Thêm dịch vụ, tăng lợi nhuận
Ngồi lật mở những trang báo cáo tình hình hoạt động, ông Nguyễn Văn Đậm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tín Phát (ấp Thành Tân, xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), tỏ ra vui mừng với những kết quả đã đạt được.
Theo ông Đậm, Trong năm 2019, HTX Nông nghiệp Tín Phát đã hoạt động mang lại nhiều kết quả phấn khởi.
Cụ thể, đã hoàn thành việc xây dựng nhà kho phục vụ cho việc sấy, bảo quản và tiêu thụ lúa của bà con xã viên được dễ dàng, thuận lợi. Nhà kho được xây dựng quy mô càng khẳng định được thành công của HTX và niềm tin của bà con nông dân đối với mô hình kinh tế tập thể.
Hoạt động sản xuất lúa và kinh doanh dịch vụ của HTX ngày càng phát triển, doanh thu liên tục đạt vượt chỉ tiêu đề ra, lợi nhuận cho thành viên không ngừng tăng lên. HTX Tín Phát đã tạo điều kiện ưu đãi vật tư đầu vào cho bà con thành viên như: Lúa giống, phân bón, thuốc BVTV… Từ đó, góp phần giúp thành viên giảm bớt chi phí sản xuất, làm cho thành viên an tâm đầu tư, tin tưởng và sử dụng các dịch vụ của HTX.
Ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc VnSAT Sóc Trăng:
Mới đây Đoàn công tác hỗ trợ thực hiện Dự án VnSAT lần thứ 9 của Ngân hàng Thế giới, do Ngài Hardwick Shyvan Tchale, Chủ nhiệm Dự án, làm trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc với Lãnh đạo Sở NN-PTNT, Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh, đi thăm thực tế các mô hình đầu tư, các tổ chức nông dân - Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tham gia dự án. Cụ thể, Đoàn công tác đã đi thực địa tại HTX Nông nghiệp Tín Phát (huyện Kế Sách), HTX Thọ Hòa Đông A (huyện Châu Thành)…, làm việc với Sở NN-PTNT Sóc Trăng, nghe Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh báo cáo tiến độ thực hiện dự án từ đầu dự án đến tháng 6/2020, kế hoạch thực hiện dự án đến cuối năm và 18 tháng gia hạn dự án. Qua thực tế chuyến công tác, Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới đã đánh giá cao kết quả triển khai dự án tại Sóc Trăng, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho hợp tác xã mang lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt, nhất là những lợi ích mà các xã viên các HTX được thụ hưởng.
Mối liên kết giữa HTX và thành viên ngày càng thắt chặt trên tinh thần “cùng nhau sản xuất, cùng nhau phát triển”.
Việc triển khai ghi sổ nhật ký cho thành viên HTX được quan tâm thực hiện thông qua việc hỗ trợ của các cán bộ hướng dẫn của huyện, xã, thành viên HTX dần dần hình thành thói quen ghi sổ nhật ký và mức độ ghi sổ nhật ký được cải thiện qua từng vụ.
Theo ông Đậm, HTX đã và đang mở rộng dịch vụ, là nhờ được xem xét, lựa chọn tham gia vào dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT Sóc Trăng.
Qua đó, đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, gồm: Hệ thống nhà kho, công trình điện, xe bán tải, các máy làm sạch hạt giống, đóng bao, máy gieo hạt, chăm sóc, bảo vệ lúa…
Tổng tài sản của HTX Nông nghiệp Tín Phát đến nay đã tăng lên gần 10 tỷ đồng, trong đó vốn góp của các thành viên là 1 tỷ đồng và tài sản không chia do được cấp, hỗ trợ không hoàn lại của nhà nước, khoản được tặng, cho theo thỏa thuận, hơn 7,8 tỷ đồng, và vốn vay từ Quỹ Phát triển HTX…
Các thành viên của HTX Nông nghiệp Tín Phát cũng tăng theo, từ 50 thành viên (năm 2016) lên 320 thành viên hiện nay. Diện tích đất canh tác của các thành viên trước đây là 148 ha, nay tăng lên 524 ha.
Nhờ tham gia dự án VnSAT, 100% số thành thành viên của HTX đã được lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thuật “1 phải, 5 giảm" là 80%.
Trước đây, mỗi năm HTX Nông nghiệp Tín Phát cung ứng lúa giống cho bà con gieo sạ chưa tới 30 tấn, nay đã tăng lên 80 tấn, 100% bà con xã viên đều gieo sạ bằng giống cấp xác nhận trở lên.
Doanh thu kinh doanh vật tư phân bón từ 1,8 tỷ đồng nay đã đạt mức trên 13 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ các dịch vụ của HTX năm 2019 đạt trên 6 tỷ đồng, sau thuế là 4,8 tỷ đồng.
Sử dụng dịch vụ do HTX Nông nghiệp Tín Phát cung cấp, các thành viên không chỉ yên tâm về chất lượng mà giá cả còn rẻ hơn so với bên ngoài.
Cụ thể, đối với lúa giống giá thấp hơn 5%, vật tư nông nghiệp được giảm giá 7%, công làm đất, công thu hoạch đều rẻ hơn 20 ngàn đồng/công, công phun thuốc rẻ hơn 15 ngàn đồng/công. Đến khi thu hoạch, nếu có ký hợp đồng bao tiêu với HTX, giá bán sẽ cao hơn so với tiêu thụ riêng lẻ qua thương lái.
Năm 2020, HTX Nông nghiệp Tín Phát đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu trên 17 tỷ đồng, từ các dịch vụ kinh doanh lúa giống, phân bón, thuốc BVTV và dịch vụ gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa. Mức lợi nhuận trước thuế là hơn 6,9 tỷ đồng, sau thuế 5,5 tỷ đồng, trích lập các quỹ hơn 1,6 tỷ tỷ đồng, chia lợi nhuận cho các thành viên gần 3,9 tỷ đồng.
Xã viên hưởng lợi
Tương tự, HTX DV SX và TM Nông nghiệp Hương Trang (HTX Hương Trang, huyện Mộc Hóa, Long An) năm 2019 cũng có kết quả kinh doanh khá ấn tượng với doanh thu thuần lên đến 18,7 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Sữa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Hương Trang cho biết, do mới được thành lập (4 năm) và vốn điều lệ của HTX không lớn nên phương án sản xuất kinh doanh của đơn vị chủ yếu liên kết với các công ty để cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên.
Rất mừng là chúng tôi được tỉnh Long An chọn tham gia dự án VnSAT, được đầu tư cơ sở hạ tầng. Cụ thể đã tiếp nhận dự án VnSAT đầu tư đường bê tông tuyến kênh Thụy Sỹ và cầu nông thôn, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Hiện HTX Hương Trang có đội phun xịt thuốc BVTV khoảng 15-20 người, làm dịch vụ phòng trừ dịch hại cho các thành viên được hiệu quả và giá cả hợp lý.
Tới mùa thu hoạch, HTX liên kết với các máy gặt đập liên hợp ở Tiền Giang, Long An để thu hoạch lúa cho bà con xã viên, với giá ưu đãi thấp hơn thị trường bên ngoài 50 ngàn đồng/ha. Góp phần tăng thêm thu nhập cho xã viên và nâng cao uy tín của HTX.
Đơn vị còn có ghe làm dịch vụ vận chuyển lúa hàng hóa cho bà con xã viên, năm 2019 vận chuyển trong và ngoài vùng nguyên liệu được khoảng 5.000 ha, tổng thu gần 3,7 tỷ đồng đồng. Cung ứng gạo với thương hiệu Hạt Ngọc Trời trên 30 tấn, và cung ứng hàng ngàn tấn vật tư nông nghiệp, tổng doanh thu khoảng 7 tỷ đồng.
“Năm 2020, HTX Hương Trang sẽ nâng vốn điều lệ lên 500 triệu đồng để mua sắm thêm trang thiết bị như: Máy kéo hàng, máy cuộc rơm, máy xới… để làm dịch vụ cho xã viên. Tiếp tục liên kết và ký hợp đồng với Cty Vĩnh Hưng tiêu thụ đầu ra cho xã viên, với diện tích khoảng 1.000 ha. Đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển về số lượng và chất lượng để các phương tiện không bị động khi cần vận chuyển”, ông Trần Văn Sữa nêu phương án kinh doanh.
Là đơn vị được tỉnh Tiền Giang lựa chọn tham gia dự án VnSAT, HTX DVSX Nông nghiệp Mỹ Quới (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) đã tăng cường mở rộng thêm các dịch vụ cho xã viên.
Giám đốc HTX Mỹ Quới, ông Nguyễn Văn Nguyền cho biết: “Hiện HTX có 677 thành viên, với 791 cổ phần góp vốn. Chúng tôi cung ứng các dịch vụ như: Lúa giống, phân bón, thuốc BVTV, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên, cơ khí sữa chữa máy nông nghiệp, nước sạch nông thôn…”.
Theo ông Nguyền, HTX Mỹ Quới đã được dự án VnSAT đầu tư xây dựng hoàn thành nhà kho diện tích 800 m2, có sức chứa khoảng 1.000 tấn lúa và 2 cống đấp, 1 trạm bơm điện phục vụ cho cánh đồng 450 ha. Nhờ được đầu tư mà chúng tôi đã nâng cao chất lượng dịch vụ cho xã viên, hạ giá thành sản xuất.
Cụ thể, trong vụ lúa vừa qua, các thành viên trong HTX đạt lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài là 1,5 triệu dồng/ha, nhờ dịch vụ đầu vào giảm và được liên kết với Cty TNHH MTV Phước Lộc Thiên Hộ bao tiêu sản phẩm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát:
Định hướng phát triển của HTX tới đây là tập trung xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, khai thác hiệu quả các dự án đầu tư cũng như lợi thế địa phương. Nâng cao năng suất, chất lượng lúa bằng việc mở rộng mô hình cánh đồng lớn tại địa phương từ 500 ha lên 1.000 ha. Đẩy mạnh khâu cung ứng dịch vụ nông nghiệp tại HTX, lập kế hoạch cụ thể trong việc vận hành lò sấy, máy tách hạt.
Đồng thời, HTX tiếp tục tổ chức thu mua lúa trong và ngoài thành viên trên địa bàn xã để sấy khô bán lại cho doanh nghiệp, để tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động của nhà kho HTX. Xây dựng kế hoạch vận động thành viên và bà con trong địa bàn cánh đồng lớn thực hiện tốt các yêu cầu của dự án VnSAT đầu tư về cho HTX, tạo điều kiện cho thành viên tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, xây dựng mô hình sinh thái đồng ruộng, từng bước hạn chế sử dụng thuốc BVTV, làm giảm ô nhiễm môi trường.