| Hotline: 0983.970.780

Liên kết 4 nhà trong phát triển sản phẩm OCOP và ngành hàng lúa gạo

Thứ Tư 12/01/2022 , 13:22 (GMT+7)

Hội thảo “Sản phẩm OCOP & Phát triển ngành hàng lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới” thu hút nhiều ý kiến về chính sách phát triển sản phẩm OCOP.

Trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V – Vĩnh Long 2021 vừa diễn ra, Hội thảo “Sản phẩm OCOP & Phát triển ngành hàng lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới” cũng thu hút nhiều sự quan tâm.

Gạo Song Ngọc vừa đạt giải 3 hội thị gạo ngon thương hiệu Việt. Ảnh: Minh Đảm.

Gạo Song Ngọc vừa đạt giải 3 hội thị gạo ngon thương hiệu Việt. Ảnh: Minh Đảm.

Lúa gạo là ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Cả nước có hơn 3,6 triệu ha đất trồng lúa. Sản lượng hàng năm từ 44 - 45 triệu tấn lúa. Trong đó, xuất khẩu khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo. Có thể nói, lúa gạo là ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD (chiếm khoảng 7,5% giá trị xuất khẩu toàn ngành). Lúa gạo vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sinh kế của khoảng 8 triệu nông hộ cả nước, đảm bảo an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế ở nông thôn.

Đánh giá về kết quả chương trình OCOP, ông Trần Thế Như Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mê Kông Cần Thơ, cho biết: Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định… Tính đến nay, cả nước có 4.759 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó, ĐBSCL chiếm 15%.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Uỷ viên thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Thực tiễn qua hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP cho thấy, lúa gạo đang được đầu tư và hỗ trợ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cải tiến bao bì mẫu mã,.. Từ đó, nâng cao được giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, từ khi gạo ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới trong hội thi năm 2019.

Tại hội thảo, đã có 17 ý kiến đóng góp của các diễn giả trong phiên thảo luận chuyên đề về các chính sách phát triển sản phẩm OCOP và ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng như giải pháp nâng cao chất lượng nông sản, nâng cấp sản phẩm OCOP từ 3 sao, 4 sao. Những băn khoăn thắc mắc của nông dân đã được các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp, định hướng, dẫn dắt. Đây được coi là những chỉ dẫn cần thiết quan trọng để cán bộ, hội viên nông dân chủ động tích cực tham gia vào chương trình OCOP trong thời gian tới.

Ban tổ chức tham quan các sản phẩm OCOP tại Festival lúa gạo Việt  Nam 2021. Ảnh: Minh Đảm.

Ban tổ chức tham quan các sản phẩm OCOP tại Festival lúa gạo Việt  Nam 2021. Ảnh: Minh Đảm.

Theo PGS.TS Dương Ngọc Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa – gạo trở thành vấn đề được không chỉ các nhà quản lý, người nông dân, mà còn rất nhiều  ngành khác quan tâm. Vì vậy, chương trình liên kết 4 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học đã được đặt ra và triển khai ở nhiều nơi trên cả nước, với kỳ vọng hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường.

Trên thực tế, nhiều mô hình liên kết 4 nhà được triển khai thí điểm thành công đang mang lại những hiệu quả rất thiết thực. Tuy nhiên, mô hình này chưa thực sự tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, chưa đạt được mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ số đông người nông dân với tư cách là nhà sản xuất tham gia thị trường một cách chủ động trong dòng chảy hội nhập kinh tế.

Ðể hỗ trợ HTX xây dựng liên kết chuỗi giá trị, PGS.TS Dương Ngọc Thành kiến nghị cần chú trọng các nhóm giải pháp:

Các ngành chức năng tổ chức quy hoạch lại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm phát triển vùng sản xuất an toàn theo quy mô HTX, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó mới thực hiện được tốt các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống kênh cấp, thoát nước và hệ thống xử lý chất thải.

Ðối với nông dân (thành viên HTX), cần tuân thủ triệt để quy trình sản xuất do các nhà khoa học khuyến cáo hay theo yêu cầu ràng buộc của doanh nghiệp.

Ðối với doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ sản phẩm, cần tích luỹ vốn để phát triển công nghệ, nhằm gia tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm thô và bán thành phẩm.

Ðối với nhà khoa học, cần nghiên cứu các giải pháp tăng sản lượng, chất lượng. Nghiên cứu và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân, doanh nghiệp…

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất