Tại Hà Tĩnh, nhiều nông dân đã tiếp cận và mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn và đem lại những hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Giun quế - "cỗ máy sinh học"
Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn là giải pháp nhằm giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Trang trại sản xuất tổng hợp rộng hơn 3ha của gia đình anh Trần Danh Giáp ở thôn Đông Lý Nam, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là một trong những điển hình.
Dẫn chúng tôi tham quan những bãi cỏ xanh ngắt bên bờ ao, anh Giáp phấn khởi chia sẻ: “Năm 2017, gia đình tôi bắt đầu đầu tư phát triển trang trại. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm và thiếu vốn nên chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ. Sau khi tìm hiểu qua các kênh thông tin, tôi quyết tâm đa dạng hóa loại hình chăn nuôi, phát triển theo hướng trang trại tổng hợp khép kín. Đến nay, trang trại đã đi vào ổn định và có hiệu quả, đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm”.
Trước đó, biết được giống bò lai là đối tượng nuôi có lãi cao, lại nhẹ công chăm sóc nên anh Giáp đã lựa chọn nuôi. Từ 5 con bò nái Zebu sinh sản ban đầu, đến nay tổng đàn bò của gia đình anh đã có 16 con, trong đó có 9 con cái sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng từ bán con giống.
Để có nguồn thức ăn ổn định cho bò mà không tốn kém, anh đã tận dụng hơn 2.000m2 đất xung quanh các ao để trồng cỏ VA06, vừa che mát cho ao, vừa làm thức ăn cho bò. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được anh thu gom, ủ men vi sinh trong 2 đến 3 ngày, sau đó dùng để nuôi giun quế làm thức ăn cho cá, ốc, ếch. Phân hữu cơ sinh học thải ra từ giun quế được dùng để bón cỏ, cây ăn quả. Nguồn cỏ sau đó lại làm thức ăn cho bò.
Chăn nuôi theo hình thức hữu cơ tuần hoàn này giúp anh tận dụng tối đa chất thải, không tốn nhiều chi phí mua thức ăn, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi trường. Do vậy khi giá cả thị trường biến động, trang trại của gia đình anh Giáp vẫn không bị ảnh hưởng nhiều...
Trang trại hơn 35ha của Hợp tác xã nông nghiệp Gia Phúc tại thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) trồng hơn 5.000 gốc bưởi và hơn 3.500 gốc cam chanh theo hướng hữu cơ. Anh Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Phúc cho biết: "Tận dụng lượng chất thải của 1.200 con lợn nái, chúng tôi đã ủ nuôi giun quế để lấy phân phục vụ bón cho vườn cam, bưởi hữu cơ. Chất thải giun quế thải ra là loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên, giàu dinh dưỡng và hệ vi sinh vật phong phú, phù hợp với tất cả các loại cây trồng”.
Từ thực tế sản xuất, có thể nói nuôi giun quế là một trong những mô hình mang lại "hiệu quả kép”. Đây là mô hình chăn nuôi khép kín vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, vừa tạo ra nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi, đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người chăn nuôi. Phân giun quế được xem là nguồn phân hữu cơ rất có lợi cho cây trồng và đất. Điều này rất phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, bền vững hiện nay.
Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi được các cấp, ngành chuyên môn và người dân tại Hà Tĩnh tích cực áp dụng.
Tại huyện Thạch Hà, với sự tiếp sức của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng tuần hoàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP được triển khai với quy mô 50 con tại hộ anh Hoàng Văn Thái (thôn Kỳ Sơn, xã Thạch Đài). Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, sử dụng nguồn thức ăn an toàn, không sử dụng kháng sinh, hormone tăng trưởng, hóa chất bảo quản và các chất cấm nên lợn phát triển tốt, giảm ô nhiễm môi trường.
Sau 4 tháng nuôi, lợn đạt trọng lượng 90 - 95kg/con, giá bán từ 59 - 60 ngàn đồng/kg, cao hơn giá lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra sản phẩm thịt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. “Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn giúp giảm ô nhiễm môi trường, phân lợn thải ra trên nền đệm lót được chúng tôi sử dụng ủ để bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí trong sản xuất”.
Nuôi tôm công nghệ tuần hoàn, không lo dịch bệnh
Trong lĩnh vực thủy sản, thời gian qua, nhiều mô hình công nghệ tuần hoàn cũng được người nuôi chú trọng áp dụng. Mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh và lọc nước tuần hoàn của anh Dương Quốc Khánh tại xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) là một điển hình. Mặc dù thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nuôi trồng thủy sản, anh Khánh vẫn thành công với năng suất tôm đạt hơn 10 tấn/ha, lợi nhuận trên 600 triệu đồng/vụ nuôi.
Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn gồm 1 giai đoạn ương dưỡng, 2 giai đoạn nuôi. Theo đó, hệ thống ao nuôi được thiết kế 3 ao gồm ao ươm, ao nuôi giai đoạn 1 và ao nuôi giai đoạn 2. Các ao có diện tích 1.500 - 1.800m2, hình tròn hoặc vuông bằng khung sắt mạ kẽm để chống gỉ, lót bạt HDPE xung quanh. Người nuôi sử dụng công nghệ vi sinh, diệt khuẩn và tảo để làm sạch môi trường cho ao.
Mô hình cũng áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn (RAS) - một trong những công nghệ nuôi tôm hiện đại tại Việt Nam hiện nay. Nước sau khi được xả từ ao nuôi và ao lắng lọc rộng khoảng 35m2 sẽ được xử lý và loại bỏ hoàn toàn phân, tạp chất rồi tiếp tục cung cấp lại cho ao nuôi qua các đường ống, trở thành một hệ thống tuần hoàn.
Anh Khánh cho biết: “Ưu điểm của hệ thống này là tiết kiệm nước, giảm thiểu dịch bệnh, tỷ lệ tôm sống cao (đạt trên 85%), có thể nuôi nhiều vụ trong năm (2 - 3 vụ), năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng tôm nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường nhờ xử lý triệt để phân, tạp chất, vi khuẩn trong nước”.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang đứng trước những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, trong đó chất thải trong chăn nuôi và những phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng, tái sử dụng dẫn đến lãng phí rất lớn.
Điều này đặt ra vấn đề phải tìm giải pháp để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và môi trường.
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.