Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 5 của Nhật Bản
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), hiện nay, việc đi lại và các nút thắt về logistics trong thông thương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang dần được phục hồi sau thời gian dài đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu.
Đồng thời thị trường tiêu thụ cũng như năng lực sản xuất của hai nước cũng dần phục hồi, nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc xây dựng lại chuỗi cung ứng và tìm kiếm các đối tác mới trở nên cấp bách.
Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 15/12, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm ASEAN – Nhật Bản tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối chế biến và thương mại nông sản Việt Nam – Nhật Bản” với mục tiêu cập nhật tình hình về năng lực sản xuất, chế biến, thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước, đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nhật Bản kết nối, xây dựng quan hệ đối tác, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả Nhật Bản và Việt Nam đều đã trở thành thị trường xuất nhập khẩu nông sản trọng điểm của nhau. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt qua cả Hàn Quốc và Thái Lan để trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 5 của Nhật Bản. Qua đó có thể thấy được sự cần thiết của việc tăng cường, thúc đẩy thương mại nông sản của cả 2 nước.
“Việt Nam rất coi trọng đối tác Nhật Bản và luôn chú trọng, tập trung vào chất lượng sản phẩm, tính cam kết, trách nhiệm về môi trường, xã hội của sản phẩm nông sản khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Đồng thời, Việt Nam cũng như Bộ NN-PTNT đang xây dựng những kế hoạch cụ thể trong việc gây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, sinh thái, trách nhiệm", ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản thông tin, Hội nghị đã có sự tham gia của 64 doanh nghiệp Việt Nam, 71 doanh nghiệp Nhật Bản và bày tỏ, thông qua Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp 2 nước sẽ tìm được giá trị đích thực trong kết nối giao thương.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,66 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 672 triệu USD sản phẩm nông nghiệp trong giao thương với Nhật Bản. Theo đó, Việt Nam xuất siêu gần 3 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Nhật Bản.
Chinh phục người tiêu dùng "xứ sở hoa anh đào"
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với nông thủy sản, thực phẩm nước ngoài, bao gồm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Theo đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Lũy kế 10 tháng đầu 2022, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,87 tỷ USD, tăng 27,8%. Các mặt hàng chủ yếu là hàng thủy sản (1,43 tỷ USD, tăng 33%); cà phê (231 triệu USD, tăng 26,3%); hàng rau quả (141,3 triệu USD, tăng 6%); hạt điều (41,1 triệu USD, giảm 15,8%); hạt tiêu (16,3 triệu USD, tăng 96%); cao su (15,3 triệu USD, giảm 13,7%)…
Chia sẻ về những thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh cho hay, hiện nay có khoảng gần 500.000 người Việt sống tại Nhật Bản. Hàng thực phẩm Việt ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản.
Cùng với đó, ưu đãi cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định FTA mà 2 nước cùng là thành viên, bao gồm VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP, cũng là một thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản.
Cụ thể, trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản xóa bỏ thuế quan cho đại đa số nông thủy sản của Việt Nam, mức độ cam kết cao hơn các Hiệp định VJEPA, AJCEP. Trong Hiệp định RCEP, Nhật bản xóa bỏ thuế quan cho nhiều nhóm hàng nông sản, thịt, rau quả, thủy sản... của ASEAN, trong đó có Việt Nam.
“Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng đồng yên mất giá so với đồng USD đã tạo áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng Nhật Bản. Nếu hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng tương đương cùng giá bán thấp hơn sẽ có cơ hội thay thế hàng của các nước khác hoặc phần nào là hàng nội địa”, ông Tạ Đức Minh phân tích.
Tuy nhiên, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng chỉ ra những khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản có hệ thống phân phối phức tạp, với nhiều tầng lớp trung gian. Hàng Việt Nam khó có thể bán trực tiếp ngay cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ, người tiêu dùng mà cần thông qua các đầu mối nhập khẩu lớn.
“Đặc biệt, Nhật Bản có quy định khắt khe đối với hàng nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu với nhiều tiêu chuẩn cao về điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, điều kiện xử lý, đóng gói bao bì, dán nhãn, xử lý sâu bệnh và dịch hại, kiểm dịch động thực vật…
Doanh nghiệp để xảy ra vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị lực lượng Hải quan Nhật Bản nâng mức độ và tần suất kiểm tra, kéo dài thời gian và phát sinh chi phí cho việc thông quan, đôi khi dẫn đến việc mất bạn hàng, mất thị trường, cũng như ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nói chung”, ông Tạ Đức Minh phân tích.
Ngoài ra, ông Minh cũng lưu ý thêm thói quen và thị hiếu tiêu dùng của người Nhật. Đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, bên cạnh việc chú trọng nhất đến chất lượng, tính vệ sinh an toàn của thực phẩm, người Nhật còn quan tâm về hình thức sản phẩm như kích thước, màu sắc, mẫu mã, cách chế biến… Người Nhật cũng nhạy cảm với những sự thay đổi thất thường về giá cả hàng hóa.
Từ đó, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản đã đưa ra những lưu ý khi các doanh nghiệp Việt xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản. Theo đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế quan từ các Hiệp định FTA (VJEPA, AJCEP, CPTPP, RCEP...). Đồng thời, cần đảm bảo sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ Việt Nam.
“Các sản phẩm cần luôn đảm bảo chất lượng tốt để đáp ứng các quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản, đồng thời cần có sự đa dạng về khẩu vị cho phù hợp với người Nhật, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã bao bì cho bắt mắt và thu hút người tiêu dùng”, ông Tạ Đức Minh chia sẻ.
Song song, công tác tuyên truyền giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm bằng nhiều hình thức cũng cần được chú trọng nhiều hơn nữa. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ luôn đóng vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp nhằm mục tiêu chung là góp phần giúp thương hiệu hàng Việt Nam ngày càng được đón nhận tại Nhật Bản và trên thế giới.
Tại Hội nghị, phía Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản như tổn thất sau thu hoạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, dây truyền bảo quản lạnh trong toàn bộ chuỗi cung ứng cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu…
Những nhóm mặt hàng doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là thủy sản chế biến, cà phê, ca cao, rau củ quả tươi và đông lạnh, mật ong tự nhiên…