| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh quan tâm phát triển loài thủy sản giá trị cao

Thứ Tư 16/03/2022 , 09:51 (GMT+7)

Quảng Ninh xác định tôm là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực của địa phương. Những năm qua, diện tích, giá trị, sản lượng tôm nuôi của tỉnh không ngừng tăng mạnh.

Con tôm là mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế 

Quảng Ninh hiện có gần 7.000ha tôm nuôi, trong đó có khoảng 4.000ha nuôi tôm công nghiệp. Tỉnh cũng thuộc nhóm các địa phương khu vực phía Bắc có diện tích nuôi tôm lớn.

Các mô hình nuôi tôm công nghiệp là nuôi theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh hoặc siêu thâm canh, có áp dụng công nghệ, năng suất tăng cao hơn hẳn so với mô hình nuôi tôm quảng canh thông thường. Tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh năm 2021 đạt trên 14.000 tấn, giá trị khoảng 1.400 tỷ.

Người dân huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thu hoạch tôm. Ảnh: Huy Bình.

Người dân huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thu hoạch tôm. Ảnh: Huy Bình.

Trong tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh, Quảng Ninh lựa chọn con tôm làm mũi nhọn đột phá. Để đạt được mục tiêu này, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, giải pháp để tăng sản lượng, giá trị cho con tôm nuôi trên địa bàn tỉnh là thay đổi và làm chủ công nghệ nuôi, từ khâu giống đầu vào, quy trình sản xuất, đầu ra cho sản phẩm, cho đến việc sản xuất có liên kết, đi sâu vào những mô hình nuôi tôm vụ đông, nuôi tôm trong nhà, nuôi tôm nhiều giai đoạn.

Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2022, ngành nông nghiệp đang tham mưu tỉnh tổ chức hội nghị phát triển nuôi tôm ở Quảng Ninh trong tháng 3 này. Hội nghị sẽ có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, người nuôi, cung ứng vật tư đầu vào, nhà chế biến tôm xuất khẩu...

Thông qua hội nghị, người sản xuất sẽ được tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh; tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất; đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong quản lý, chăm sóc tôm nuôi.

Những năm gần đây, việc nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chuyển dần từ phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức bán thâm canh, thâm canh. Các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn... được áp dụng rộng rãi. Một số cơ sở đã áp dụng nuôi tôm trong nhà màng đem lại hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều. 

Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, năm 2017, tỉnh phê duyệt dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà, do Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh làm chủ đầu tư, nhằm chủ động cung ứng con giống chất lượng cao, diện tích gần 170ha.

Từ năm 2019, Công ty hoàn thiện giai đoạn I của dự án, gồm khu sản xuất tôm giống công suất 8 tỷ con/năm; khu nhà sản xuất tảo, Artemia và phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất con giống tại Quảng Ninh. Từ năm 2022, các trại giống của Công ty sẽ sản xuất 2 tỷ con giống trở lên/năm.

Nhằm nâng cao giá trị của con tôm và ngành tôm, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị ngành tôm, từ sản xuất cung ứng giống, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi.

Phát triển nuôi tôm trái vụ

Với phần lớn các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, mùa đông là thời gian để ao đầm được “nghỉ ngơi”, bởi thời tiết giá lạnh kéo dài khiến con tôm sinh trưởng kém, nhiệt độ xuống thấp trong nhiều tháng khiến tôm hạn chế bơi lội, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm.

Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn tác động đến nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm trong nước... làm con tôm khó thích nghi, miễn dịch giảm, nên rất dễ bị nhiễm bệnh, thậm chí chết hàng loạt. Do đó, nuôi tôm vụ đông tiềm tàng nhiều rủi ro, thiệt hại.

Tuy nhiên, với những tiến bộ đáng kể của kỹ thuật, công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản và tiềm năng của con tôm giống chịu lạnh sắp được đưa ra thị trường, sản xuất vụ đông hứa hẹn một hướng đi hiệu quả.

Nhiều mô hình nuôi tôm che bạt, áp dụng công nghệ cao để quản lý môi trường nước, giúp tăng giá trị và sản lượng tôm. Ảnh: Huy Bình.

Nhiều mô hình nuôi tôm che bạt, áp dụng công nghệ cao để quản lý môi trường nước, giúp tăng giá trị và sản lượng tôm. Ảnh: Huy Bình.

Thời gian gần đây, nhiều trang trại nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp quản lý, kiểm soát việc nuôi tôm vụ đông khá hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh đã có một số đơn vị, cá nhân thực hiện thành công mô hình nuôi tôm trong nhà che bạt, áp dụng công nghệ cao để quản lý môi trường nước. Qua đó giúp chủ động kiểm soát nhiệt độ ổn định, tránh được thời tiết bất lợi tác động đến pH, độ mặn, gây phân tầng nước trong ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh cho con tôm.

Bằng những giải pháp sản xuất hiệu quả trong vụ đông, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh sẽ duy trì hoạt động hiệu quả xuyên suốt cả năm thay vì phải “nghỉ đông”, tiết kiệm một phần chi phí đầu tư. Nguồn lao động và thu nhập quanh năm cho trang trại cũng sẽ được đảm bảo ổn định; dự kiến nâng cao hơn nữa sản lượng, giá trị ngành hàng tôm của tỉnh.

Theo những người trong nghề, tôm vụ đông mang giá trị lớn do sản lượng tôm sản xuất đại trà giảm; đặc biệt, thời điểm thu hoạch vào dịp trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán, nhu cầu của thị trường tăng, người nuôi tôm bán hàng được giá.

Nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh nhận thấy hiệu quả từ nuôi tôm vụ đông, nhất là về giá bán, có khi gấp đôi so với chính vụ; ít phải cạnh tranh do sản lượng tôm nuôi vụ này không nhiều; ít áp lực về dịch bệnh do khu vực xung quanh ít nuôi thả.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, kỹ thuật canh tác tôm vụ đông tương đối khó, tuy nhiên người nuôi hoàn toàn có thể thành công nếu được đầu tư về công nghệ, thiết bị, làm chủ về nhiệt độ nuôi cho con tôm.

Đặc biệt, thời gian qua, Quảng Ninh đã thành công sản xuất tôm giống chất lượng cao, tiến tới cho ra đời tôm giống chịu lạnh. Nhiều địa phương đã dành diện tích cho con tôm, trong đó xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm hiện đại, công nghệ cao, đặc biệt là việc đầu tư cho nuôi tôm vụ đông.

Nuôi tôm vụ đông là một trong những giải pháp quan trọng ngành NN-PTNT tỉnh triển khai nhằm đạt mục tiêu đưa sản lượng tôm nuôi năm 2022 lên 25.000 tấn, chiếm 25% tổng sản lượng và 50 giá trị NTTS toàn tỉnh. Đây cũng là chiến lược nằm trong kịch bản tạo đột phá về tăng trưởng cho ngành nông nghiệp Quảng Ninh 2022 đạt mục tiêu 4,5% đề ra.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.