| Hotline: 0983.970.780

Nông sản sạch trên xứ nóng

Thứ Sáu 16/06/2017 , 15:06 (GMT+7)

Mô hình canh tác tự nhiên (CTTN) được sự hỗ trợ của dự án "Phát triển chuỗi giá trị nông sản sạch" tại huyện Triệu Phong do tổ chức Tầm nhìn thế giới và tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tài trợ.

Đây là phương pháp canh tác được phát triển đầu tiên ở Hàn Quốc. Tại Việt Nam, lần đầu tiên dự án được thực hiện ở tỉnh Quảng Trị. Sản phẩm sạch mới làm ra nhưng rất nhiều khách hàng ở khắp cả nước đã đăng ký tiêu thụ.
 

Sản phẩm đảm bảo an toàn tuyệt đối

Ông Nguyễn Hữu Đạt ở HTX An Hưng, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong cho biết, được sự giúp đỡ của dự án, bắt đầu từ vụ HT 2016 ông cùng các hộ trong HTX bắt tay vào thực hiện mô hình SX lúa theo phương pháp CTTN. Mục đích của cách làm mới này nhằm bảo vệ môi trường nông thôn và hạn chế sử dụng thuốc hóa chất BVTV.

16-00-25_tu_nhien_1
Điều phối viên của dự án kiểm tra lúa

Nguyên tắc của phương pháp CTTN là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội. Cốt lõi của phương pháp CTTN là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất, nguồn nước, làm nền tảng căn bản cho SX nông nghiệp. Sản phẩm làm ra cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Sang vụ ĐX vừa rồi gia đình ông Đạt làm 4 sào lúa CTTN, thu về được gần 9 tạ thóc. Theo tính toán của Phòng NN-PTNT huyện Triệu Phong, mặc dù CTTN năng suất thấp hơn so với sản xuất thông thường từ 20 - 30kg/sào, song bù lại giá bán lại cao gấp đôi, đến 15 ngàn đồng /kg lúa, còn gạo đến 22 ngàn đồng/kg. Trong khi lúa SX truyền thống chỉ bán được từ 6 ngàn đến 7 ngàn đồng/kg. Chi phí sản xuất theo CTTN tốn 28 triệu đồng/ha, trong khi đó SX lúa truyền thống tốn 23 triệu đồng/ha. Nhưng bù lại giá trị thu được từ lúa CTTN đến 54 triệu đồng/ha, trong khi SX lúa truyền thống chỉ 27 triệu đồng/ha. Tính ra lợi nhuận SX lúa CTTN đến 26 triệu đồng/ha, SX lúa truyền thống cho lợi nhuận chỉ 4 triệu đồng/ha.

16-00-25_tu_nhien_2
Sản phẩm lúa gạo CTTN được hộ gia đình đóng bao bì ghi rõ các tiêu chí an toàn

Bà Nguyễn Thị Thảo, điều phối viên của dự án cho biết, khi tham gia CTTN người dân không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, các chất kích thích sinh trưởng hóa học. Hoàn toàn sử dụng phân hữu tự làm để bón lót đầu vụ, tăng cường dinh dưỡng bằng các chế phẩm vi sinh như đạm cá lên men, nước trái cây lên men, nước thân cây lên men. Phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc thảo mộc như gừng, tỏi, ớt, cây thuốc lá… lên men.

Đối với cây lúa, để thực hiện thành công mô hình này người nông dân phải sử dụng giống chất lượng cao, thực hiện đắp đập, be bờ giữ nước thường xuyên để hạn chế cỏ dại phát triển. Theo bà Thảo, ngoài sản xuất lúa, người dân tham gia dự án CTTN còn chăn nuôi heo, gà và trồng rau sạch.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở xã Triệu Tài chăn nuôi heo sạch, cho ăn cám với ngô, đậu sau thời gian hơn 3 tháng nhưng mỗi chú heo F2 siêu nạc cũng chỉ có trọng lượng 30kg. Nuôi heo theo phương pháp này có trọng lượng bình quân đạt 50 g/con, thấp hơn trọng lượng heo nuôi theo cách thông thường có sử dụng thức ăn công nghiệp là 20kg/con trong cùng thời gian. Ông Thành cho biết giá heo sạch ổn định, hiện ông bán với mức 50 ngàn đồng/kg heo hơi, nhưng cũng không đủ phục vụ nhu cầu cho bà con.

Tham gia dự án, gia đình ông Lê Thiêm Châu ở thôn Thâm Triều, xã Triệu Tài nuôi gà sạch. Ông Châu cẩn thận ghi vào sổ từ ngày gà được sinh nở cho đến khi đưa ra nuôi bầy đàn. Lúc nhiều nhất gia đình ông Châu cũng chỉ nuôi gần 100 con gà với thức ăn hàng ngày là ngô, cám, chuối, còn gà được uống nước trái cây lên mem trộn với nước tỏi lên men để phòng bệnh. Ông Châu dự tính sau 6 tháng, trọng lượng mỗi con gà nặng chừng 1,2 - 1,5kg mới xuất bán với giá 120 ngàn đồng/kg, lợi nhuận cao hơn nuôi gà thông thường.

16-00-25_tu_nhien_3
Hộ gia đình ở Triệu Phong nuôi gà theo CTTN


Phát triển chuỗi giá trị nông sản

Ông Đào Văn Đức, Quản lý Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông sản sạch theo phương pháp CTTN tại huyện Triệu Phong, nơi đang hỗ trợ người dân thực hiện dự án CTTN cho biết sự tham gia tích cực của cộng đồng là yếu tố rất quan trọng giúp cho dự án thành công. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ toàn bộ giống lúa chất lượng cao, heo giống F2 siêu nạc và gà ri, giống rau. Ngoài ra, còn hỗ trợ các nguyên liệu làm chế phẩm sinh học nên bà con cũng giảm được một phần lớn về chi phí sản xuất ban đầu. Đến nay giai đoạn giúp người dân trực tiếp SX ra sản phẩm CTTN tại địa phương đã có kết quả.

Theo ông Đức, cuối tháng 6 này, dự án sẽ khai trương tại TP Đông Hà gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản sạch từ CTTN cho khách hàng. Theo đó, dự án cùng người dân sẽ cung cấp ra thị trường 4 sản phẩm gồm gạo, thịt heo, thịt gà và rau do chính bà con nông dân trong vùng dự án SX...

Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cam kết huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân trên địa bàn tham gia sản xuất theo phương pháp CTTN. Cụ thể, các đơn vị, HTX sản xuất theo phương pháp này với quy mô lớn sẽ được hỗ trợ xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha công làm cỏ. Hỗ trợ xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Riêng lúa gạo sản xuất ra từ dự án CTTN sẽ được xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” nhằm quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện tại dự án được triển khai tại 5 xã Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Thượng và Triệu Trạch với tổng diện tích lúa vụ HT 2017 đến 22ha. Ngoài ra chưa kể hỗ trợ nuôi heo, nuôi gà và trồng rau sạch.

Gia đình bà Nguyễn Thị Yến ở thôn An Trú, xã Triệu Tài tham gia dự án với công việc chính là trồng rau sạch và nuôi gà. Bà Yến cho biết chỉ trồng rau bằng phân hữu cơ từ khi làm đất, ủ đất, tuyệt đối không sử dụng phân bón kích thích vì thế rất an toàn. Hiện trong vùng dự án có 157 hộ tham gia trồng lúa, gần 200 hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà, heo và trồng rau.

 

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Nhức nhối tình trạng gian lận mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu

TIỀN GIANG Đó là một trong nhiều vấn đề được nêu ra tại buổi làm việc của Bộ NN-PTNT với UBND tỉnh Tiền Giang 7/1/2025.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.