| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Tam Nông làm giàu: [Bài 2] 'Trùm' cá lóc bông ở An Long

Thứ Năm 17/11/2022 , 14:15 (GMT+7)

Đó là ông Trương Trí Hiền, 55 tuổi, ở ấp An Phú, xã An Long, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, người được gọi vui là 'trùm' cá lóc bông vùng này.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến khu nuôi cá lóc bông của gia đình ông Hiền. Đó là mấy ao nước liền kề, mỗi ao diện tích trên dưới 1.000m2, bình quân mỗi ao thả 10 – 12 ngàn con lóc bông. Lúc chúng tôi đến, cá đã được cho ăn xong, nhưng ở ao cá gần 2 tháng tuổi, vẫn thấy từng đàn cá lượn dập dềnh ngay dưới mặt nước. Tại khu vực cho ăn là một chiếc cầu ván bắc ra gần giữa ao, phía dưới là hàng chục con cá lóc to cỡ cổ tay trẻ em, nhảy lên chiếc bè ghép bằng những mảnh thân tre trên mặt nước, bò trườn, nhảy lao xao, nước bắn tung toé.

Đàn cá lóc bông gần 2 tháng tuổi giống như những đứa trẻ, chưa được ăn no nên tiếp tục nhảy lên chiếc bè, nơi chúng ăn hàng ngày để đòi ăn nữa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đàn cá lóc bông gần 2 tháng tuổi giống như những đứa trẻ, chưa được ăn no nên tiếp tục nhảy lên chiếc bè, nơi chúng ăn hàng ngày để đòi ăn nữa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tiếp chúng tôi ngay tại bờ ao, ông Trương Trí Hiền, 55 tuổi, chủ nhân ao cá lóc bông, cho biết: “Nếu các anh đến sớm nửa tiếng thì thấy đàn cá lên ăn rồi. Ao này cá nhỏ, nãy cho nó ăn chưa no, vì thiếu thức ăn, nên nó lên đòi ăn nữa, chứ ao cá to bên cạnh thì ăn ít ăn nhiều nó cũng ít lên, kiểu như người lớn với trẻ em. Ao cá lớn nuôi gần năm, mỗi con nặng cỡ 2-3 ký, chuẩn bị xuất, nhìn thích lắm. “Ao này diện tích bao nhiêu, anh thả bao nhiêu con thì vừa?”, tôi hỏi. “Nếu muốn thả chuẩn thì ngoài tính diện tích mặt nước, còn phải tính cả độ sâu nữa. Ví dụ diện tích ao 500m2, sâu 3 mét, tính ra 1.500m3 nước, thả 10.000 con giống, tức 1m3 nước thả khoảng 6,5 con là vừa”.

Ông Hiền cho biết, giá bán thương lái mua “xô” cả ao giá 60 ngàn đồng/kg. Mình báo xuất, lái đến tự đánh bắt, mình chỉ ngồi 1 chỗ cầm sổ, viết, ghi chép và thu tiền, cá to cá nhỏ cân chung, tính tổng. Như vậy mới có giá này, chứ ngay chợ An Long cách đây hơn cây số, giá lóc bông đã hơn trăm ngàn 1kg rồi”, ông Hiền nói. Với giá bán này, ông Hiền lời từ 15-20 ngàn mỗi ký.

Đây là ao cá lóc bông 6 tháng tuổi của ông Hiền, bắt đâu lớn và ít phá hơn. Ảnh: Thanh Sơn.

Đây là ao cá lóc bông 6 tháng tuổi của ông Hiền, bắt đâu lớn và ít phá hơn. Ảnh: Thanh Sơn.

Như vậy, 1 ao thả 10.000 con giống, sau 1 năm nuôi, ông thu 3 tấn cá, doanh thu 180 triệu, trừ chi phí, ông lời khoảng 60 triệu đồng. “1 công ao này nếu trồng lúa, cứ cho là 3 vụ đi, thì một năm thu hoạch khoảng 2 tấn lúa. Nếu giá lúa 7 ngàn đồng/kg, thì được có 14 triệu, chưa trừ chi phí. Trong khi tôi thu tới gần 200 triệu. Gấp bao nhiêu lần lúa”, ông Hiền phân tích.

Tuy nhiên, ông Hiền cho biết, nuôi cá lóc bông ngoài cái duyên, cái may mắn ra thì bắt buộc phải có kiến thức, kinh nghiệm, đây là yéu tố quan trọng quyết định sự thành bại. “Mình nuôi tốt, không để cá chết, hao hụt nhiều và cá lớn đúng tuổi. Ví dụ nuôi 1 năm, con cá đạt trọng lượng tối thiểu 2,5kg, thì giá 60 ngàn/kg vẫn có lời. Còn nếu chỉ đạt hơn 1kg, hoặc hao hụt cả 50%, thì lúc đó giá có lên hơn trăm ngàn đồng/kg vẫn lỗ như thường thôi”, ông Hiền nói.

Nói về kinh nghiệm nuôi cá lóc bông, ông Hiền cho biết: “Ngày xưa ở đây nhiều người nuôi lóc bông lắm, nhưng đến thời điểm này chỉ còn mình tôi nuôi. Nguyên nhân người ta bỏ vì đầu ra khó khăn, và quan trọng nhất là kỹ thật nuôi không đạt. Mình nuôi mình phải biết nhìn, cảm nhận khi nào nó không khoẻ, nó bệnh. Ví dụ bình thường sau khi ăn xong, đêm cá ngủ rất yên tĩnh, nhưng nếu bất chợt nghe nước động mạnh, mặt nước rào lên như mình cầm thau nước tạt xuống, là không bình thường, có thể đàn cá không khoẻ, khó chịu trong mình, không ngủ được nên phá. Lúc đó mình phải dùng thuốc. Nhưng nhớ là chỉ dùng thuốc sinh học, chứ nếu cá bệnh mà dùng kháng sinh, thì con cá sẽ bị gù, nhìn rất ghê. Cá lóc thường bị một số bệnh như trùng bánh xe, sán lá, trùng mỏ neo, giun kim…Mỗi loại bệnh có 1 cách trị khác nhau”.

Ông Hiền đứng trước ao lóc bông 1 năm tuổi và chia sẻ kinh nghiệm nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Hiền đứng trước ao lóc bông 1 năm tuổi và chia sẻ kinh nghiệm nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Hiền vốn quê gốc Cần Thơ, cách đây gần 30 năm, ông lấy vợ Tam Nông rồi về quê vợ sinh sống với chỉ 2 bàn tay trắng. “Khi đó, má vợ cho mượn góc ao, tôi mua 3.000 con cá lóc giống về quây cái mùng lưới rồi thả xuống nuôi. Cứ vậy, ban đầu chỉ đủ trang trải hàng ngày, sau đó dư chút một. Đến nay, sau 20 năm nuôi cá lóc bông, gia đình tôi sắm sửa đầy đủ nhà, xe...”, ông Hiền nói.

“Phát hiện cá bệnh, phải ngưng cho ăn, còn nếu cứ thả thức ăn, chúng ăn không hết sẽ làm ô nhiễm nước. Ngoài ra, khi cá đang bệnh mà vẫn cho thức ăn như lúc khoẻ, cá khó tiêu, càng bệnh nặng hơn. Giống như người, đang ốm phải ăn cháo, chứ cứ ăn như người khoẻ mạnh thì sao ăn được? Mỗi giai đoạn cá phải cho thức ăn theo công thức riêng phù hợp. Lúc nhỏ cho ăn mềm, lớn cho ăn cứng. Nhiều người nuôi vì sợ hao mồi, nên trộn vào thức ăn chất bột keo, bột dẻo cho cứng lại rồi thả xuống cho cá ăn, để hạn chế hao, riêng tôi không trộn, mà để thức ăn nguyên chất, thậm chí xay xong tôi còn trộn nước thêm cho lỏng ra. Dù thức ăn có tan ra thì cá vẫn ăn được chứ không mất. Với cá lóc nhỏ mà trộn một cục thức ăn cứng vậy sao nó ăn, sao lớn được. Như đứa trẻ, còn nhỏ phải bú sữa, hoặc ăn bột, lớn chút thì ăn cháo, chứ làm sao ăn cơm như người lớn được”, ông Trương Trí Hiền chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lóc bông.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.