| Hotline: 0983.970.780

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Thứ Tư 08/05/2024 , 09:00 (GMT+7)

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Ninh Thuận là địa phương đang thực hiện tốt công tác kiểm dịch tôm giống. Ảnh: PC.

Ninh Thuận là địa phương đang thực hiện tốt công tác kiểm dịch tôm giống. Ảnh: PC.

Tăng cường kiểm dịch tôm giống nhập khẩu

Theo Cục Thú y, trong năm 2023, các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu trực thuộc Cục Thú y đã thực hiện kiểm dịch được 135.758 con tôm giống bố mẹ nước lợ nhập khẩu, gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Trong đó, tôm sú bố mẹ 236 con, tôm thẻ chân trắng bố mẹ có 135.522 con. Tổng số lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu giảm 34% so với 2022.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn kiểm dịch cho 163.600 ấu trùng tôm sú, tôm thẻ chân trắng nuôi thương phẩm. Trong đó, có 39.600 ấu trùng tôm sú và 124.000 ấu trùng tôm thẻ chân trắng. Tổng số ấu trùng tôm sú, tôm thẻ chân trắng nhập khẩu để nuôi thương phẩm giảm 89% so với 2022.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y, trong 2 tháng đầu năm 2024, ngành chức năng tiếp tục tổ chức kiểm dịch cho 10.019 con tôm giống bố mẹ nước lợ gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Trong đó, có 322 con tôm sú bố mẹ và 9.697 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ, đồng thời kiểm dịch 22.000 ấu trùng tôm sú để nuôi thương phẩm.

Tôm giống nhập khẩu vào Việt Nam đều có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu do cơ quan thẩm quyền của quốc gia xuất hàng cấp, đồng thời có xác nhận thủy sản không có mầm bệnh truyền nhiễm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Lô hàng thủy sản giống khi nhập khẩu được lấy mẫu kiểm tra các mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và thực hiện việc cách ly kiểm dịch theo quy định”, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho hay.

Việc kiểm dịch tôm giống trước khi xuất bán được các doanh nghiệp lớn thực hiện rất chặt chẽ. Ảnh: PC.

Việc kiểm dịch tôm giống trước khi xuất bán được các doanh nghiệp lớn thực hiện rất chặt chẽ. Ảnh: PC.

Ninh Thuận là 1 trong những tỉnh thực hiện tốt công tác kiểm dịch tôm giống. Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, trong năm 2023, ngành chức năng của tỉnh đã tiếp nhận 201 hồ sơ tôm bố mẹ nhập khẩu với số lượng 352.813 con, gồm: Tôm bố mẹ là 193 lô với 65.814 con, tôm hùm giống 4 lô với 164.700 con, tôm sú Post giống 4 lô với 122.400 con. 

“Qua theo dõi, giám sát ngành chức năng đã phát hiện có 159 lô với 56.509 con tôm bố mẹ có đã hết thời gian sử dụng, đến hạn tiêu hủy hoặc chuyển mục đích sử dụng, số lượng còn lại được chuyển sang năm 2024. 100% lô tôm bố mẹ nhập khẩu được giám sát thời gian sử dụng sinh sản theo đúng quy định”, ông Lâm cho hay.

Nguồn tôm giống bố mẹ nhập khẩu được kiểm dịch chặt chẽ nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Ảnh: PC.

Nguồn tôm giống bố mẹ nhập khẩu được kiểm dịch chặt chẽ nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh. Ảnh: PC.

Kiểm dịch tôm giống xuất tỉnh, còn khó khăn

Theo Cục Thú y, trong năm 2023, các địa phương trên cả nước đã thực hiện kiểm dịch trên 85 tỷ tôm giống vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, giảm 13% so với 2022. Tôm giống được kiểm dịch chủ yếu là ấu trùng tôm thẻ chân trắng với 74 tỷ con, chiếm 85% số lượng tôm giống được kiểm dịch để vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, việc kiểm dịch đã góp phần đảm bảo chất lượng tôm giống thả nuôi.

“Hiện nay, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống khi có nhu cầu vận chuyển động vật thủy sản xuất tỉnh đều phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh. Về cơ bản, chất lượng tôm giống qua kiểm dịch đều đạt yêu cầu và được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với các bệnh nguy hiểm như WSD, AHPND, IHHND...”, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y cho hay.

Theo ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, hiện công tác kiểm dịch giống thủy sản trên địa bàn tỉnh này được thực hiện theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

Việc lấy mẫu xét nghiệm phục vụ kiểm dịch được ngành chức năng Ninh Thuận thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1657/TY-KD ngày 22/8/2016 của Cục Thú y, về việc hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm thủy sản giống vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Các chỉ tiêu xét nghiệm trên tôm Postlava gồm: Các tác nhân gây bệnh đốm trắng (WSSV), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV).

Trong năm 2023, ngành chức năng Ninh Thuận đã cấp theo các chuyến xe vận chuyển là 58.771 giấy chứng nhận kiểm dịch. Thực hiện xét nghiệm 15.272 chỉ tiêu đối với 3 bệnh WSSV, AHPND và IHHNV với tổng số 5.658 mẫu xét nghiệm gộp phục vụ công tác kiểm dịch.

“Việc đăng ký kiểm dịch giống thủy sản xuất tỉnh được thực hiện 100% trực tuyến qua hệ thống phần mềm quản lý công tác thú y, giúp giải quyết nhanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhiều tổ chức và cá nhân, góp phần nâng cao tỷ lệ đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến mức độ của ngành”, ông Phan Đình Thịnh cho hay.

Trong năm 2023, các địa phương trên cả nước đã thực hiện kiểm dịch trên 85 tỷ tôm giống vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh. Ảnh: PC.

Trong năm 2023, các địa phương trên cả nước đã thực hiện kiểm dịch trên 85 tỷ tôm giống vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh. Ảnh: PC.

Còn ở Kiên Giang, năm 2023 ngành chức năng tỉnh này đã kiểm dịch 2,8 triệu tôm giống xuất tỉnh, 4 tháng đầu năm 2024 đã kiểm dịch 951 triệu tôm giống xuất tỉnh, trong đó có 903 triệu tôm thẻ chân trắng, còn lại tôm sú giống.

Theo nhận định của Cục Thú y, theo quy định tại Luật Thú y và Thông tư hướng dẫn về kiểm dịch thủy sản, chỉ động vật thủy sản giống khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh mới phải thực hiện kiểm dịch. Do đó, việc kiểm soát vận chuyển tôm giống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh.

Thực tế, hiện nay việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các hộ gia đình sản xuất tôm giống khó thực hiện, vì đa số các hộ sản xuất theo thời vụ, không thường xuyên, chi phí xây dựng lớn. Bên cạnh đó, ngành chức chưa có biện pháp giám sát triệt để đối với các trại sản xuất tôm giống nhỏ lẻ vì không đủ lực lượng thú y thủy sản giám sát, ý thức chấp hành quy định của người nuôi chưa cao.

Tại một số địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống của tỉnh chủ yếu còn nhỏ lẻ, ý thức chấp hành các quy định trong công tác kiểm dịch vận chuyển tôm giống của các hộ sản xuất kinh doanh chưa cao, còn có tình trạng trốn tránh kiểm dịch khi vận chuyển ra khỏi tỉnh. Ngoài ra, người dân nuôi tôm, nhất là nuôi tôm quảng canh chưa thật sự quan tâm đến chất lượng con giống, có nhiều hộ mua con giống không qua kiểm dịch.

Các cơ sở sản xuất tôm giống tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng tôm giống trước khi xuất bán cho người nuôi. Ảnh: PC.

Các cơ sở sản xuất tôm giống tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng tôm giống trước khi xuất bán cho người nuôi. Ảnh: PC.

Hiện, ở cấp xã, nhân viên thú y có trình độ chuyên môn chưa đồng nhất, nhân viên thú y cấp xã hoạt động theo hình thức hợp đồng lao động 1 năm. Do vậy, việc tuyển dụng, trả lương tại nhiều địa phương do UBND xã thực hiện dẫn đến thay đổi nhân viên thú y thường xuyên, gây khó khăn cho công tác kiểm dịch tôm giống. Cùng với đó, do kinh phí hạn hẹp nên phần lớn nhân viên thú y cấp xã ít được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn.

“Thêm nữa, tại nhiều địa phương hiện nay các Trạm Thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh đã được sáp nhập về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, nên lực lượng kiểm dịch viên thực hiện công tác kiểm dịch tôm giống bị thiếu hụt, trong khi địa bàn công tác rộng, cơ sở giống nằm rải rác không tập trung. Vì vậy, nhiều địa phương gặp khó khăn trong thực thi nhiệm vụ…”, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Thú y thủy sản, Cục Thú y cho biết.

Để công tác kiểm dịch hiệu quả hơn nữa, Cục Thú y đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống xuất tỉnh nhằm bảo đảm tôm giống được kiểm soát, kiểm dịch trước khi vận chuyển. Các chủ cơ sở tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng tôm giống trước khi xuất bán cho người nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương cần kiện toàn, bố trí, sắp xếp đủ số lượng kiểm dịch viên, bảo đảm nguồn lực để thực hiện công tác kiểm dịch tôm giống. Kiểm soát và quản lý tôm giống nhập tỉnh.

Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các tỉnh về vận chuyển tôm giống xuất và nhập trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời thực hiện kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ tôm giống nhập khẩu.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Trà Vinh sản xuất gần 730ha lúa phát thải thấp vụ đông xuân 2024 - 2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, Trà Vinh sản xuất 728ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 14 hợp tác xã trên địa bàn 6 huyện, hoàn thành xuống giống vào ngày 30/12.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.