Loại bỏ hệ thống phao xốp
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, hầu hết các cơ sở và ngư dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng lồng bè đều sử dụng vật liệu nổi bằng phao xốp. Về lâu dài, khi sử dụng phao xốp sẽ tác động lớn đến vấn đề rác thải và môi trường biển.
Vì lý do đó, để sớm giải quyết tình trạng này, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ loại bỏ hoàn toàn phao xốp trong NTTS. Tuy nhiên, quá trình thay thế phao xốp tại các địa phương đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Phao xốp có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền sử dụng của phao trung bình từ 2-3 năm. Khi tác động của thời tiết mưa bão sẽ phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng hệ sinh thái, đặc biệt là ảnh hưởng đến môi trường di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Đơn cử tại các vùng NTTS như huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả, TX Quảng Yên, hầu hết đều sử dụng phao xốp và một số phao không có nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường. Việc sử dụng phao xốp NTTS trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, do loại vật liệu này giá rẻ, dễ mua. Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 10 triệu quả phao xốp dùng trong NTTS.
Theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hàng năm, các đơn vị thu dọn khoảng 2.000 tấn rác từ Vịnh Hạ Long, trong đó có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ NTTS.
Nhằm sớm giải quyết vấn đề rác thải, đặc biệt là phao xốp trong hoạt động NTTS, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản.
Đây được coi là giải pháp của tỉnh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh. Đặc biệt, tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS.
Là hộ nuôi trồng thủy sản tại khu vực Soi Mui (huyện Vân Đồn), anh Phạm Văn Thường nhận thấy tác động bất lợi từ phao xốp đến hoạt động NTTS, nhất là đối với nuôi nhuyễn thể. Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, anh Thường đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích nuôi hàu từ vật liệu phao xốp sang nhựa HDPE đã được công bố hợp quy.
Anh Thường cho biết, việc sử dụng phao xốp trong NTTS của ngư dân Vân Đồn khá phổ biến bởi giá thành rẻ, dễ tìm kiếm trên thị trường. Tuy nhiên, dưới những khắc nghiệt của sóng, gió và sự ăn mòn của nước biển, phao xốp đã lộ rõ những yếu điểm. Đó là chỉ sau khoảng 2 năm sử dụng, các mối liên kết bên trong phao bị vỡ, xốp bên trong thất thoát ra môi trường, nhất là sau mỗi trận bão.
Sau thời gian sử dụng vật liệu nhựa HDPE thay thế phao xốp, các hộ NTTS đã nhận thấy vật liệu này rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét. Việc chuyển đổi sang NTTS bằng nhựa HDPE còn thân thiện với môi trường hơn, hạn chế bị ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh.
Cần sự chung tay hỗ trợ
Hiện tổng diện tích NTTS toàn tỉnh đạt 21.300ha, trong đó có khoảng 5.500ha diện tích phao xốp đang được sử dụng để NTTS. Trong đó, hơn 2.575ha diện tích NTTS bằng phao xốp nằm ngoài quy hoạch.
Việc chậm trễ trong việc quy hoạch vùng NTTS tập trung và giao cho thuê mặt nước đang gây không ít khó khăn đến lộ trình thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi thân thiện, đảm bảo quy chuẩn tại một số địa phương.
Nhiều hộ NTTS khu vực Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả cũng cho biết, từ nhiều năm nay, thói quen người dân sử dụng phao xốp trong NTTS nên tâm lý vẫn còn tâm lý e ngại chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn.
Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các mặt hàng thủy sản (chủ yếu hàu) tiêu thụ giảm mạnh do thị trường Trung Quốc tạm ngừng nhập sản phẩm hàng hóa, dẫn tới thu nhập của các hộ NTTS bị giảm theo.
Trong khi đó, chi phí lắp đặt vật liệu nhựa HDPE cao gấp 1,5 lần so với phao xốp nên nhiều hộ dân thiếu kinh phí để chuyển đổi. Để người dân có thể thay thế từ phao xốp sang vật liệu mới này, tỉnh Quảng Ninh cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi vì chi phí ban đầu khá lớn. Trung bình một dàn bè hàu khoảng 30 dây, mỗi dây cần khoảng hơn 70 quả phao nổi buộc cách nhau 3m. Với giá 83.000đ/quả, chi phí cho một dàn hàu nuôi chuyển đổi từ phao xốp sang phao nổi HDPE là rất lớn.
Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đang tăng cường hoạt động kết nối giữa các đơn vị sản xuất, cung ứng vật liệu nổi hợp quy với địa phương để cung cấp danh mục, chủng loại, vật liệu, giá cả thông tin rộng rãi cho người dân nắm bắt để lựa chọn đầu tư phục vụ sản xuất.
Đồng thời phối hợp với các địa phương đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc giao, cho thuê mặt nước biển, bãi triều qua đó đảm bảo quản lý nhà nước và thực tế sử dụng diện tích nuôi trồng của người dân. Song song với việc hướng dẫn người dân chuyển đổi phao xốp sang vật liệu thân thiện với môi trường thời gian tới, các địa phương sẽ phối hợp lực lượng chức năng tổ chức ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm sử dụng vật liệu nổi trong NTTS không đảm bảo theo quy chuẩn.
Theo ông Hà Văn Ninh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vân Đồn, tổng diện tích mặt nước hiện sử dụng cho NTTS tại huyện khoảng 4.258ha với 1.392 tổ chức, cá nhân đang nuôi trồng. Trong đó hiện còn 971 cơ sở NTTS sử dụng vật liệu bằng phao xốp với diện tích khoảng 1.942ha. Đây có thể được xem là nguồn gây ô nhiễm và đe dọa lâu dài đến môi trường, sinh thái biển nếu không có giải pháp thay thế kịp thời.
Với các giải pháp được triển khai, các hộ NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn cũng tích cực vào cuộc, thực hiện chuyển đổi được trên 31.000 quả phao xốp, tương đương với diện tích khoảng 20ha sang vật liệu HDPE đạt quy chuẩn.
Để giải quyết được bài toán chuyển đổi phao xốp sang vật liệu nổi đạt chuẩn, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh Quảng Ninh cũng như của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm vật liệu, để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Bên cạnh đó, vấn đề thu gom, tiêu hủy các phao xốp sau khi thay thế cũng cần được tính đến để đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.