| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển trước thách thức biến đổi khí hậu [Bài 2] Hết lo bão nhờ lồng HDPE

Thứ Ba 26/04/2022 , 08:33 (GMT+7)

Những nông hộ nuôi biển đã tiếp cận lồng nuôi HDPE kiểu Na Uy thay thế cho lồng bằng gỗ truyền thống giúp họ giải quyết nỗi lo khi nghe tin bão đổ bộ.

Lời giải cho bài toàn mưa bão

Từ cơn bão số 12 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho người nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng bè gỗ ở Khánh Hòa, trong khi thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, gió bão xảy ra thường xuyên hơn. Vấn đề trăn trở là làm sao giúp người nuôi thay đổi phương thức sản xuất mới để vừa thích ứng thiên tai, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế hiệu quả.

Mô hình lồng nuôi HDPE và lồng bằng gỗ truyền thống. Ảnh: KS.

Mô hình lồng nuôi HDPE và lồng bằng gỗ truyền thống. Ảnh: KS.

Trước trăn trở này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã nghiên cứu, đặt vấn đề và được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi biển cá giò (hay gọi cá bớp) bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy” trên địa bàn tỉnh.

Dự án trên được triển khai từ năm 2020 và kết thúc vào năm 2022, với quy mô 6 lồng nuôi HDPE. Trong đó, năm 2020 mô hình đã xây dựng 1 lồng, năm 2021 xây dựng 2 lồng và năm 2022 này sẽ triển khai 3 lồng. Từ đó có cơ sở giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong và người nuôi toàn tỉnh học tập, thay đổi phương thức nuôi biển từ lồng truyền thống bằng gỗ sang lồng HDPE.

Mô hình nuôi cá bớp bằng lồng HPDE triển khai trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: LK.

Mô hình nuôi cá bớp bằng lồng HPDE triển khai trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: LK.

Sau 2 năm triển khai, chúng tôi ghi nhận tại khu vực nuôi Bãi Tranh, thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nơi những lồng tròn HDPE được người nuôi áp dụng mang lại hiệu quả tích cực.

Là người nuôi trồng thủy sản có thâm niên hơn 20 năm cũng là hộ bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 gây ra khi mất trắng hàng chục tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) rất đồng tình khi dự án giúp nông hộ nuôi thay đổi phương thức sản xuất mới. Do đó, đầu năm năm 2020, ông đã tiên phong bỏ 30% vốn đối ứng để được nuôi thử nghiệm cá bớp trên lồng HDPE.

Từ đó đến nay, ông Hòa đã nuôi cá bớp trong lồng tròn được 2 lứa cho thu hoạch. Trong đó, lứa đầu ông thả 1.000 con, sau 7 tháng nuôi thu hoạch được 903 con, trọng lượng bình quân 5kg/con. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 giá cá hạ thấp, chỉ được thu mua 130.000 đồng/kg (PV-trung bình 150.000 đồng/kg), nhưng sau khi trừ chi phí, ông vẫn lãi khoảng 100 triệu đồng.

Còn lứa thứ 2, ông thả 3.000 con thu được 6 tấn vào cuối năm 2021, bán với giá 120 ngàn đồng/kg, ông lãi 130 triệu đồng. Hiện lứa thứ 3, ông Hòa tiếp tục thả 4.000 con cá bớp đang sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Về hiệu quả nuôi trong lồng HDPE, theo ông Hòa chia sẻ, cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt bởi nhờ lồng thông thoáng, tỷ lệ cá sống đạt từ 80 - 90%, cao hơn từ 15-20% so với lồng nuôi truyền thống. Đặc biệt, với số lượng 3.000 con cá nuôi trong lồng gỗ như trước đây phải cần 4 lao động, nay chuyển qua lồng nuôi HDPE nên chỉ cần 2 lao động là đủ.

Anh Trần Ngọc Sỹ (bên trái) cho biết, từ khi áp dụng nuôi bằng lồng HDPE anh hết lo sợ bão đổ bộ làm thiệt hại kinh tế. Ảnh: KS.

Anh Trần Ngọc Sỹ (bên trái) cho biết, từ khi áp dụng nuôi bằng lồng HDPE anh hết lo sợ bão đổ bộ làm thiệt hại kinh tế. Ảnh: KS.

Tương tự, từ năm 2021, khi anh Trần Ngọc Sỹ, ở xã Vạn Lương (Vạn Ninh) áp dụng nuôi cá bớp bằng lồng tròn HDPE cũng nhận thấy hiệu quả mang lại rất hài lòng. Theo anh Sỹ, ngoài giúp nâng tỷ lệ cá sống cao hơn 15% so với nuôi lồng gỗ việc nuôi trong lồng HDPE còn giúp quá trình nuôi hạn chế dịch bệnh đáng kể.

Trong khi đó, về kỹ thuật, nuôi cá bằng lồng HDPE không khác gì mấy so với nuôi lồng bằng gỗ. Lồng nuôi với thể tích vừa phải nên chỉ cần 2 người thao tác là được. Bởi việc chăm sóc và thu hoạch hoàn toàn bằng tay, bằng cách kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá, không cần máy móc cầu kỳ.

Đặc biệt, khi chúng tôi hỏi ông Hòa và anh Sỹ từ khi chuyển sang lồng nuôi HDPE, đến mùa mưa bão họ cho rằng, không còn lo sợ lồng nuôi bị đánh tan nát làm thiệt hại kinh tế nữa. Do đó các hộ nuôi này dự kiến sẽ nhân rộng mô hình lồng nuôi HDPE trong thời gian tới.

Lồng nuôi do Việt Nam sản xuất, giá thành giảm hơn nửa so với lồng nhập khẩu

Ông Hòa cho biết, lồng HDPE khác với lồng vuông truyền thống làm bằng gỗ, tre với kích thước 4x4m là làm từ nhựa HDPE có hình tròn, đường kính 10m, thể tích lồng 500 m3. Lồng tròn này người nuôi dễ dàng đứng lên khung lồng cũng như di chuyển xung quanh lồng, với chịu trọng tải khoảng 30 người cùng đứng lên. Đặc biệt ưu điểm vượt trội của hệ thống ống nhựa HDPE này không bị ăn mòn, gỉ sét, độ uốn dẻo cao nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc. Do lồng nuôi do Việt Nam sản xuất nên giá thành mua chỉ 180 triệu đồng, giảm hơn nửa so với lồng Na Uy nhập khẩu.

Lợi ích kép khi nuôi lồng HDPE

Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi dự án bắt đầu triển khai mô hình nuôi lồng HDPE đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, ngoài lợi ích bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng phá rừng để lấy gỗ làm lồng, mô hình còn giúp người nuôi thích ứng thiên tai, hết lo ngại bão đổ bộ gây thiệt hại. Hơn nữa, lồng nuôi thông thoáng, giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh và môi trường, cũng như giúp năng suất cá tăng lên đáng kể.

Lắp đặt lồng tròn HDPE do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: KS.

Lắp đặt lồng tròn HDPE do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: KS.

Theo ông Khánh, nếu nuôi cá bằng lồng gỗ năng suất dưới 10kg cá/m3 nhưng nuôi trong lồng HDPE năng suất có thể đạt từ 15kg cá/m3. Hơn nữa về độ bền của lồng HDPE cũng như tổng chi phí trong một chu kỳ nuôi đến khi lồng hỏng vẫn rẻ hơn lồng gỗ.

Bởi một lồng gỗ có kích thước 4x4x5m, thể tích khoảng 80m3 với chi phí đầu tư 10 triệu/lồng nhưng tuổi thọ chỉ có 5 năm. Còn một lồng tròn HDPE, có đường kính 10m, thể tích khoảng 500m3, tức bằng khoảng 5 lồng gỗ, nhưng tuổi thọ trên 20 năm đến 30 năm. Do đó, tính ra trong vòng 20 năm, nếu nuôi 5 lồng gỗ phải mất hơn 200 triệu đồng, còn nuôi lồng HDPE chỉ 180 triệu đồng.

Việc triển khai nuôi lồng HDPE sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm phá rừng làm lồng, thích ứng biến đổi khí hậu, môi trường. Ảnh: KS.

Việc triển khai nuôi lồng HDPE sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm phá rừng làm lồng, thích ứng biến đổi khí hậu, môi trường. Ảnh: KS.

Thế nhưng sở dĩ người nuôi ưa chuộng lồng gỗ vì chu kỳ ngắn nên chi phí đầu từ ban đầu thấp. Trong khi đó vốn ít nên họ muốn mỗi năm đầu tư một ít lồng gỗ, chứ không có đủ tiền đầu tư một lần. Song nếu tính ra lợi ích kép như đã nói trên thì việc người nuôi đầu tư lồng HDPE sẽ là lựa chọn đúng đắng hơn nhiều so với lồng gỗ.

Hơn nữa trước đây công nghệ lồng nuôi kiểu Na Uy được Việt Nam học tập nhưng giá lồng rất cao, quá khả năng ngư dân. Tuy nhiên hiện nay để có lồng nuôi phù hợp, các doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và thay đổi vật tư, vật liệu phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Do đó, giá mỗi lồng nuôi HDPE giảm so với lồng nhập khẩu Na Uy dưới 50%. Độ bền lồng nuôi trên 20 năm, nếu nuôi hiệu quả chỉ sau 3 năm sẽ thu hồi vốn.

Cũng theo ông Khánh, với hiệu quả mô hình nuôi lồng HDPE mang lại, hiện bà con nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong rất quan tâm học tập và làm theo. Từ đó đến nay người nuôi đã nhân rộng lên đến trên 30 lồng HDPE, vượt mục tiêu dự án đề ra.

Cần nhân rộng mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE 

Phạm Ngọc Luyện, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện nay, toàn huyện có khoảng 39.000 lồng của hơn 1.200 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển. Hầu hết hệ thống lồng nuôi là bè gỗ với đối tượng nuôi chính là cá bớp, cá chim, cá mú, tôm hùm…Mô hình nuôi lồng tròn HDPE do Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai thử nghiệm tại Vạn Ninh có khả năng chống chịu gió bão tốt hơn so với lồng bè bằng gỗ truyền thống, từ đó bảo vệ được tài sản của ngư dân. Đặc biệt, qua mô hình, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện đã hỗ trợ, trao đổi cùng với ngư dân kịp thời, xử lý các vấn đề kỹ thuật, quy trình nuôi nên đạt hiệu quả cao.

Với lợi ích kinh tế và tính bền vững, Phòng Kinh tế huyện khuyến khích người dân dần chuyển đổi phương thức nuôi lồng gỗ truyền thống sang nuôi lồng HDPE nhằm giảm thiểu rủi ro, thiên tai khi có bão xảy ra. Cũng như đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở NN - PTNT, Trung tâm khuyến nông tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện xây dựng, nhân rộng các mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE ở địa phương. Đối với UBND tỉnh quan tâm sớm ban hành chính sách hỗ trợ nuôi biển bằng công nghệ lồng HDPE và lộ trình hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.