Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chuẩn một số thị trường, tiêu biểu như: Vùng chè, quế hữu cơ Bản Liền (huyện Bắc Hà) xuất khẩu thị trường châu Âu, Mỹ, Srilanka…; một số vùng chuối sản xuất theo tiêu chuẩn của nước xuất khẩu.
Tuy nhiên, diện tích sản xuất chưa theo tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, năng suất thấp, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường chưa được qua tâm đúng mức nên giá trị thấp, khó khăn cho việc xuất khẩu và mở rộng diện tích.
Với phương châm nông nghiệp Lào Cai “đi sau, về trước”, lấy thước đo giá trị, thu nhập để đánh giá chất lượng hiệu quả sản xuất, Lào Cai phải thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật vào sản xuất và cải tạo môi trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, Sở NN-PTNT Lào Cai vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức hội đoàn thể triển khai tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, các cơ sở sản xuất vùng nguyên liệu kết nối nông sản hàng hóa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy định về tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu của một số thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới.
Tăng cường chỉ đạo người sản xuất áp dụng theo Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo VietGAP và tiêu chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai; triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong canh tác nông nghiệp cũng như chỉ thị của UBND tỉnh Lào Cai về quản lý sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh; tăng cường các biện pháp sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả trong sản xuất trồng trọt.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh rà soát, đánh giá và thành lập các tổ nhóm, HTX sản xuất theo các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư liên kết chế biến, bao tiêu sản phẩm nông sản; tăng cường quản lý vùng nguyên liệu và vật tư đầu vào trong sản xuất.
Đối với nông sản thô hoặc xuất khẩu tươi ngay sau khi thu hoạch, bảo quản, đóng gói, có thể áp dụng các tiêu chuẩn gồm: GAP (GlobalGAP, ASEANGAP..), VietGAP trồng trọt (TCVN 11892-1), Trồng trọt hữu cơ (TCVN11041-2)…
Nông sản qua chế biến đóng hộp, xuất khẩu tuân thủ theo tiêu chuẩn ISO, GMP, HACCP, GlobalGAP, Organic… và các quy định về trách nhiệm xã hội, môi trường theo thông lệ quốc tế.
Việc sản xuất phụ thuộc chính vào tiêu chuẩn của nước xuất khẩu, thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Do vậy, tùy thuộc theo nhu cầu của từng thị trường, các cơ sở, HTX, doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường...