| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò lai Sind

Thứ Sáu 30/11/2012 , 09:37 (GMT+7)

Thực tế bê lai Sind chỉ nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 100 - 120 kg/con là bán được, trong khi đó nuôi bò cóc phải mất 1 năm mới xuất bán...

“Do việc chăn nuôi lợn giá cả lại bấp bênh không ổn định, người dân các xã trong huyện; đặc biệt là xã Phúc Khánh đã tích cực hưởng ứng tham gia và phát triển mô hình cải tạo đàn bò địa phương theo hướng Sind hóa”, ông Trần Đình Trọng, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Yên Lập (Phú Thọ) cho biết.

Theo ông Trọng, thực tế bê lai Sind chỉ nuôi khoảng 6 tháng có thể đạt trọng lượng từ 100 - 120 kg/con là bán được, trong khi đó nuôi bò cóc phải mất 1 năm mới xuất bán thịt, trọng lượng đạt thấp. Hiện nay, với giá thịt bò hơi từ 150 - 160 nghìn/kg, tính ra mỗi năm người dân có thu nhập từ 1 con bò lai Sind từ 15 - 20 triệu.

Tham gia dự án, bác Nguyễn Công Lý ở xóm Xẻn, xã Phúc Khánh hào hứng cho biết, kinh tế gia đình trước đây phụ thuộc vào vụ mùa là chính, chăn nuôi chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và không tập chung. Năm 2010, qua việc tuyên truyền của cán bộ xã bác biết được giống bò lai Sind có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bác đã mạnh dạn đầu tư một con đực giống lai Sind nặng gần 260 kg, với giá hơn 20 triệu đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ 13 triệu).

Đến nay bác đã phát triển đàn bò 4 lai Sind. Để có nguồn thức ăn cho chúng, bác trồng ở sau nhà 5 sào cỏ. Lợi nhuận đàn bò đem lại cho gia đình hơn 70 triệu đ/ năm.

Trên đường dẫn tôi ra xem bò, bác Lý nói thêm: “Ở nhà hiện tại chỉ có một con bò cái mới đẻ nuôi hơn 1 tháng nay đã có trọng gần lượng 30 kg và chỉ 5 tháng sau con bò này sẽ bán được khoảng 15 triệu. Số bò còn lại con trai tôi đang đi thả, trong đó 2 con đang có chửa, 2 con còn lại đang cho “lấy” đực”.

Tương tự bác Lý, cô Châu ở xóm Đình, xã Phúc Khánh cũng mới tham gia dự án nuôi bò lai Sind cuối năm 2011. Hiện đã phát triển thêm được 2 con bò cái lai Sind để nuôi sinh sản. So với chăn nuôi lợn, gà hay làm vụ mùa thì bò lai sind mang lại nguồn thu nhập gấp 2 - 3 lần. Lại tận dụng được nguồn thức ăn là các bãi cỏ tự nhiên của địa phương.

“Vào năm 2010 cả xã Phúc Khánh có trên 1.000 con bò thì số lượng bò nái lai Sind chỉ 50 con. Tính đến tháng 10 năm 2012, cả xã có 750 con thì có đến 350 là bò cái lai Sind, chiếm 46% tổng số đàn bò của xã, góp phần đem lại doanh thu hàng năm từ việc chăn nuôi bò bán thịt trên 4 tỷ đồng, chiếm 50% doanh thu về chăn nuôi của xã.” Ông Hoàng Kim Cương, phó chủ tịch UBND xã Phúc Khánh nói.

Bên cạnh việc định hướng và khuyến khích người dân tích cực tham gia mô hình này, hàng năm UBND xã kết hợp với trung tâm khuyến nông và cán bộ trong dự án về phổ biến cách chăm sóc, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò địa phương.

Riêng năm 2012, xã cũng đã hai lần cử cán bộ thú y đi tiêm phòng dịch bệnh cho đàn bò trong từng hộ gia đình, chủ yếu là tụ huyết trùng và lở mồm long móng. Dự kiến năm 2013, xã Phúc Khánh sẽ có 60 - 70% bò lai Sind trong tổng số đàn bò của địa phương”.

Xem thêm
Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài 1] Lợn đen không đủ để bán

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định đang phát triển mạnh nghề nuôi heo đen, giống heo bản địa còn được gọi là heo đồng bào được tiêu thụ rất mạnh.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).