| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Nghệ An chủ động trước đại dịch Covid-19

Thứ Tư 03/11/2021 , 17:27 (GMT+7)

Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực nông nghiệp Nghệ An, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Để gỡ khó, nhất thiết phải tạo được sự chủ động cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định vụ Xuân 2022 rất quan trọng, do đó công tác chỉ đạo phải sâu sát, kịp thời ngay từ ban đầu. Ảnh: Việt Khánh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định vụ Xuân 2022 rất quan trọng, do đó công tác chỉ đạo phải sâu sát, kịp thời ngay từ ban đầu. Ảnh: Việt Khánh.

Đẩy nhanh tiến độ vụ Đông, giải phóng quỹ đất cho vụ Xuân

Ngày 3/11, thông qua Hội nghị trực tuyến “Triển khai đề án sản xuất vụ xuân 2022, tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ đông 2021 và phòng chống dịch tả lợn Châu Phi”, ngành nông nghiệp Nghệ An đã nêu bật tổng quan chung, qua đó bàn bạc phương án để tháo gỡ nút thắt.

Sở NN-PTNT thông tin, vụ Đông năm nay đối diện với nhiều thách thức, trong đó diễn biến dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề hơn cả. Ngoài ra, giá cả vật tư nông nghiệp tăng phi mã, hệ thống bảo quản, sơ chế không đảm bảo… cũng góp phần kìm hãm.

Đến thời điểm này, tổng diện tích cây trồng vụ Đông mới đạt trên 21.486 ha/KH 35.550 ha, tiến độ chậm so với kế hoạch. Đáng nói nhiều điểm gieo trồng bị ngập, hư hỏng nặng buộc phải gieo trồng lại nhiều lần, vừa tốn kém lại thiếu hiệu quả, thực trạng này xuất hiện ở các huyện Quỳnh lưu, Diễn Châu, Thị xã Hoàng Mai ...

Tiến độ vụ Đông 2021 tại Nghệ An đang chậm so với kế hoạch. Ảnh: Võ Dũng.

Tiến độ vụ Đông 2021 tại Nghệ An đang chậm so với kế hoạch. Ảnh: Võ Dũng.

Tương tự là quá trình triển khai chính sách hỗ trợ giống sản xuất ngô, rau trên đất lúa, giống khoai tây theo Quyết định số 3433/ QĐ-UBND ngày 21/09/2021 của UBND Tỉnh. Đến nay tổng diện tích ngô, rau trên đất lúa chỉ đạt 1.586,8ha, tương đương với mức hỗ trợ đạt hơn 1,5 tỷ đồng, con số khá khiêm tốn.

Để sản xuất vụ Đông 2021 đảm bảo chỉ tiêu đề ra, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp mang tính then chốt, bao gồm: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành các xã, thị trấn tập trung định hướng gieo trồng các loại cây trồng chính (ngô, rau, khoai tây, khoai lang…) trên đất màu, nhất là những vùng dễ tiêu thụ hoặc đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; đối với đất 2 lúa, khuyến cáo nông dân sản xuất rau hoặc ngô ngắn ngày phục vụ thức ăn tươi cho gia súc, qua đó kịp giải phóng quỹ đất cho sản xuất lúa vụ Xuân 2022.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, các đợt rét đậm, rét hại trong mùa đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung phần lớn trong khoảng thời gian giữa tháng 12/2021 kéo đến tháng 02/2022. Vì thế các huyện phải bám sát khung thời vụ, diễn biến thời tiết để kịp thời điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, đồng thời áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, phát triển cây vụ Đông ưa lạnh có lợi thế…

Trong khi đó, vụ xuân 2022 đươc nhìn nhận hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, điểm nhấn chính là lực lượng lao động dồi dào từ các tỉnh phía Nam trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, thực tế là diễn biến thời tiết giai đoạn này khó lường, chưa kể dịch hại có thể phát sinh mạnh…

Xuất phát từ cơ sở thực tế, ngành NN-PTNT Nghệ An đặt mục tiêu đảm bảo sản lượng lương thực năm 2022 khoảng 1.200.000 tấn. Trong đó, vụ Đông 2021 ước đạt 76.000 tấn (Diện tích cây ngô ước đạt 16.000 ha; năng suất ước đạt 47,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 76.000 tấn). Vụ Xuân 2022 phấn đấu 693.325 tấn.

Lúa vẫn là cây trồng chủ lực tại vụ Xuân 2022. Ảnh: Việt Khánh. 

Lúa vẫn là cây trồng chủ lực tại vụ Xuân 2022. Ảnh: Việt Khánh. 

Dẫu khó khăn nhưng ngành nông nghiệp có cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu, điều này được thể hiện bằng việc xây dựng phương án phù hợp theo từng cấp độ dịch bệnh Covid- 19 (Quyết định số 3890/QĐ-UBND ngày 21/10/2021); hỗ trợ cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiêu quả, vừa thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành Nông nghiệp năm 2022. 

Số lượng hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả ngày càng tăng cũng được xem là trụ đỡ, là chất xúc tác. Ghi nhận tổng quan đến 30/8/2021, toàn tỉnh có 339/627 HTX cho kết quả tích cực (143 HTX hoạt động tốt, 196 HTX hoạt động khá), tăng 65 HTX so với năm 2019. Đáng chú ý, có 196 HTX đã thực hiện liên kết sản xuất ổn định cho người dân từ 1-2 vụ/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 19 công ty tham gia liên kết, bao tiêu các sản phẩm đặc trưng (lúa gạo, rau củ quả…). Kết quả này góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ ứng dụng sâu rộng Khoa học công nghệ vào canh tác, từng bước tạo nên mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả đôi bên.

Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 8.823 hộ, tổng số lợn đã tiêu hủy là 30.780 con với tổng trọng lượng 1.737 tấn. Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, từ đầu tháng 9/2021 đến nay dịch bệnh có chiều hướng bùng phát mạnh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những điểm nuôi không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.

Tính rộng ra, toàn tỉnh có đến 169 ổ dịch, tập trung tại 19 huyện, thành, thị, bệnh chưa qua 21 ngày. Dẫn đầu là các huyện Yên Thành (30 ổ), Nghi Lộc, Đô Lương (cùng 19 ổ), Diễn Châu (18 ổ), Hưng Nguyên (10 ổ), Thanh Chương (11 ổ)…

Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, ông Trần Xuân Học cho biết: Do ảnh hưởng của mưa lũ, mầm bệnh từ cơ sở chăn nuôi, giết mổ, phương tiện vận chuyển, hố tiêu hủy không đảm bảo kỹ thuật, xác chết lợn trôi theo nước phát tán ra môi trường; độ ẩm cao thuận lợi cho côn trùng, gặm nhấm sinh sôi, phát triển đưa mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

DTLCP đang có chiều hướng bùng phát nhanh trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Võ Dũng.

DTLCP đang có chiều hướng bùng phát nhanh trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Võ Dũng.

Cùng với đó là hàng loạt yếu tố khác, điển hình như: Mầm bệnh tồn tại và lưu hành trong cơ thể lợn thường xuyên bài thải ra môi trường, trong khi công tác khử trùng tiêu độc không được thực hiện triệt để; tổng đàn toàn tỉnh lớn nhưng hình thức chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, nông hộ; quý I, II năm 2021 giá thịt lợn hơi duy trì ở mức cao, người nuôi ồ ạt tái đàn nhưng cơ bản không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chưa kể phần nhiều mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, không khai báo chính quyền địa phương…

Khó khăn lúc này là bệnh DTLCP chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Từ nguyên do trên, ngành nông nghiệp địa phương nhận định: Thời gian tới, nguy cơ cao bệnh DTLCP có thể bùng phát ra diện rộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Từ thực tế đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh sẽ tập trung theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra kết quả thực hiện tại các huyện; Sở NN-PTNT có trách nhiệm tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời tham mưu, đề xuất kịp Chủ tịch UBND tỉnh để công tác phòng chống dịch đạt kết quả cao…

Đẩy nhanh tiến độ vụ Đông để tạo đà giải phóng quỹ đất cho vụ Xuân 2022 là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đẩy nhanh tiến độ vụ Đông để tạo đà giải phóng quỹ đất cho vụ Xuân 2022 là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Kết luận Hội nghị, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Trong bối cảnh Covid-19 tác động nặng nề, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, là trụ đỡ cho nền kinh tế. Vụ Xuân và vụ Hè Thu năm 2021 được mùa toàn diện là nhờ chủ động trong công tác chỉ đạo ngay từ đầu, các địa phương có nhiều đổi mới trong cách làm, cơ cấu giống, công tác dự báo rất tốt.

Bên cạnh mặt tích cực vẫn tồn tại một số hạn chế, ngành và các địa phương phải nhìn nhận thực tế này để khẩn trương khắc phục, nhất thiết cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vụ Xuân 2022 là vụ quan trọng, công tác chỉ đạo phải sâu sát, kịp thời, đồng bộ, phải đảm bảo đúng lịch thời vụ, ưu tiên giống chất lượng cao.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.