| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển - Cộng đồng phải thay đổi để thích ứng: [Bài 2] Công nghệ lồng bè nuôi biển chưa thích ứng thiên tai

Thứ Ba 06/09/2022 , 09:05 (GMT+7)

Ngoài cơ sở hạ tầng quá tải, Nam Trung bộ nằm trong vùng có tần suất thiên tai khá cao, do vậy công nghệ nuôi thủy sản bằng gỗ, tre rất dễ bị tổn thương.

Empty

Lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân Nam Trung bộ làm bằng gỗ, ghe chưa thích ứng với thiên tai, dễ bị thiệt hại bởi gió mạnh, sóng lớn. Ảnh: KS.

Lồng bè gỗ chưa thích ứng thiên tai

Khánh Hòa và Phú Yên là hai 2 địa phương được thiên nhiên ưu đãi khi có bờ biển dài, nhiều đầm, vịnh rất thích hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn hình thành từ năm 1990. Ban đầu số lượng lồng bè trên địa bàn rất ít, tuy nhiên về sau do việc thả nuôi tôm hùm mang lại hiệu quả kinh tế nên người nuôi ồ ạt thả giống.

Cũng từ đó số lượng lồng bè ngày càng tăng lên và đến nay toàn tỉnh đã có trên 75.000 ô lồng (khoảng 64.500 ô lồng nuôi tôm hùm và 9.740 lồng nuôi cá biển). Vùng nuôi lồng bè tập trung chủ yếu tại 4 địa phương Vạn Ninh, Cam Ranh, Ninh Hòa và TP Nha Trang.

Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, nghề nuôi thủy sản bằng lồng bè cũng hình thành trên 30 năm. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay tỉnh này đã phát triển khoảng hơn 1.600ha mặt nước nuôi gồm đối tượng chính như tôm hùm, cá biển…Vùng nuôi tôm hùm tập trung chủ yếu ở các đầm, vịnh kín sóng gió như Xuân Đài, Cù Mông (thị xã Sông Cầu), các vùng biển hở ven bờ tại các xã An Ninh Đông, An Hòa, An Hải và An Chấn (huyện Tuy An) và vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa)…

Tuy nhiên theo ghi nhận chúng tôi tại Phú Yên, hầu như ngư dân hiện nuôi thủy sản dựa vào kinh nghiệm. Nhưng công nghệ nuôi còn lạc hậu, cụ thể lồng nuôi làm bằng khung sắt có lưới bao quanh với kích thước khoảng 3×3m × 1,5m hoặc 4×4m, được treo vào các bè bằng gỗ, tre hoặc can, phuy nhựa.

Vật liệu bè nuôi được làm bằng tre hoặc gỗ, được giữ bởi các phuy nhựa nổi trên mặt nước. Công nghệ nuôi này dễ gây thiệt hại cho người nuôi khi bão, sóng lớn ập đến.

Ngư dân nuôi thủy sản bằng lồng bè dựa vào kinh nghiệm, công nghệ nuôi còn lạc hậu, lồng bè thô sơ. Ảnh: KS.

Ngư dân nuôi thủy sản bằng lồng bè dựa vào kinh nghiệm, công nghệ nuôi còn lạc hậu, lồng bè thô sơ. Ảnh: KS.

Tương tự tại Khánh Hòa, ngư dân nuôi biển cũng theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ. Hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ truyền thống, không chịu được sóng gió lớn, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện trên địa bàn tỉnh này có 3 đơn vị, doanh nghiệp nuôi cá biển bằng lồng HDPE công nghệ Na Uy.

Mặt khác các vùng nuôi lồng bè trên địa bàn chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh. Đa số ngư dân sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo, vì vậy độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn…

Tại diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp với chủ đề  “Phát triển nuôi cá lồng bè trên biển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu” mới đây được tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng đánh giá thách thức trong phát triển nuôi biển ở các tỉnh miền Trung là hầu hết có quy mô nhỏ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, nuôi ở vùng ven bờ và còn quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển. Đặc biệt với lồng bè nuôi hiện nay chủ yếu làm bằng gỗ, tre nên chỉ cần gió cấp 7 đã gây thiệt hại, chứ không nói đến bão cấp 11 - 12.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, lồng bè truyền thống làm bằng gỗ tre của ngư dân thả nuôi thủy sản không thể thích ứng biến đối khí hậu. Vì vậy, người nuôi cần chuyển đổi sang lồng chịu được sóng, gió như lồng HDPE, để đảm bảo thủy sản nuôi tránh thiệt hại kinh tế.

Thực tế từ những cơn bão đã gây thiệt hại cho người nuôi

Minh chứng về rủi ro khi nuôi thủy sản bằng lồng bè gỗ khi người nuôi tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 vào năm 2017 gây ra. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, cơn bão này toàn tỉnh có gần 90.000m3 lồng bị thiệt hại với hơn 788.000 con tôm thương phẩm và gần 22.000 con tôm hùm ương bị thiệt hại, tổng giá trị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Empty

Lồng bè nuôi trồng thủy sản bị sóng lớn đánh tan tành ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Còn tại Khánh Hòa, cơn bão này với sức gió cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn đã đánh tan tành lồng bè gỗ nuôi tôm, cá của người dân. Cơn bão đã gây thiệt hại cho tỉnh hơn 16.500 tỷ đồng, trong đó nuôi trồng thủy sản thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng.

Khu vực nuôi thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, nơi tâm bão đi qua là nơi thiệt hại nặng nề nhất, do những năm qua người dân phát triển nuôi thủy sản bằng lồng bè bằng nguyên liệu thô sơ như tre, gỗ, sắt thép, với kích thước nhỏ (thể tích 96 - 125 m3/lồng).

Nhược điểm các loại lồng này chỉ nuôi được ở các vùng có dòng chảy chậm, ít sóng gió; thời gian sử dụng tương đối ngắn (khoảng 5 năm) nên hiệu quả đầu tư không cao, sức chống chịu kém khi có bão.

Từng trả lời với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Ngọc Luyện, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, cho biết khi bão số 12 đổ bộ khoảng 50.000 ô lồng nuôi thủy sản của người dân bị thiệt hại, tương đương giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng. Bởi gió, sóng biển đánh tan nát, cá tôm trôi theo bọt nước.

Empty

Ngư dân nuôi trồng thủy sản ở Bình Hưng khóc ròng vì không còn lồng bè nào nguyên vẹn. Ảnh: KS.

Tiếp đến cuối năm 2021, người nuôi trồng thủy sản lồng bè bằng gỗ ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng cơn bão số 9 gây nên.

Chứng kiến cơn bão này gây ra cho người nuôi trồng thủy sản nơi đây, chúng tôi không khỏi xót xa bởi toàn bộ lồng bè bị sóng lùa co cụm lại như đống củi. Nhiều cây gỗ dùng làm khung bè bị bẽ gãy đôi nằm la liệt, còn các thùng nhựa dùng làm phao bè trôi nổi nằm ngổn ngang trên mặt biển. Người nuôi ở đảo Bình Hưng chạy khắp nơi tìm bè của mình đỏ mắt vì không còn cái bè nào nguyên vẹn để nhận ra.

Theo báo cáo của UBND xã Cam Bình, cơn bão số 9 đã làm 2.472 lồng, trong đó 573 lồng nuôi tôm hùm bông và 1.899 lồng nuôi tôm hùm xanh trên địa bàn thôn Bình Hưng bị thiệt hại. Bên cạnh đó 82 bè bị hư hỏng với mức độ từ 20% đến 100%; 2 ghe và 1 cano bị chìm, tổng ước thiệt hại do cơn bão này gây ra khoảng 384 tỷ đồng.

Empty

Trước thách thức biến đổi khí hậu, ngư dân nuôi trồng thủy sản phải thích ứng thay đổi lồng nuôi để thích ứng thiên tai, tránh thiệt hại. Ảnh: KS.

Theo người nuôi nơi đây, họ không ngờ cuối năm rồi mà lại xuất hiện cơn sóng dữ bất thường đã lùa toàn lồng nuôi tôm hùm, cá biển đều đến thời kỳ xuất bán trôi theo bọt nước. Trong khi đó những người nuôi nơi đây đều vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm, cá, chẳng biết làm sao để gây dựng lại để trả nợ.

Vì vậy, trước thách thức biến đổi khí hậu, bão, sóng lớn, gió mạnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường nên ngư dân nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng bè gỗ truyền thống thường xuyên phải hứng chịu rủi ro và dễ bị thiệt hại kinh tếDo đó buộc ngư dân cần phải thay đổi phương thức nuôi để vừa thích ứng biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, cũng như giúp nghề nuôi phát triển lâu dài và bền vững.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, tỉnh Phú Yên đã xảy ra mưa gió bất thường đã khiến 2.450 lồng/790.000 con tôm hùm ươm nuôi của ngư dân tỉnh này bị hư hỏng, trôi dạt. Vì vậy, việc nghiên cứu lồng bè vật liệu mới chịu đựng được gió, bão để thích ứng với thiên tai là cần thiết.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.