| Hotline: 0983.970.780

Nửa sau cuộc đời người thương binh già

Thứ Tư 26/07/2023 , 13:33 (GMT+7)

Dù thân thể không còn lành lặn, sức khỏe không tốt, nhưng ông vẫn kiên trì lặn lội khắp nơi, tìm những đồng đội năm xưa còn nằm lại đâu đó, đưa về đất mẹ.

Ông Vũ Đình Luật trong một chuyến truy tìm hài cốt đồng đội trở về địa phương. 

Ông Vũ Đình Luật trong một chuyến truy tìm hài cốt đồng đội trở về địa phương. 

Hơn chục năm nay, ông vẫn âm thầm dành hết thời gian, tâm huyết và cả những khoản tiền trợ cấp ít ỏi, để băng rừng, lội suối, không chỉ ở khắp 3 miền đất nước, mà còn sang cả nước bạn Lào, Campuchia, để tìm hài cốt đồng đội. Đó là ông Vũ Đình Luật, sinh năm 1953, ở thôn Sơn Hiệp, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, thương binh loại 4.

Đau đáu nỗi nhớ đồng đội

Chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Đình Luật ở thôn Sơn Hiệp giữa lúc ông đang cởi trần ngồi trước cây quạt, tay cầm chiếc điện thoại “lướt mạng”. Nhìn quanh không thấy ai, chưa kịp hỏi thì ông đã giải đáp: “Nhà chỉ có mình chú thôi. 4 đứa con đã có gia đình riêng, bà nhà chú đang đi làm “giám đốc” công ty 1 thành viên rồi”. Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông cười to: “Bà ấy đi bế cháu cho con gái tận ngoài Hà Nội rồi”.

Khi nghe tôi nói mục đích viếng thăm, ông trầm ngâm: “Đó là công việc nghĩa tình, tri ân đồng đội. Nếu anh nói về tập thể đơn vị thì tôi đồng ý, chứ còn cá nhân tôi không có gì đáng nói cả. Vì có rất nhiều người làm tốt hơn tôi nhiều”. Tôi “dạ” và hứa sẽ nói về tập thể đơn vị chứ không chỉ nói riêng về ông.

Ông Luật quê Hưng Yên, năm 1969, khi mới 16 tuổi, học xong lớp 10, ông đã đậu vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng lại gác giấc mơ giảng đường để viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Nhưng một phần do chưa đủ tuổi, phần lại quá nhỏ con, nên sau 3 lần làm đơn, ông mới được khám sức khoẻ. “Lúc đó tôi nặng có 39kg, phải thêm mấy món phụ kiện vào người mới được 41kg, đạt loại B2, và được nhận và Sư đoàn 968 quân tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Nam Lào”, ông Luật kể.

Năm 1976, sau khi tham gia chiến dịch 30/4 giải phóng miền Nam, ông Luật xuất ngũ về địa phương, sau đó học Đại học Sư phạm Hà Nội và công tác đến năm 1986, nhưng do vết thương cũ tái phát, sức khỏe không tốt nên ông xin về hẳn. Năm 2000, ông đưa gia đình vào xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lập nghiệp. Ở đây, gần chiến trường xưa, ký ức những năm tháng đạn bom cày xới và hình ảnh những đồng đội cũ ngã xuống cứ ùa về.

Ông Luật kể cho tôi nghe những câu chuyện thấm đẫm tình người, tình đồng đội của những cựu chiến binh khi họ dành cả tâm huyết, thời gian, dù nhiều lúc sức khỏe không cho phép, vẫn lên đường tìm đến tận nơi có thông tin đồng đội đang nằm.

Trả lời câu hỏi: “Vậy chú bắt đầu công việc tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ từ khi nào?”. Ông kể: “Năm 2011, có đoàn cựu chiến binh từ tỉnh Phú Thọ vào đây tìm hài cốt đồng đội. Lúc đó họ lạ nước lạ cái, không thuộc đường đi lối lại, nên tôi hỗ trợ và tham gia tìm kiếm cùng họ. Sau đó, được sự đồng ý của Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước, chúng tôi thành lập “Đoàn Cựu chiến binh tình nguyện Phú Thọ - Bình Phước” với 12 thành viên, trong đó đoàn Phú Thọ có 7 người, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Nhiệm vụ của đội là tìm kiếm thông tin và quy tập hài cốt liệt sỹ, giúp đỡ các gia đình tìm kiếm thân nhân, phối hợp với các cơ quan chức năng cất bốc đưa rước các liệt sỹ về quê hương và an táng tại các nghĩa trang địa phương. Đầu năm 2012, tổ công tác tỉnh Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ rút về miền Bắc, còn đội Bình Phước tiếp tục hoạt động, phát triển lực lượng, kết nạp thêm đội viên mới, đưa quân số lên 35 đồng chí và lấy tên là Đội Cựu chiến binh tình nguyện Bù Đăng”.

Ngay sau khi thành lập, đội tìm kiếm của ông Luật đã tìm thấy 5 bộ hài cốt liệt sĩ đầu tiên, thuộc Sư đoàn 968 hy sinh ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn (Bình Định). Cũng gần địa điểm đó, ở xã Bình Nghi, theo người dân cung cấp thông tin, có một nơi chôn cất bộ đội cạnh đường 19, ông Luật đã cùng các cựu chiến binh làm việc với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Sơn và sau 10 ngày khai quật, 74 hài cốt liệt sĩ của lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã được quy tập.

Để có được những thành tích trên không hề đơn giản. Theo ông Luật đó là cả một hành trình dài, qua nhiều quá trình, công đoạn của toàn đội. Trước hết, Đoàn tình nguyện đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên rộng khắp toàn quốc. Đến nay đã có 156 cộng tác viên đủ lứa tuổi, nghề nghiệp tham gia.

Trong thời gian từ năm 2012 đến 2018, ông Luật và các đồng đội không chỉ tìm thấy hàng trăm hài cốt liệt sĩ, mà còn hỗ trợ thông tin cho các đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ chính thống như đội K21 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước, K70 của Cục Chính trị QK7, đội K71 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, K73 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An. Ông Luật và đồng sự đã tìm kiếm và đưa ra các tư liệu cần thiết như sơ đồ nơi bộ đội hy sinh, nơi địch chôn lấp bộ đội tập thể, cho lực lượng tìm kiếm, khai quật tại Đồi 224, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh, Bình Phước); sân bay Lộc Ninh, sân bay Phước Bình (thị xã Phước Long); Đồi Quân y Bắc Sơn (huyện Bù Gia Mập)… 

Những trăn trở cuối đời

Ông Luật tâm sự: “Công việc này gian nan lắm, không chỉ phải đi khắp nơi mà còn lội suối đi rừng, bất kể ngày đêm. Trong khi điều kiện kinh tế không có, mỗi tháng chú chỉ được hơn 2 triệu tiền phụ cấp thương binh chứ không có lương. Trong khi mọi chi phí mình phải tự túc. Vì thế, ban đầu ai cũng bảo chú gàn, già rồi sức khoẻ không có mà còn đi 'vác tù và hàng tổng', chỉ có vợ chú là không, vì bà ấy hiểu chú. Còn các con thì cũng hiểu đấy, nhưng chúng vẫn can chú hạn chế đi xa, vì lo sức khoẻ của bố không tốt, đi rừng đi núi, lỡ có chuyện gì thì cứu không kịp. Nhưng có lẽ chú được các đồng đội phù hộ nên bao năm đi như thế, từ những chuyến đi vài ngày, có khi cả tháng, nhiều lúc phải ngủ ngoài trời sương gió, ăn uống thiếu thốn, mà chưa ốm đau lần nào. Chưa kể là còn thấy tinh thần tốt hơn lên”.

Điều người thương binh già Vũ Đình Luật trăn trở nhất hiện nay các liệt sỹ chưa tìm thấy còn nhiều lắm, ở khắp mọi nơi.

Điều người thương binh già Vũ Đình Luật trăn trở nhất hiện nay các liệt sỹ chưa tìm thấy còn nhiều lắm, ở khắp mọi nơi.

“Chú và đồng đội may mắn còn sống, rất biết ơn các đồng đội đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Nghĩ thế nên chú có cố gắng bao nhiêu cũng chưa đủ. Chỉ đến khi nào không còn một liệt sĩ nào phải nằm đâu đó mà không ai biết, hoặc trên các bia mộ, không còn dòng chữ "vô danh" hay "liệt sĩ chưa biết tên", thì khi đó mới thực sự trọn vẹn.

Điều chú suy nghĩ nhiều nhất là hiện nay các liệt sỹ chưa tìm thấy còn nhiều lắm, ở khắp mọi nơi, nhưng những người như chú, giỏi lắm chỉ được chục năm nữa, lúc đó nếu chưa về với tổ tiên thì cũng không còn sức mà đi tìm. Còn lớp trẻ bây giờ, chúng quá trẻ, không phải trải qua giai đoạn lịch sử khốc liệt của đất nước nên không thể cảm nhận được những giá trị lịch sử mà các anh hùng liệt sĩ đã để lại...”.

Năm 2017, Đội Cựu chiến binh tình nguyện Bù Đăng thay đổi phương thức hoạt động, không còn mang tính tự phát nữa, mà dưới sự chỉ đạo, phối hợp của Hội Cựu chiến binh tỉnh và lấy tên Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ huyện Bù Đăng, trực thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước. Cũng từ đây, ông Luật và các đồng đội không còn phải trực tiếp đi tìm, đào bới và quy tập hài cốt đồng đội nữa, mà chỉ hỗ trợ thông tin.

"Khi tiếp nhận thông tin về liệt sỹ, đội của chú sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đến nơi để khảo sát, khai quật rồi thẩm định. Những hài cốt không kèm theo di vật để chứng minh thì không được coi là mộ liệt sỹ. Di vật được coi là bằng chứng thường là cúc áo, súng đạn, dép râu, thắt lưng và các trang thiết bị của bộ đội mình chuyên dùng…”, ông Luật nói.

Chiều muộn, khi những cơn mưa bất chợt đổ xuống, trùm lên trắng xóa ngôi nhà người cựu binh già thương tật, câu chuyện về hành trình đi tìm đồng đội của ông Luật cứ nối dài như không có hồi kết. Lúc chia tay, ông Luật tiễn chúng tôi ra tận cổng, ánh mắt ưu tư: “Nhiệt huyết trong người lính như ngọn lửa cháy mãi chẳng bao giờ tắt. Chú chỉ ước một ngày nào đó, tất cả những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước được tìm thấy, trở về vòng tay người thân. Nhưng, cuộc sống còn quá nhiều lo toan, vất vả, trong khi sức khỏe ngày càng kém đi…”.

“Việc tìm kiếm thông tin và quy tập liệt sĩ là việc làm khó khăn, tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Mặc dù không có kinh phí hỗ trợ, gia đình còn khó khăn, nhưng anh Luật và các đồng đội, bằng tình yêu thương, trách nhiệm với đồng đội, với người thân của các liệt sĩ, đã không quản nắng mưa, sức khỏe, ngày đêm tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ. Thực sự chúng tôi rất trân trọng”, Đại tá Bùi Phó Vĩnh, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất