Nhằm phát triển nuôi vịt biển tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thực hiện Dự án phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh.
Xuất phát từ nguyện vọng của người dân vùng đồng bằng xã Hải Quế (huyện Hải Lăng), Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị và Trạm Khuyến nông huyện Hải Lăng đã khảo sát thực tế các hộ dân có nhu cầu tại xã Hải Quế, là địa bàn vùng trũng của huyện Hải Lăng để triển khai mô hình trình diễn.
Vịt biển trong mô hình được nuôi theo hướng thịt với quy mô 5.300 con, 10 hộ tham gia, mỗi hộ nuôi 530 con. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn, vacxin và thuốc sát trùng, 50% kinh phí còn lại do các hộ đối ứng.
Ông Trần Lương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hải Lăng cho biết, giống đưa vào mô hình là vịt biển 1 ngày tuổi, được ấp nở tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Con giống lúc bàn giao cho các hộ đảm bảo khỏe mạnh, nhanh nhẹn, độ đồng đều cao. Thức ăn là loại chuyên dụng dành cho chăn nuôi vịt, gồm 2 giai đoạn phát triển đúng yêu cầu của mô hình đề ra. Trong đó thức ăn giai đoạn 1 có hàm lượng đạm 21%, giai đoạn 2 với độ đạm 17%.
Tham gia mô hình, các hộ còn được Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn, chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho vịt biển, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học...
Qua quá trình nuôi cho thấy vịt biển dễ nuôi, có khả năng thích nghi cao với nhiều phương thức nuôi khác nhau, có thể uống được nước nhiều nguồn khác nhau và tìm kiếm, sử dụng thức ăn từ thiên nhiên như cá, ốc… với số lượng nhiều mà không bị tiêu chảy. So với một số giống vịt nuôi phổ biến tại Quảng Trị có cùng độ tuổi, giống vịt biển có khả năng tăng trọng nhanh hơn, kháng bệnh cao hơn.
Bà Vương Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên cho biết, đây là giống vịt do Trung tâm chọn tạo và đã được công nhận là một tiến bộ kỹ thuật từ năm 2014. Vịt có khả năng thích nghi rộng trong điều kiện nước lợ, nước mặn, thích hợp với các vùng ven biển và vùng biển đảo. Ngoài ra, vịt còn có thể nuôi trong điều kiện nước ngọt theo nhiều phương thức khác nhau như nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt...
So với các giống vịt địa phương cùng thời gian nuôi, vịt biển có khả năng tăng trọng nhanh, sức đề kháng cao hơn, ít bệnh. Thịt của vịt biển nạc dày, ít mỡ nên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Sau 70 ngày nuôi, tỷ lệ vịt biển nuôi sống trung bình toàn đàn đạt 97,21%. Khối lượng khi xuất chuồng trung bình cho 10 hộ đạt hơn 2,8kg/con/70 ngày nuôi.
Trong 10 hộ nuôi có nhiều hộ đạt và vượt trọng lượng trung bình theo yêu cầu của mô hình. Kết quả này cũng cho thấy tốc độ tăng trọng của vịt biển tại mô hình ở Quảng Trị rất tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện chăn nuôi tại các hộ dân trên địa bàn Quảng Trị. Với giá bán vịt 35.000 đồng/kg, hoạch toán sơ bộ hiệu quả kinh tế của mô hình vịt biển thương phẩm thu lãi trung bình trên 10 triệu đồng/hộ.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: Trong 3 năm (2020 - 2022) triển khai dự án “Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học”, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng 30 mô hình cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh với 14.000 con vịt biển. Qua quá trình theo dõi cho thấy các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu kỹ thuật đề ra, mô hình phù hợp với nhiều hộ dân sống tại vùng ven biển.