| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn ngày càng mới

Thứ Hai 17/01/2022 , 07:45 (GMT+7)

Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có 62/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm tỷ lệ 71,26%; 21/87 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm tỷ lệ 24,13%.

Đường quê ở Vĩnh Long ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Minh Đảm.

Đường quê ở Vĩnh Long ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Minh Đảm.

Đường quê Mang Thít óng ánh sắc hoa

Đã lâu không về miền quê Mang Thít (Vĩnh Long), những người con làm ăn xa quê đều phải ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của nông thôn quê mình. Bởi nông thôn Mang Thít nay đã chuyển mình, hiện đại, khang trang hơn trước.

Nhất là giao thông, bây giờ thuận tiện lắm. Nhớ cách đây chừng chục năm con đường tỉnh lộ 902, chạy dọc theo dòng sông Cổ Chiên qua 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, An Phước và Chánh An  chưa được đầu tư bài bản. Nó gồ ghề, đá lởm chởm. Mỗi lần xe lớn chạy qua là bụi bay mù mịt. Bây giờ đường đã và đang được mở rộng trải nhựa nóng cứ dài ra mỗi ngày. Có việc từ xã chạy xe máy ra trung tâm tỉnh, bây giờ chắc cũng mất chừng 15 - 20 phút là cùng.

Đường liên ấp, ngõ xóm cũng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn nhờ phát động nhà nước và nhân dân cùng làm. Đường sá dễ đi, thương lái ra vào nườm nượp thu mua trái cây, hoa màu của nông dân. Nông sản bán được giá, lại không lo ế, ai nấy cũng khoái, cũng mừng. Không khí thôn quê cứ rộn rã hẳn lên, không còn cái cảm giác heo hút như hồi chục năm trước.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Mang Thít, năm 2021 huyện có kế hoạch đưa xã Chánh An về đích NTM và xã An Phước đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, theo đánh giá của UBND huyện các xã đã đạt được mục tiêu đề ra.

Đầu tư công trình thuỷ lợi tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Vĩnh Long.

Đầu tư công trình thuỷ lợi tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Vĩnh Long.

Đến nay, xã Mỹ Phước giữ vững 19/19 tiêu chí NTM nâng cao. Xã An Phước đang được UBND tỉnh thẩm định công nhận đạt 19/19 tiêu chí về NTM nâng cao. Các xã Hòa Tịnh, Long Mỹ và Tân An Hội giữ vững 19/19 tiêu chí đã đạt. Riêng xã Chánh An cũng đang được UBND tỉnh thẩm định công nhận đạt 19/19 tiêu chí. Các xã Tân Long Hội, Mỹ An, Nhơn Phú, Bình Phước, Tân Long đều có số tiêu chí đạt cao từ 13-17 tiêu chí.

Trong xây dựng cơ bản, năm 2021, các cấp ủy, chính quyền huyện Mang Thít đã huy động được trên 149 tỷ đồng, giải ngân được trên 96%. Toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, xây mới đạt chuẩn hơn 74 km đường liên ấp; 2,8km km đường liên xã…; sửa chữa và xây mới công trình trường học và một số công trình khác đang tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện để đạt tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, ấp NTM kiểu mẫu tại các xã. Đến cuối năm 2021, đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Mang Thít cho thấy đã có 7/11 xã của huyện đạt tiêu chí giao thông.

Cảnh quan môi trường được người dân chăm chút, dọn dẹp mỗi ngày nên càng thêm sạch đẹp. Hai bên đường, lái xe mỏi cả tay mà vẫn chưa thôi hết màu vàng óng ánh của những đoá hoa vàng yến đong đưa theo gió, đón chào mùa xuân mới về trên quê hương. Những công trình văn hoá, trường học, trạm y tế ngày được đầu tư bài bản khang trang hơn. Đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt, thể thao và chăm sóc sức khoẻ của nhân địa phương. Nông thôn mới, nông thôn đã thật sự đổi mới. Những thay đổi ấy là một phần của thành quả xây dựng NTM của nhân dân huyện Mang Thít hơn chục năm qua.

Chúng tôi trò chuyện với ông Đặng Hùng Cường (48 tuổi), người dân ở ấp Mỹ Chánh xã Chánh An đang thực hiện tỉa cành, chăm sóc hoa ven đường để xã chuẩn bị ra mắt xã NTM. Bày tỏ về những đổi thay của vùng quê Mang Thít trong những năm qua, ông Cường cảm nhận: “Lúc trước thấy dân mình cũng khổ. Bây giờ thấy kinh tế cũng đã ổn định. Chỗ hộ nghèo, cận nghèo đã giảm mạnh thấy cũng hay rồi. Nói về cảnh quan, đường sá bây giờ đổi mới nhiều lắm. Mỗi tuyến đường có đèn sáng, cây cảnh cũng rất đẹp. Tuyến đường huyện lộ 33 bây giờ có camera hết, rất ngon rồi”.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 63/87 xã đạt tiêu chí giao thông. Đồng thời, các huyện, thị xã đã và đang thực hiện 137 công trình giao thông tại các xã trên địa bàn tỉnh (bao gồm công trình chuyển tiếp của năm 2020 và công trình mới năm 2021) xây dựng các tuyến đường liên xóm, rải đá các tuyến đường dân sinh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tổng nguồn vốn thực hiện trênn 471 tỷ đồng.

Thu hút doanh nghiệp đến đầu tư

Xứ Mang Thít một thời nổi tiếng với nghề làm gạch, gốm. Làng nghề xưa kia trù phú lắm. Tuy nhiên, từ khi nghề làm gạch, gốm ở xứ này không còn thịnh người dân cững bỏ xứ đi làm thuê tỉnh khác cũng nhiều. Nay xây dựng NTM, thuỷ lợi, giao thông phát triển nên doanh nghiệp, cá nhân về đầu tư ngày càng nhiều, người dân cải tạo đất đai chăm lo sản xuất nên đời sống của nhân dân đã có nhiều cải thiện.

Tại xã An Phước, năm 2016, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm nay, xã cũng vừa phấn đấu hoàn thành nâng chất để được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, đến nay, xã An Phước đã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Diện mạo nông thôn của xã ngày càng đổi mới. Các tuyến đường liên xã đạt chuẩn 100%. Các tuyến đường liên ấp cũng được đầu tư mở rộng gần 100%, đi lại rất thuận tiện. Từ đó, người dân ngày càng tích cực tham gia, NTM thực sự trở thành phòng trào sâu rộng.

Nhân dân ngày càng hài lòng về chương trình NTM. Ảnh: Minh Đảm.

Nhân dân ngày càng hài lòng về chương trình NTM. Ảnh: Minh Đảm.

Xã An Phước có thế mạnh về trồng cây ăn trái (828ha) và rau màu (168ha). Nhờ làm tốt công tác thuỷ lợi, hiện 100% diện tích đất nông nghiệp của xã của được chủ động nước tưới. Năm qua, xã tích cực vận động bà con nông dân thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, cải tạo vườn tạp kém hiệu quả để trồng chuyên canh các loại trái cây như: bưởi da xanh, nhãn Ido, xài Đài Loan, ..

Đặc biệt, gần đây ở xã An Phước đã thu hút các nhà làm cây giống sang thuê đất làm vườn ươm cây con, mở trang trại bán cây giống. Qua đây, góp phần chuyển đổi nghề nghiệp mở ra hướng hướng trong lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương. Hiện diện tích vườn cây giống đã phát triển lên đên 56ha. Qua đánh giá bước đầu mang lại hiệu quả cao, giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Lĩnh vực hút đầu tư ở lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng khá phát triển. Trong năm có thêm 5 trang trại được xây dựng, nâng tổng số trang trại ở xã lên đến 82 trang trại. Tổng đàn gia súc trên 15 nghìn con, gia cầm trên 900 nghìn con. Trong đó, có 15 mô hình chăn nuôi theo công nghệ cao. Anh Trần Phước Lộc, một hộ chăn nuôi gà công nghệ cao có 2 trại đang liên kết với một doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi cho hay:

“Giao thông bây giờ phát triển kết hợp với những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của xã các doanh nghiệp đến với địa phương đầu tư đã mở ra cơ hội làm ăn mới cho người dân. Như ở đây, tôi mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi gà công nghệ cao có liên kết với doanh nghiệp cũng thấy ổn định. Tại đây, thấy doanh nghiệp giải quyết được một số lao động địa phương có thu nhập cũng khá cao”.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 42 công ty, doanh nghiệp hoạt động đã giải quyết cho hơn 4.587 lao động tại địa phương. Qua đó, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn khoảng 2% (135 người). Đồng thời nâng cao thu nhập đạt gần 49 triệu đồng/người/năm.

Trên 71% số xã đạt chuẩn NTM

Theo bà Vũ Thị Thanh Loan, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Vĩnh Long: Năm 2021, tổng số công trình thực hiện là 315 công trình, với mức đầu tư cho Chương trình NTM là trên 1.100 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện và giải ngân các công trình: đã khởi công 315/315 công trình (đạt 100%), thực hiện đạt 80,59% và đã giải ngân đạt 77,41% kế hoạch vốn.

Nhờ đó, năm 2021, đã trình UBND tỉnh quyết định công nhận 7 xã đạt chuẩn NTM (Quới An, Chánh An, Thạnh Quới, Tân Hạnh, Tân Thành, Hiếu Thành, Loan Mỹ - xã đăng ký bổ sung 6 tháng cuối năm 2021), 9 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (Hậu Lộc, An Phước, Thanh Bình, Phú Đức, Đông Bình, Hòa Hiệp, Hiếu Nhơn, Bình Hòa Phước, Lộc Hòa).

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.