"Cắn răng” mua phân bón giá cao
Trong những ngày qua, giá phân bón tại tỉnh Gia Lai vẫn tiếp tục tăng mạnh. Nếu tính từ đầu tháng 10, giá ure, DAP và kali tăng thêm từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng/tấn.
Ghi nhận tại đại lý phân bón nông nghiệp Đại Lâm (phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), các loại phân bón như NPK, kali, DAP... tăng trung bình 30% so với trước khoảng 1 tháng. Cụ thể, nếu như trước, các loại phân bón (50kg) có giá dưới 600 ngàn đồng thì nay đã tăng lên hơn 700 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Văn Phong, chủ đại lý phân bón nông nghiệp Đại Lâm, cho biết, thời điểm đầu năm, 1 bao phân bón kali đơn khoảng 400 ngàn đồng thì nay đã hơn 700 ngàn đồng. Giá phân bón ngày càng tăng mạnh theo lũy tiến mà chưa có dấu hiệu giảm. Chỉ có thời điểm khoảng tháng 8, giá phân bón giảm nhẹ nhưng sau đó lại tăng mạnh trở lại.
Cũng theo ông Phong, hiện nay một số cây trồng như cà phê, cây ăn trái đã hết mùa vụ nên nhiều đại lý ở Gia Lai cũng ngưng nhập hàng để chờ giá phân bón giảm.
“Thời điểm này giá phân bón tăng cao, nếu nhập hàng vào xong khi đến mùa vụ mà giá phân bón giảm thì các đại lý sẽ rất khó bán”, ông Phong cho biết.
Mấy ngày nay, gia đình ông Nguyễn Văn Long (xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) như đang ngồi trên “đống lửa” khi giá phân bón tăng chóng mặt.
Gia đình ông Long có 4 ha trồng cà phê, tiêu và một số cây ăn trái. Trung bình 1 quý, ông Long phải mua phân bón các loại hết khoảng 50-60 triệu đồng. Với giá tăng cao như hiện nay, 1 năm ông Long mất khoảng gần 50 triệu đồng.
“Hiện nay, giá cà phê cũng như cây ăn trái đang giảm, gia đình tôi chủ yếu lấy công làm lời. Giờ giá phân bón tăng cao, xem như năm nay không còn lợi nhuận”, ông Long chia sẻ.
Cũng đau đầu khi giá phân tăng cao, ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sinh học Gia Lai cho biết, công ty có hơn 10 ha trồng chanh dây tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Hiện chanh dây vừa mới thu hoạch xong, giờ đang là thời điểm bón phân để tăng dinh dưỡng cho cây. Nếu như tháng 7, bao NPK (50kg) có giá 620 ngàn đồng, thì thời điểm hiện tại đã tăng lên hơn 700 ngàn đồng.
“Cứ trung bình khoảng 20 ngày, chanh dây lại phải bón phân 1 lần. Trước đây, 1 lần chúng tôi mua hết khoảng hơn 50 bao NPK (50kg) hết khoảng hơn 27 triệu đồng. Với giá phân tăng cao như hiện tại, công ty phải mất hơn 6 triệu đồng cho 1 lần bón phân. Như vậy trung bình 1 năm, công ty sẽ mất khoảng gần 80 triệu đồng, lợi nhuận xem như bị sụt giảm rất nhiều”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, nhiều hộ dân quanh khu vực này chủ yếu trồng chanh dây nên việc sử dụng phân bón rất lớn. Mặc dù giá tăng cao nhưng phân bón vẫn cháy hàng, người dân tìm mua rất khó khăn.
Khó khăn trong tái đầu tư
Thời gian gần đây, giá phân bón liên tục tăng khiến người dân tại Đăk Lăk gặp khó khăn trong việc đầu tư cho cây trồng.
Ông Nguyễn Thanh Phú (huyện Krông Búk, Đăk Lăk) cho biết, gia đình có hơn 1,5 ha sầu riêng vừa thu hoạch một tháng trước. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá nông sản xuống thấp.
Tuy nhiên, để phục hồi cây sầu riêng sau thu hoạch, gia đình phải bỏ ra hơn 15 triệu đồng để mua NPK và phân lân để bón cho cây trồng. Trong đó, giá NPK hơn 700.000 đồng/bao còn lân gần 200.000 đồng/bao.
“Mọi năm, gia đình chỉ cần bỏ ra khoảng 10 triệu đồng là có thể đủ tiền mua phân bón cho sầu riêng sau đợt thu hoạch. Giá phân hiện nay liên tục tăng khiến cho người dân gặp khó khăn”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, giá phân tăng cao nhưng người dân cũng phải bỏ tiền để mua. “Nếu không bỏ đủ phân cây sầu riêng không phải triển, ra lá non từ đó năm sau sản lượng sẽ ít”, ông Phú nói thêm.
Tương tự, ông Trần Thanh Bình (ngụ huyện Cư M’gar, Đăk Lăk) cũng vừa bỏ ra gần 10 triệu đồng để mua phân bón cho gần 1 ha sầu riêng của gia đình.
Theo ông Bình, sau khi sầu riêng thu hoạch cần bón phân, phun thuốc để cho cây phục hồi. Tuy nhiên, hiện giá phân, thuốc đều tăng cao khiến cho nông dân gặp khó khăn trong việc tái đầu tư.
“Mọi năm giá nông sản cao cộng với việc phân bón, thuốc trừ sâu giá thấp nên người dân đầu tư có lời. Năm nay giá sầu riêng chỉ còn một nửa trong khi giá phân tăng cao hơn 40% dẫn đến chi phí đầu tư đội lên. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp để kìm hãm giá phân giúp nông dân đầu tư có thể tái đầu tư trong năm nay”, ông Bình bày tỏ.
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện Tây Nguyên đang là mùa mưa nên tất cả các loại cây trồng đều cần bón phân để phát triển.
Trong đó, cà phê, hồ tiêu người dân bắt đầu bón từ tháng 9 - 10 để cho tăng nặng hạt. Còn đối với các cây ăn quả đã thu hoạch thì đây là thời điểm bón phân để ra tầng lá mới.
Theo Tiến sĩ Hà, việc phân bón tăng giá dễ dẫn đến việc người dân bón phân thấp lại. Từ đó, sản lượng và chất lượng của nông sản sẽ thấp vào vụ thu hoạch sau.
"Đối với các loại cây ăn quả, nếu người dân không bón đủ phân sẽ không phát triển được 2-3 tầng lá mới. Nếu như vậy, năm sau sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng. Người dân cần tận dụng tất cả các loại phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Có thể phân hữu cơ chưa tốt ngay cho cây trồng nhưng về lâu dài sẽ tốt”, Tiến sĩ Hà nói.
Theo ông Hà, ngoài ra người dân có thể tăng cường bón lá từ đó người dân có thể giảm số lượng phân bón cho cây mà vẫn đảm bảo cây phát triển, sinh trưởng tốt.
“Người dân khi bón phân trên lá sẽ tăng công lao động nhưng giảm được tiền mua phân. Còn bón phân dưới gốc sẽ giảm được nhân công lại tăng chi phí mua phân. Trong trường hợp này người dân nên tăng cường bón phân trên lá nhiều hơn để giảm chi phí mua phân”, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích.
Trung bình 1 ha mất thêm hơn 10 triệu đồng phân bón
Tại Kon Tum, những ngày qua nhiều thành viên trong HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) cũng vừa phải “cắn răng” khi mua NPK với giá cao hơn 3 triệu đồng/tấn so với thời điểm trước đó 1 tháng.
Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Sáu Nhung cho biết, tháng trước giá NPK khoảng gần 1,2 triệu đồng/tạ thì thời điểm này đã tăng lên gần 1,5 triệu đồng.
“Mấy ngày trước, hơn 10 thành viên trong HTX đã cùng nhau mua 20 tấn NPK với giá 1,446 triệu đồng. Nếu so với tháng trước, các thành viên đã bị thiệt hại 60 triệu đồng”, ông Sáu cho biết.
Theo ông Sáu, phân bón tăng cao đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Đối với hộ dân không sử dụng phân hữu cơ thì trung bình 1 năm phải bón phân 6 lần, tương đương khoảng 3,5 tấn/ha. Với giá phân tăng trên 300.000 ngàn/tạ như hiện nay thì 1 năm người dân phải bỏ thêm hơn 10 triệu đồng. Với giá cà phê rẻ như năm ngoái thì người dân mất tương đương khoảng 2 tấn cà phê tươi, xem như không còn lợi nhuận.
Cũng theo ông Sáu, dù thời điểm này hết mùa vụ nhưng đang vào mùa đông nên cây cà phê rất cần bón nhiều phân để giúp quả được chắc hơn. Ngoài ra, bón phân thời điểm này sẽ giúp cà phê có chất dinh dưỡng, sau đó nghỉ đông đến lúc tưới (khoảng tháng 1/2022) mới bón phân lại.