"Việc EU thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ có thể có tác động lan rộng khắp châu Phi, nhưng chỉ khi nông dân Lục địa Đen có quyền tiếp cận bình đẳng với Thị trường châu Âu cũng như các kỹ năng và nguồn lực để tận dụng điều này", EurActiv dẫn lời các bên liên quan.
Với tham vọng tăng gấp ba lần diện tích đất được canh tác hữu cơ ở Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030, như được nêu trong chính sách lương thực hàng đầu EU - chiến lược Farm to Fork (F2F) và một kế hoạch hành động hữu cơ mới, có thể thấy rõ ràng sản phẩm hữu cơ đóng vai trò tiên phong và trung tâm trong các ưu tiên của Ủy ban châu Âu khi nói đến nông nghiệp.
Trong khi đó ở thời điểm hiện tại, chỉ 0,2% diện tích đất nông nghiệp ở châu Phi được canh tác theo phương thức hữu cơ.
Thêm vào đó, châu Phi xuất khẩu sản phẩm hữu cơ vẫn còn thấp, với giá trị hàng năm chỉ khoảng 34 tỷ euro tính đến 2017.
Điều này có thể thay đổi sau khi EU thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, giới chuyên gia nhận xét.
Nhấn mạnh về tác động mạnh mẽ do ảnh hưởng các chính sách của EU đối với lục địa này, Gabriel Uri, một nhà nông học và nông dân người Kenya, nói việc EU thúc đẩy sản xuất hữu cơ là một “điều rất tốt”.
“Vẫn còn rất nhiều chỗ để mở rộng cho sự phát triển ở đây”, ông nói và chỉ ra rằng phần lớn diện tích ở lục địa này vẫn là đất chưa được sử dụng.
Tuy nhiên, trong khi canh tác hữu cơ là một “câu chuyện hay”, nó vẫn “mang tính lý thuyết hơn là thực tế”, ông cảnh báo.
Ông chỉ ra rằng điều này là do một số hạn chế, không ít trong số đó là lo ngại về làm suy giảm năng suất.
“Trên thực tế, tôi chưa thấy [nông nghiệp hữu cơ] hoạt động hiệu quả như vậy ở đây [châu Phi]”, Uri nói và cho biết thêm, hiện tại, nông dân có thể mất tới 50% sản lượng khi chuyển đổi sang canh tác hữu cơ.
Do đó, nông dân châu Phi thường phải chịu thiệt hại nhiều hơn về năng suất mà không đủ bù bằng chi phí giá thành cao hơn.
Tuy nhiên, ông nói rằng nhiều nông dân vẫn có thể quan tâm đến việc chuyển đổi sang hữu cơ - với điều kiện là giá cả phù hợp.
“Một điều bạn nhận ra với nông dân là [họ] sẵn sàng đi xa hơn rất nhiều, miễn là thấy được lợi ích. Vì vậy, nếu phương thức canh tác hữu cơ được thúc đẩy, nhiều nông dân sẽ áp dụng nó”, ông lạc quan.
Ngoài ra, “một khi họ đã được đảm bảo về tiếp cận thị trường tiêu thụ, họ sẽ không ngại đầu tư thêm”, Uri bổ sung.
Tương tự như vậy, Elizabeth Nsimadala, Chủ tịch của Tổ chức Nông dân toàn châu Phi (pan-Africa farmers’ organisation - PAFO) và Liên đoàn Nông dân Đông Phi (Eastern Africa farmers federation - EAFF), nói với EurActiv rằng canh tác hữu cơ có thể trở thành một “cốt lõi mới” của mối quan hệ EU-châu Phi.
Tuy nhiên, bà Elizabeth Nsimadala nhấn mạnh rằng nông dân châu Phi vẫn cần có “quyền thương lượng công bằng để tiếp cận thị trường châu Âu một cách bình đẳng”. Bà Nsimadala chỉ ra rằng thị trường châu Âu hiện đang bị Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh thống trị.
Nông dân nhỏ có thể bỏ lỡ cơ hội
Tuy nhiên, cũng xuất hiện những lo ngại cho rằng các hộ nông dân nhỏ có thể không tận dụng được cơ hội này.
Một lý do là để tiếp cận thị trường EU và bán được các sản phẩm hữu cơ với mức giá thành cao hơn, người nông dân phải chứng minh quy trình trồng trọt của họ phù hợp với các tiêu chuẩn mà EU đề ra.
Tuy nhiên, "việc chứng nhận có thể rất tốn kém đối với các hộ nông dân quy mô nhỏ", Uri cảnh báo.
“Điều đó không dễ dàng, không hề dễ dàng chút nào, vì vậy những người nông dân quy mô nhỏ không thành công chứng minh được việc tuân thủ quy trình sản xuất đó. Nhưng các nhà sản xuất quy mô lớn có thể làm được điều đó vì họ có nhiều nguồn lực do kiếm được nhiều tiền hơn”, ông phân tích và bổ sung rằng "cách duy nhất để làm điều này là tổ chức thành các nhóm để xuất khẩu sản phẩm hữu cơ".
Theo Chủ tịch của PAFO Nsimadala, việc tiếp cận nguồn tài chính để giúp nông dân nhỏ trang trải chi phí phụ cũng đang thiếu hụt. “Không có hệ thống hỗ trợ tài chính chính thức cho nông dân để cho phép họ phát triển và duy trì sản xuất nông nghiệp của mình”, bà Nsimadala thông tin.
“Mặc dù hiện nay có một số nhóm tài chính vi mô hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng rất ít nông dân được tiếp cận với các dịch vụ tài chính của họ và khi họ làm như vậy, phần lớn các khoản vay đều phải chịu mức lãi suất rất cao", bà nhấn mạnh.
“Tất cả những trở ngại này ngăn cản nông dân châu Phi, đặc biệt là các hộ nông dân nhỏ, đạt được chứng nhận bắt buộc và tuân thủ các quy định sản phẩm hữu cơ của EU".