| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển - Cộng đồng phải thay đổi để thích ứng: [Bài 3] Nuôi biển thiếu bền vững vì hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ

Thứ Tư 07/09/2022 , 06:56 (GMT+7)

Một vấn đề nữa trong nuôi thủy sản lồng bè ở các tỉnh Nam Trung bộ là cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển ở còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ.

Hạ tầng nuôi biển chưa được đầu tư

Việc phát triển nuôi trồng thủy sản thời gian qua tại các tỉnh Nam Trung bộ đã giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế; góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển. Cũng như giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của người dân và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên nghề nuôi biển ở nước ta nói chung, các tỉnh Nam Trung bộ nói riêng hiện còn mang tính tự phát, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế vốn có. Trong đó việc đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi biển còn dàn trải, thiếu đồng bộ, thậm chí chưa được đầu tư.

Empty

Lồng bè nuôi trồng thủy sản ở Đầm Môn đơn sơ, nuôi gần bờ. Ảnh: KS.

Ghi nhận chúng tôi tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, nơi nuôi trồng thủy sản lồng bè rất sôi động, số lượng lồng bè nuôi nơi đây cũng thuộc nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa. Theo ông Lê Hoàng Vương, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), hiện toàn xã có trên 27.000 ô lồng chủ yếu nuôi tôm hùm, cá biển, với 820 hộ nuôi bao gồm tất cả người nuôi trong và ngoài xã.

Theo ghi nhận chúng tôi, để phục vụ nuôi trồng thủy sản, ngư dân sử dụng cảng Đầm Môn (cảng dân sinh) là nơi tàu công suất nhỏ cập bến tiếp nhận vận chuyển thức ăn tươi nào là cá, cua, ghẹ, sò ra bè đang thả tôm, cá cho ăn. Cơ sở hạ tầng cảng này rất nhếch nhách, không có hệ thống thu gom nước thải, xung quanh rác thải rất nhiều.

Cũng từ cảng này mọi người đã nhìn thấy lồng bè nằm san sát gần bờ. Các lồng bè hầu như làm bằng gỗ, tre rất thô sơ. Người nuôi công nghệ, chăm sóc đơn giản, thức ăn là cá tạp dẫn đến chi phí cao, hiệu quả kinh tế thấp, khó kiểm soát soát dịch bệnh, môi trường.

nuôi biển (1)

Người nuôi lồng bè ở Đầm Môn sử dụng cảng dân sinh để cập tàu chở thức ăn tươi phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

Theo người nuôi, thức ăn tươi phục vụ cho thủy sản nuôi ngày càng khan hiếm nên giá tăng cao gần gấp đôi so với trước đây, thấp nhất từ 12-15 ngàn đồng/kg, riêng thức ăn cua từ 20-30 ngàn đồng/kg. Vì vậy khi nuôi với tỷ lệ hao hụt cao từ 40-50%, giá bán thấp dưới 1,5 triệu đồng/kg (tôm hùm bông) rất dễ thua lỗ. Mặt khác tại vùng nuôi nơi đây, chúng tôi thấy rất nhiều tàu khai thác thủy sản chạy qua lại. Cùng với đó hiện vùng nuôi cũng chưa được đầu tư hệ thống phao tiêu, biển báo.

Theo báo cáo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hiện hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông trên biển tại Khánh Hòa đã được hình thành nhưng các hệ thống đó chủ yếu hoạt động giao thông biển, chưa có các hệ thống phục vụ riêng cho nuôi biển.

Giải thích vấn đề cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi chưa được đầu tư, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, thời gian qua nuôi trồng thủy sản lồng bè của người dân trên địa bàn mang tính tự phát nên chưa được đầu tư. Hơn nữa trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu, lồng bè cũng đơn giản, sơ sài, rất dễ gặp rủi ro do thiên tai. Do đó về lâu dài, sau khi tỉnh có quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản chi tiết, địa phương sẽ có phương án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển.

Tương tự tại tỉnh Phú Yên, nơi được mệnh danh “phủ phủ” tôm hùm. Năm 2021, tổng sản lượng tôm hùm tỉnh này thu hoạch đạt 1.500 tấn. Những tháng trong năm 2022, theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh thả nuôi 96.114 lồng tôm hùm, trong đó thị xã Sông Cầu 64.985 lồng, huyện Tuy An 14.650 lồng, huyện Đông Hòa 16.479 lồng.

bè nuôi tôm hùm chật kín vịnh Xuân Đài

Hiện hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi biển ở Phú Yên còn nhiều hạn chế. Ảnh: KS.

Điều đáng nói mặc dù nuôi trồng thủy sản tỉnh này rất phát triển, song cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển chưa tương xứng. Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, hiện hạ tầng vùng nuôi trên địa bàn chưa được đầu tư, chưa có hệ thống kho, cảng trên bờ phục vụ nuôi biển và cũng chưa bố trí mặt bằng để thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè.

Về thức ăn cho các đối tượng nuôi biển hiện chủ yếu dùng thức ăn tươi được đánh bắt từ các vùng biển Phú Yên và thu mua từ các tỉnh ven biển cả nước thông qua các chủ nậu, doanh nghiệp. Còn thức ăn công nghiệp chủ yếu nhập từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài. Trong tỉnh chưa có cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi biển.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản nhưng hầu hết thu mua và chế biến cá ngừ, tôm thẻ chân trắng và các loại cá biển khai thác để phục vụ xuất khẩu. Tỉnh này hiện cũng chưa có nhà máy thu mua chế biến xuất khẩu tôm hùm và cá biển nuôi. Tôm hùm phần lớn được bán cho các chủ nậu thu mua và xuất bán trực tiếp cho thị trường Trung Quốc. Cá biển và các loài thủy sản nuôi biển khác chủ yếu được bán cho thị trường trong nước.

Về lâu dài, để phục vụ nuôi biển, tỉnh sẽ đề xuất đầu tư dự án đầu tư hạ tầng hỗ trợ nuôi biển tại thị xã Sông Cầu và dự án đầu tư hạ tầng trợ hỗ trợ nuôi biển tại huyện Tuy An.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện tỉnh có 3 vùng sản xuất giống tập trung với tổng diện tích 61ha; sản lượng ước đạt 3,1 tỷ con giống thủy sản các loại/năm. Năm 2021, tỉnh đã bổ sung, đưa vào sử dụng Trung tâm giống thủy sản tỉnh tại xã An Hòa Hải huyện Tuy An, diện tích 8 ha công suất 170 triệu giống thủy sản các loại/năm. Giống sản xuất chủ yếu là tôm nước lợ (tôm thẻ), cua, một số ít sản xuất cá biển (ấp nở trứng và ương ấu trùng).

Nuôi trồng thủy sản chủ yếu tự phát

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, do đặc điểm tự nhiên vùng biển của Bình Định là vùng biển hở, không kín gió, bị ảnh hưởng nhiều gió bão, nên không thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo kiểu lồng, bè như ở Phú Yên, Khánh Hòa.

Nuôi trồng thủy sản trên biển theo kiểu lồng, bè ở Bình Định chủ yếu là do người dân tự phát, không được quy hoạch bài bản. Theo ông Nguyễn Lại (58 tuổi), trước đây, ông cùng 1 người anh là ông Bùi Văn Hướng (61 tuổi) rủ nhau qua Hải Minh đầu tư 200 triệu đồng mua cây ván đóng lồng, bè trên 150m2 diện tích mặt nước và mua lưới, chài để nuôi cá bớp.

Hết lứa này đến lứa khác, tính đến nay, ông Lại và ông Hướng đã gắn bó với con cá bớp được 8 năm. Qua 8 năm gắn bó với cá bớp, ông Lại nhận ra 1 điều là: “Nuôi cá bớp vốn lớn, nhất là chi phí thức ăn. Rủi ro thì luôn rình rập nên vừa nuôi vừa run. Cá đang phát triển sởn sơ mà nguồn nước bị bẩn là cá ngã lăn ra chết hàng loạt”.

Empty

Nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Nam Trung bộ còn mang tính tự phát. Ảnh: KS.

Cũng theo ông Lại, nếu vùng nước nuôi sạch, trong, thì tỷ lệ hao hụt của cá giống rất thấp, thả 3.000 con giống chỉ hao hụt khoảng 300-400 con. Vào mùa mưa, nếu vừa thả cá giống mà trên nguồn có mưa, nước từ trên nguồn đổ xuống mang theo bùn đất rác rưởi sẽ khiến vùng nước nuôi trở nên đục, khi ấy nếu thả 3.000 con giống, chắc chắn chỉ còn lại khoảng 1.000 con sống sót. “Do chúng không chịu được nước bẩn nên mình phải thường xuyên vệ sinh những tấm lưới vây quanh lồng, lưới nằm dưới nước lâu ngày bị bùn các chất dơ dưới nước bám vào sẽ gây ô nhiễm vùng nước nuôi khiến cá chết”, ông Lại cho biết thêm.

Theo những người có thâm niên trong nghề nuôi biển ở Bình Định, để có thể nuôi được cá chẽm, cá hồng, cá mú, nơi đặt lồng, bè phải đáp ứng nhiều điều kiện khá ngặt nghèo; nơi đó phải là vùng eo, vịnh kín gió, sóng nhỏ, biên độ dao động của thủy triều không lớn, dòng chảy của thủy triều thấp, có độ sâu tối thiểu là 4-5 m vào lúc thủy triều xuống thấp nhất và đáy là sỏi cát chứ không có bùn đất.

Hơn thế nữa, nơi đặt lồng, bè nuôi biển phải có độ mặn của nước thích hợp, nguồn nước ít bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp, dân dụng và bến cảng… Do ngành chức năng không có quy hoạch cụ thể nên ngư dân thấy nơi nào thuận lợi việc đặt lồng, bè là nuôi, phó mặc chuyện được mất cho trời.

Một trong những giải pháp phát triển nuôi biển trong thời gian tới, theo Tổng Cục Thủy sản, cần đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu vào các vùng nuôi biển tập trung bao gồm cảng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác điều hành; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi biển. Đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cho các vùng sản xuất giống nuôi biển có tiềm năng bao gồm: hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, trạm bơm, đê bao, đường giao thông, hệ thống điện đầu mối, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi dưỡng các loài thủy sản trên biển phục vụ sản xuất giống, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác điều hành quản lý.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.