Nếu như trước đây, khái niệm “nông nghiệp đô thị” vẫn còn khá xa lạ với người nông dân Hưng Yên thì nay nó đã phát triển mạnh ở các vùng ven đô và kể cả trong khu vực đô thị.
“Nếu như trước đây việc sản xuất rau sạch, rau an toàn trong các khu đô thị nghe có gì đó khó hình dung thì hiện nay, việc sản xuất áp dụng công nghệ cao như thủy canh hoặc một số công nghệ khác gần như đã thành hệ thống, dây chuyền và mọi người nông dân đều có thể tiếp cận và sử dụng được một cách thuần thục”, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho hay.
Cụ thể như tại huyện Văn Giang - vựa hoa, cây cảnh của tỉnh Hưng Yên đã có rất nhiều hộ gia đình đưa công nghệ cao vào sản xuất như nhà màng, nhà bóng, tưới tiết kiệm tự động… và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Nếu như vào những năm 2000, người dân có thu nhập từ trồng lúa vào khoảng 50 – 100 triệu/ha, thì hiện nay rất nhiều người dân chuyển đổi sang trồng hoa đã đạt được mức 1 đến 1,5 tỷ/ha. Điều này là minh chứng rõ nét nhất của việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Hiện tỉnh Hưng Yên là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao. Quá trình này đã khiến cho quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày một thu hẹp. Ngoài ra, lực lượng lao động nông nghiệp cũng ngày càng ít đi và già hóa, khó đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của hoạt động sản xuất tiên tiến.
Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên xác định là hướng đi phù hợp với xu thế mới, góp phần giải quyết được vấn đề về lao động, biến đổi khí hậu. Từ đó, người nông dân cũng sẽ tạo ra được các loại hàng hóa nông sản đạt cả năng suất và chất lượng, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hưng Yên) cho biết, một trong những áp lực trong quá trình phát triển nông nghiệp đô thị là sản xuất lương thực, thực phẩm làm sao đủ cung cấp cho những vùng trong đô thị. Do vậy, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên nhiều cơ chế, chính sách để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Theo đó, việc đầu tiên là phải làm tốt công tác quy hoạch gắn với tiềm năng lợi thế của từng vùng. Ví dụ, huyện Văn Giang có lợi thế về phát triển hoa cây cảnh, huyện Khoái Châu có lợi thế để phát triển cây ăn quả, hay các vùng khác như Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động, Ân Thi có lợi thế phát triển cây lương thực...
Tiếp theo là khâu tổ chức sản xuất, xây dựng và định hướng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, sản xuất áp dụng các quy trình an toàn như VietGAP, hữu cơ… Từ đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao mang lại giá trị kinh tế, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng không chỉ ở khu vực đô thị mà còn luân chuyển đi các vùng miền khác và xuất khẩu.
“Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã sản xuất chuyên môn hóa cao. Tiếp nữa là đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã ban hành các cơ chế, chính sách để tác động vào lĩnh vực sản xuất. Ví dụ như đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn và cho phù hợp với nhu cầu của thị trường”, ông Hanh cho biết.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng rất quan tâm tới việc tích tụ ruộng đất để tạo ra những vùng có quỹ đất tập trung với quy mô lớn. Từ đó, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để bà con nông dân trang bị kiến thức, biết tới những kỹ thuật mới để đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong giai đoạn mới.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định rõ nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có việc tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản xuất chuyên canh, quy mô lớn và giá trị gia tăng cao; phát triển các vùng trồng hoa, cây cảnh, đặc sản, cây trồng, vật nuôi và nông sản mà địa phương có thế mạnh.