| Hotline: 0983.970.780

Nuôi 600 con chim câu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm

Thứ Hai 18/09/2023 , 19:21 (GMT+7)

Từ sự cần cù ham học hỏi, chị Nguyễn Thị Phương ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình thành công với mô hình nuôi chim câu, mang lại nguồn thu nhập ổn định

Phát triển nghề nuôi chim bồ câu đã giúp gia đình chị Phương có thu nhập cao và ổn định. Ảnh: T. Phùng.

Phát triển nghề nuôi chim bồ câu đã giúp gia đình chị Phương có thu nhập cao và ổn định. Ảnh: T. Phùng.

Chị Nguyễn Thị Phương nhớ lại, mỗi lần ra chợ, chị thường để ý đến chỗ người ta thường bán chim câu non và học hỏi. Những người bán bày cho chị cách nuôi và cho chị biết chim câu non luôn trong tình trang "cháy hàng". Từ đó, chị Phương nung nấu ý chí phát triển nghề nuôi chim câu để có thu nhập.

Ban đầu, chị Phương đầu tư trại nuôi nằm ngay trong vườn nhà. Chuồng nuôi chim được thiết kế thành từng chuồng nhỏ để tiết kiệm diện tích.

Những ngày đầu, vì chưa có kinh nghiệm nuôi và lưng vốn còn khiêm tốn nên chị Phương chỉ mua 30 cặp chim câu giống về nuôi. Thức ăn cho chim chủ yếu là lúa, gạo mà gia đình sản xuất ra. Quá trình nuôi, chị dành nhiều thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, bệnh có thể phát sinh trên đàn chim này.

Chị Phương bộc bạch: "Ban đầu tôi cũng lo lắng lắm do chim bồ câu là loại nuôi thả tự do, tự kiếm mồi và xây tổ. Bây giờ mình nuôi theo phương pháp nhốt chuồng chim cũng khó thích nghi. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc tốt nên ba tháng sau, đàn bồ câu không bị hao hụt, sinh trưởng tốt và sinh sản lứa đầu tiên”.

Khi đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi và thị trường tiêu thụ, chị Phương vay thêm nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh để mở rộng quy mô chuồng trại, mua sắm trang thiết bị phục vụ quá trình nuôi quy mô hơn và không ngừng nhân rộng lên vài trăm con mỗi năm.

“Chim bồ câu có đặc tính hiền lành, dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, lại có đầu ra ổn định. Quá trình chăm sóc bồ câu rất đơn giản và không mất nhiều thời gian. Một ngày chỉ cho chim ăn một lần, nguồn nước làm tự động, chim tự sà xuống uống. Điều đặc biệt, chim bồ câu tự đẻ trứng, tự ấp và chăm sóc con, người nuôi không phải làm bất cứ điều gì trong quá trình nhân giống”, chị Phương chia sẻ.

Từ 30 cặp chim câu ban đầu, đến nay chị Phương đã xây dựng được 5 chuồng nuôi chim với tổng đàn trên 600 con. Cứ hai chim câu gồm trống và mái được ở chung một ngăn chuồng nhỏ. Điều đáng nói là chị Phương chỉ mất tiền mua con giống ban đầu, còn lại chị tự nhân đàn để nuôi các lứa tiếp theo, nhờ đó tiết kiệm nhiều chi phí và công sức.

Chị Nguyễn Thị Phương kiểm tra chim bồ câu nuôi tại chuồng. Ảnh: T. Phùng.

Chị Nguyễn Thị Phương kiểm tra chim bồ câu nuôi tại chuồng. Ảnh: T. Phùng.

Theo chị Phương, giống chim câu đang nuôi là bồ câu ta. So với chim bồ câu lai chim câu ta nhỏ và nhẹ hơn nhưng lại sinh sản tốt hơn. Một chim câu mẹ nuôi sau ba tháng bắt đầu đẻ hai trứng và ấp nở hai con, chim non sau một tháng có thể xuất bán. Mỗi năm, một cặp bồ câu bố mẹ sẽ cho ra từ 10 - 12 lứa bồ câu con (2 con/lứa).

“Khách hàng rất ưa chuộng chim bồ câu mới ra ràng nên chỉ cần nuôi bồ câu con trong một khoảng thời gian ngắn là có thể xuất bán. Trung bình mỗi tháng tôi xuất bán hơn 200 con chim bồ câu cho các thương lái trên địa bàn, giá ổn định từ 80.000 - 100.000 đồng/cặp”, chị Phương chia sẻ.

Bên cạnh bán chim bồ câu thương phẩm, chị còn bán bồ câu giống cho người dân trên địa bàn và các xã lân cận. Nhờ nuôi chim bồ câu đã giúp gia đình chị Phương có thêm nguồn thu nhập ổn định với doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm.

Định hướng tới, chị Phương sẽ làm thêm chuồng nuôi và nâng tổng đàn chim câu lên khoảng 1.000 con (500 cặp). Theo chị Phương, người nuôi chim câu cần lưu ý chọn những con bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi là dễ nuôi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi phải luôn thông thoáng, sạch sẽ, có ổ cho chim mái đẻ trứng và phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại.

“Thức ăn của chim chủ yếu là lúa gạo. Trong quá trình nuôi chim, tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng mà có chế độ ăn khác nhau, nếu chim trong thời kỳ sinh sản cần cho ăn thêm thức ăn công nghiệp, nhằm bổ sung khoáng chất và vitamin”, chị Phương chia sẻ kinh nghiệm

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.