| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển - Cộng đồng phải thay đổi để thích ứng: [Bài 5] Người nuôi phải giảm mật độ lồng bè

Thứ Sáu 09/09/2022 , 14:14 (GMT+7)

Trước thực trạng môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng suy giảm, người nuôi cần tuân thủ nuôi theo quy hoạch, giảm mật độ nuôi, cùng với đó chung tay bảo vệ môi trường.

Phải giảm mật độ lồng nuôi ngoài quy hoạch

Theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, để vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè phát triển bền vững, người nuôi phải tuân thủ quy hoạch, giảm mật độ lồng bè theo đúng sức tải của môi trường đầm, vịnh.

z3700178920692_415e49897a897aa45e89cde7c376e436

Người nuôi phải tuân thủ nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, giảm mật độ lồng bè. Ảnh: KS.

Trong thời gian chờ tích hợp nội dung quy hoạch nuôi trồng thủy sản vào quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo ông Én, tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương về hướng dẫn khu vực nuôi trồng thủy sản để hướng dẫn người nuôi.

Theo đó, đối với khu vực vịnh Vân Phong (Vạn Ninh) với tổng diện tích 350 ha. Trong đó tại xã Vạn Hưng (vùng A-120 ha), thị trấn Vạn Giã (vùng B-50 ha), xã Vạn Thạnh (vùng C-60 ha, vùng D-120 ha). Ngoài ra, các vị trí được Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cấp phép cho các tổ chức thực hiện nuôi trồng thủy sản trên vịnh có diện tích khoảng 800 ha. Các vị trí này được đề xuất nằm trong khu vực biển nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Còn tại khu vực tại đầm Nha Phu (TX Ninh Hòa) thì các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung gồm xã Ninh Ích (vùng A-40 ha, vùng B-20 ha), xã Ninh Vân (vùng C-26 ha).

Trên vịnh Nha Trang, khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung tại phường Vĩnh Nguyên gồm Bích Đầm (vùng B-6ha), vùng giao giữa Đầm Bấy và Bích Đầm (vùng C-50 ha); còn khu vực Trí Nguyên vùng A-13ha. Khu vực tại vịnh Cam Ranh tại Bình Hưng, xã Cam Bình với diện tích nuôi trồng thủy sản 27 ha và 230 ha vùng mặt nước phía đông xã Cam Lập.

Cùng quan điểm với ông Én, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho rằng, để môi trường vùng nuôi cải thiện, nuôi thủy sản lồng bè được được bền vững chỉ có cách giảm dần lồng bè xuống để đảm bảo sức tải môi trường.

Trong kết luận 360 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên vào ngày 22/11/2019 cũng đã yêu cầu các địa phương sắp xếp lại lồng bè theo đúng ngưỡng môi trường và quy hoạch. Tuy nhiên theo ông Phương, thời gian qua các vùng nuôi trong địa phương chưa thấy chuyển biến được nhiều. Các địa phương chỉ mới ra văn bản chỉ đạo điều hành, còn việc triển khai thực tế trên hiện trường chưa chuyến biến, thậm chí có nơi phát sinh nhiều lồng bè, ao đìa hơn.

Empty

Để môi trường cải thiện, người nuôi phải giảm dần lồng bè xuống để đảm bảo sức tải môi trường. Ảnh: KS

Do đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo cấp ủy địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn các cấp chính quyền triển khai thực hiện những chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Được biết, vào tháng 5/2022, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Thị ủy Đông Hòa, Thị ủy Sông Cầu, Huyện ủy Tuy An chỉ đạo UBND cùng cấp tiếp tục rà soát, thực hiện dứt điểm các nội dung và các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 25/02/2020 và Kế hoạch 190/KH-UBND ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh, Kết luận số 360-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2018.

Trong đó yêu cầu các địa phương thực hiện giao mặt biển để nuôi trồng thủy sản theo Nghị định 11/2001/NĐ-CP, quản lý nghiêm, không để tăng thêm lồng bè, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là những bất cập về giao quyền sử dụng đất, mặt nước, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; xây dựng phương án hỗ trợ di dời (nếu có), phương án chuyển đổi nghề cho các hộ bị ảnh hưởng, xử lý các hộ vi phạm…quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản theo đúng kế hoạch…

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên: “Trước mắt, địa phương sẽ sắp xếp 10 vùng nuôi trên diện tích 747 ha tại vịnh Xuân Đài cho khoảng 43.000 lồng truyền thống. Còn lâu dài địa phương sẽ chuyển lồng nuôi truyền thống sang lồng vật liệu mới để đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo môi trường; đồng thời giảm số lồng còn khoảng 20.000, kích thước 45 - 50m3/lồng”.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Theo người nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), trong bối cảnh nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm, điều cần làm trước mắt là người nuôi phải tự ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước nuôi.

Empty

Người nuôi cần nâng cao nhận thức không vứt rác sinh hoạt xuống biển và thu gom thức ăn dư thừa vào bờ xử lý. Ảnh: KS.

Thực tế lâu nay cho thấy, mỗi buổi sáng, người nuôi nào cũng lặn xuống biển để làm vệ sinh cho từng lồng nuôi của mình. Chất thải gom lại từ những lồng nuôi có người cho lên ghe, chở vào bờ để tiêu hủy. Thế nhưng cũng có người gom chất thải được thu gom từ những lồng nuôi của mình đổ lại xuống biển, chỉ cần đổ tránh xa vùng nuôi tôm của mình là được. Chất thải ấy tồn lưu mỗi ngày mỗi ít, nguồn nước nuôi không bị ô nhiễm mới là chuyện lạ.

“Vào mùa nắng, nước trong vịnh Xuân Đài sình lên đục ngầu, bùn cặn cáu bẩn nổi lềnh bềnh trông ghê lắm, nguồn nước nuôi bị ô nhiễm đến kinh hoàng như thế này khiến lồng nuôi nhanh dơ. Lồng tôm dơ do thức ăn tồn đọng của tôm của mình thì ít, mà do thức ăn thừa người nuôi khác thu gọm đổ lại xuống biển gây ra mới nhiều, cứ như vậy hỏi sao lũ tôm sống nổi”, anh Nguyễn Văn Vững, người nuôi tôm ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) nói.

Còn ông Phạm Ngọc Luyện, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, toàn huyện có khoảng 1.240 hộ đang nuôi trồng thủy sản lồng bè, với 38.600 ô lồng đang nuôi tôm hùm, cá biển các loại như cá mú, cá bớp, cá chim…Ngành nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn phát triển mạnh mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân, tuy nhiên số lượng lồng nuôi rất lớn, tập trung với mật độ dày làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm cá và tác động không nhỏ đến môi trường nước.

Empty

Nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Lượng thức ăn dư thừa và các loại rác thải của các ngư dân nuôi trồng thủy sản trên biển vẫn chưa được thu gom, xử lý triệt để, vẫn còn tình trạng vứt thẳng xuống biển, do đó nguy cơ làm nhiễm môi trường nước là rất lớn.

Để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường nuôi cũng như sản lượng, chất lượng tôm, cá, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương ven biển chủ động xây dựng phương án thu gom, xử lý rác thải trong hoạt động nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo theo quy định của pháp luật. Điển hình như tại xã Vạn Thạnh đã vận động xã hội hóa doanh nghiệp tham gia và việc thu gom xử lý rác thải của các người nuôi lồng bè trên biển.

Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh Lê Hoàng Vương, việc thu gom thức ăn dư thừa, rác sinh hoạt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết, nhằm bảo vệ môi trường về sau cũng như hướng tới phát triển thủy sản bền vững. Bước đầu mô hình trên địa bàn xã đã được nhiều bà con hưởng ứng, tuy nhiên vẫn còn một số bà con chưa tham gia. Do đó, sắp tới địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tham gia, để bảo vệ môi trường nuôi chung được tốt hơn.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.