| Hotline: 0983.970.780

'Nóng' tình trạng phá rừng làm nương rẫy

Thứ Năm 24/02/2022 , 08:43 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) không những không được giải quyết dứt điểm, mà còn có dấu hiệu gia tăng ở một số nơi.

Ea Kiết là một trong những "điểm nóng” về tình trạng xâm hại, chặt phá rừng làm nương rẫy ở huyện Cư M’gar. Nhiều diện tích rừng sau khi bị triệt hạ đã biến thành đất sản xuất của người dân. Đáng chú ý, có những diện tích rừng bị chặt phá nằm sát đường, dễ vận chuyển và thuận tiện đi lại… nhưng vẫn chưa được các ngành chức năng xử lý dứt điểm.

Cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: T.Dũng.

Cán bộ Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: T.Dũng.

Tại Tiểu khu 540A, thuộc lâm phần do Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý bảo vệ, cách đây không lâu, lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 1 ha rừng bị các đối tượng tàn phá nghiêm trọng. Tại hiện trường, cả một vạt rừng giờ trống trơn, chỉ còn trơ lại vài cây. Hàng trăm cây rừng đã bị chặt, phá không thương tiếc, nằm ngổn ngang, la liệt trên mặt đất.

Điều đáng nói là sự việc xảy ra đã hơn 4 tháng nhưng vẫn chưa bắt được đối tượng. Được biết, đây là diện tích rừng tự nhiên chưa có trữ lượng, các đối tượng triệt hạ nhằm mục đích lấn chiếm đất rừng.

Ông Lê Văn Hòa, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết) cho biết: Diện tích rừng này không phải bị chặt phá một lần, mà bị các đối tượng xâm lấn từ từ, một lần chặt phá một ít. Khi chặt phá, các đối tượng thường mang theo cả chó, nên khi lực lượng chức năng đến sẽ biết rất nhanh và bỏ chạy. Thường các vụ phá rừng xảy ra vào ban đêm, dẫn đến việc truy đuổi gặp rất nhiều khó khăn, các đối tượng đã chạy thoát…”.

Đơn vị chủ rừng giám sát diện tích rừng quản lý trên chòi canh. Ảnh: T.Dũng.

Đơn vị chủ rừng giám sát diện tích rừng quản lý trên chòi canh. Ảnh: T.Dũng.

Dù nằm ngay cạnh chốt canh giữ rừng nhưng gần 1ha đất rừng tại Tiểu khu 540A cũng bị các đối tượng ngang nhiên chặt phá để lấy đất sản xuất. Không những vậy, các đối tượng còn manh động dựng nhà trái phép trên diện tích rừng đã phá để phục vụ cho việc sản xuất, xung quanh được trồng ngô, sắn, bơ, điều… Điều đáng nói, diện tích này đã bị các đối tượng phá từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết: “Trên diện tích này, anh em đã nhiều lần nhắc nhở và tuyên truyền nhưng các đối tượng phá rừng có sự thách thức, chống đối, chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên, đến nay cũng chưa xử lý dứt điểm được…”.

Trước tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn ra phổ biến, các đơn vị quản lý rừng cũng như các cơ quan chức năng ở huyện Cư M’gar đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm đẩy lùi, ngăn chặn các hành vi phá rừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng đốt, phá rừng của người dân vẫn tiếp diễn, chưa có dấu hiệu giảm.

Một diện tích rừng bị phá tại Tiểu khu 540A. Ảnh: T.Dũng.

Một diện tích rừng bị phá tại Tiểu khu 540A. Ảnh: T.Dũng.

Qua thống kê, trong năm 2021, riêng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã phát hiện 94 vụ phá rừng, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 27,5 ha. Điều đáng nói, đến nay vẫn chưa có vụ nào bắt được đối tượng. Các diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng tự nhiên chưa có trữ lượng, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa, thuộc loại rừng sản xuất…

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do trên địa bàn có số lượng dân di cư tự do lớn, kéo theo nhu cầu đất ở, đất sản xuất lớn nên người dân thường xuyên xâm nhập vào rừng, đốn hạ cây rừng trái phép để lấn chiếm đất.

Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng tiến hành kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng Tiểu khu 540A. Ảnh: T.Dũng.

Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng tiến hành kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng Tiểu khu 540A. Ảnh: T.Dũng.

Ngoài ra, do lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên gặp khó khăn trong phát hiện và ngăn chặn. Các đối tượng thường chặt phá vào ban đêm, hoặc đầu giờ sáng, những hôm trời mưa gió và rất manh động. "Có những vụ chúng tôi giữ được người nhưng các đối tượng đưa người đến gây áp lực và giải vây... Chúng tôi cũng đã có báo cáo đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được các đối tượng…”, ông Hà cho biết.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư M’gar có hơn 16.417 ha đất lâm nghiệp và diện tích đất rừng, trong đó còn hơn 8.186 ha đất có rừng. Có thể thấy áp lực giữ rừng đang đè nặng lên những đơn vị, ngành chức năng quản lý, bảo vệ rừng khi hiện còn rất nhiều hộ dân di cư tự do đang ở ngay trong rừng.

Chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng và các đơn vị chủ rừng cần phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để giữ rừng; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, như vậy mới mong giữ được những cánh rừng còn lại nơi đây.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.