệp kể.
Tôi hỏi: “Anh ứng trước trả sau cho nhiều người như vậy, đã bị ai “xù” chưa? Tá cười: “Nhiều lắm. Tính hết từ trước đến giờ, lên đến hơn chục tỷ rồi”. Tôi hỏi: “Vậy sau đó anh có đòi không? Có hỗ trợ họ tiếp không?”. Anh đáp: “Không. Họ có tiền đâu mà đòi. Họ có họ trả thì mừng, không thì thôi. Còn hỗ trợ cũng vậy thôi, không lẽ họ đến mình đuổi về”.
Theo lời Tá, suốt hơn 20 năm làm nghề, anh đã “dính” đủ kiểu quỵt tiền. Có lý do “quỵt” dễ chấp nhận là viện lý do cần tiền, đợt nuôi sau trả. Có kiểu xù khiến anh rất buồn, như lén bán cho thương lái khác, vì sợ bán cho anh rồi sẽ bị trừ nợ. Mặc dù vậy, sau khi “xù”, họ vẫn đến tìm anh than thở, muốn làm tiếp, anh vẫn chấp nhận.
“Có trường hợp 1 gia đình lấy cá giống, thức ăn chỗ tôi 3 lần, nhưng đều không trả được vốn, vì thằng con trai cờ bạc, cá chưa đủ tuổi đủ cân, nó đã kêu lái đến vớt bán. Tôi thương cha mẹ nó nên vẫn giúp. So đo được mất làm gì cho mệt đầu”, anh kể.
Nói đến Tá Tiến, ông Phạm Văn Chúc, cán bộ hưu trí ở Tổ dân phố 5, thị trấn Đắk Hà nhận xét: “Nó không chỉ làm ăn giỏi mà còn tốt bụng, giúp đỡ rất nhiều người. Nó còn là Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ban hòa giải Tổ dân phố nữa đấy. Tiền phụ cấp mỗi tháng cũng được đâu 2 triệu, nó không lấy, mà dành hết cho quỹ vì người nghèo khu phố. Hôm qua chú với nó mới đi hòa giải cho 2 anh em nhà kia, chỉ vì cái hàng rào mà mất tình anh em. Thằng Tá đến làm cho 1 trận, sau đó phân tích phải trái… nghe xong 2 anh em họ bắt tay hòa”.