| Hotline: 0983.970.780

Nơm nớp lo bệnh viêm da nổi cục trâu bò

Chủ Nhật 14/03/2021 , 11:21 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Bình vừa xuất hiện bệnh viêm da, nổi cục trên trâu, bò. Dù lực lượng thú y đang nỗ lực ngăn chặn nhưng dịch bệnh có nguy cơ lan rộng.

Người dân lo lắng

Chị Hồ Thị Hà, thôn Tân Kiều, xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) kéo vòi nước bơm từ giếng khoan lên xịt sạch nền xi măng trong chuồng bò nhà mình. Lúc ngơi tay, chị thở dài lo lắng cho biết: Tuần trước, chị nghe thông tin bò ở xã Quảng Hợp bị bệnh nổi u cục nên cũng đề phòng. Nhà có 5 con bò lớn, đều được nhốt trong chuồng chứ không chăn thả ra ngoài nữa.

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn trâu bò. Ảnh: N.Tâm

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn trâu bò. Ảnh: N.Tâm

Vậy mà tuần trước, cả mấy con bò của chị đều bị mắc bệnh này. Dù được chăm sóc kỹ, nhưng chúng vẫn gầy trong thấy, cả cơ nghiệp hai vợ chồng dành hết vào đây. Nếu không chữa trị được thì coi như mất hết, bởi cả gia tài hơn trăm triệu đồng đều nằm ở đàn bò. 

Sau khi bò bị bệnh, gia đình chị Hà đã mua lưới mắt nhỏ về quây kín để tránh ruồi muỗi làm lây lan bệnh. Xung quanh chuồng, luôn được rắc vôi bột để khử trùng. Chị Hà còn nhờ cán bộ thú y về phun tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại.

Vì bò nhốt chuồng nên khẩu phần ăn cũng được tăng thêm cỏ tươi, bột ngô… Chị Hà cho biết, sau đợt lũ lụt cuối năm 2020, gia đình chị mới gây dựng lại được đàn bò làm vốn thì lâm vào dịch bệnh nên lo lắng đến mất ăn, mất ngủ.

Cách nhà chị Hà không xa là gia đình chị Tạ Thị Xuê có con bò sinh sản vừa đẻ một bê được gần một tháng. Chuồng bò nhà chị Xuê được xây bằng gạch, che chắn kín đáo. Vì bò sinh sản nên chị rất chăm sóc bò. Vậy mà bệnh cứ ập vào.

Chị Xuê cho biết, đã phát hiện bệnh bò bị bệnh cách đây được mấy hôm. Thấy vậy, chị cũng đi hái lá và tìm thuốc để chữa bệnh. Thấy cục u hai bên sườn bò ngày một to thêm, gia đình chị cũng báo lên UBND xã và đã có cán bộ thú y về hướng dẫn cách khử trùng, phòng ngừa. 

Lực lượng thú y Quảng Bình khẩn trương phun tiêu độc khử trùng ở vùng có dịch. Ảnh: N.Tâm

Lực lượng thú y Quảng Bình khẩn trương phun tiêu độc khử trùng ở vùng có dịch. Ảnh: N.Tâm

Xã Quảng Hợp là địa phương phát hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đầu tiên của huyện Quảng Trạch. Đến thời điểm này, toàn xã có trên 100 con trâu bò bị mắc bệnh. Ông Lê Huy Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho hay: UBND xã thành lập tổ phản ứng nhanh để khi nhận thông tin gia đình nào có trâu bò bị nhiễm là đến xử lý khử trùng ngay.

Ngoài ra, xã cũng đã có thông báo gửi cho các thôn để tuyên truyền cho bà con cách phòng chống bệnh. "Điều chúng tôi mong muốn bây giờ là có hóa chất để xử lý ổ dịch và phòng ngừa cho các khu chuồng trại khác”, ông Hiếu kiến nghị.

Thiếu lực lượng thú y

Tại huyện Quảng Trạch, sau khi phát hiện các ổ dịch bệnh VDNC trên đàn gia súc, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống.

Huyện Quảng Trạch thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên một số tuyến giao thông đi về vùng có dịch. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân các biện pháp phòng chống dịch.

Người dân rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại để ngăn chặn dịch lây lan. Ảnh: N.Tâm

Người dân rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại để ngăn chặn dịch lây lan. Ảnh: N.Tâm

Ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, đối với bệnh VDNC, là bệnh mới trên địa bàn nên phải nhanh chóng bao vây, khống chế. Thời gian qua, Chi cục đã tiếp nhận nguồn vacxin được nhập khẩu từ Cục Thú y để tiêm phòng cho đàn trâu bò. 

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có gần 200 con trâu, bò mắc bệnh, xảy ra tại hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan do người dân vẫn có thói quen chăn thả trâu, bò tự do, chuồng trại nuôi nhốt của nhiều hộ dân chưa bảo đảm vệ sinh. Hiện bệnh VDNC trên đàn trâu, bò đã lây lan sang các xã Quảng Đông, Quảng Tùng, Quảng Châu, Quảng Hưng… (huyện Quảng Trạch). 

Theo ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch: Khó khăn nhất trong triển khai công tác phòng chống dịch bệnh VDNC ở huyện Quảng Trạch, đó là từ năm 2012 đến nay, các cán bộ thú y cơ sở theo diện hợp đồng đã bị chấm dứt vì không có nguồn kinh phí.

Người dân làm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gia súc. Ảnh: N.Tâm

Người dân làm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gia súc. Ảnh: N.Tâm

"Thời gian qua, trung tâm phải nỗ lực phối hợp với lực lượng cán bộ thú y của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để ngăn chặn dịch. Tuy nhiên, do nhân lực thiếu nên gặp rất nhiều khó khăn", ông Đức chia sẻ thêm.

Để ngăn chặn dịch bệnh, tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền nhanh chóng khoanh vùng dịch, đồng thời triển khai phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất.

Trong khi bệnh VDNC trên đàn trâu bò đang có nguy cơ bùng phát tại tỉnh Quảng Bình, thì tỉnh công tác triển khai ứng phó với dịch bệnh trên vật nuôi càng thêm khó khăn chồng chất, khi trên địa bàn tỉnh này cũng đã xuất hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình xác nhận, hiện dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trên đàn lợn 5 con của gia đình ông Nguyễn Xuân Quang (xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch).

UBND xã Quảng Tùng đã ra thông báo cấm xuất bán lợn, các sản phẩm từ lợn trong xã ra ngoài; cấm giết mổ lợn để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo lực lượng chức năng huyện Quảng Trạch khoanh vùng các xã Quảng Châu, Quảng Phú, Quảng Hưng... nhằm ngăn chặn dịch bùng phát ra diện rộng.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.