| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò sữa VietGAHP

Thứ Tư 12/10/2016 , 07:30 (GMT+7)

Tại vùng cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), người nuôi bò ứng dụng VietGAHP như một thói quen trong công việc hằng ngày mà không mất quá nhiều chi phí.

Với đa số nông dân, VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt) rất khó tiếp cận do chi phí quá cao, yêu cầu kỹ thuật ngặt nghèo. Tuy nhiên, tại vùng cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), người nuôi bò ứng dụng VietGAHP như một thói quen trong công việc hằng ngày mà không mất quá nhiều chi phí.

 

Hơn 80% số hộ chăn nuôi áp dụng VietGAHP

Anh Dương Văn Nội ở tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Mộc Châu là một trong những hộ nông dân tiên phong trong chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAHP. Ngay từ khi bắt đầu triển khai mở rộng mô hình chăn nuôi lớn, anh Nội đã quy hoạch lại chuồng trại với đầy đủ hệ thống vệ sinh chuồng tại chỗ, các thiết bị làm sạch chuồng và tắm cho bò sữa sạch sẽ, thoáng mát.

Do vậy, khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAHP trong chăn nuôi bò sữa, gia đình anh Nội chỉ bỏ thêm hơn 20 triệu đồng để thiết kế lại hệ thống vệ sinh chuồng này, còn các yếu tố kỹ thuật khác như dinh dưỡng, chăm sóc cho đàn bò sữa, gia đình anh đều đạt tiêu chuẩn.

Đến nay, đàn bò sữa của gia đình anh đã đạt gần 80 con, mỗi tháng cho doanh thu hàng trăm triệu đồng, trong đó lãi ròng 30%. Anh chia sẻ: “Thực ra khi chưa có VietGAHP thì chúng tôi cũng đã đảm bảo gần như mọi tiêu chuẩn trong chăn nuôi bò sữa. Nhiều năm nay, việc chăn nuôi sạch đối với tất cả các hộ nuôi bò tại Mộc Châu, từ quy trình chăm sóc đàn bò sữa cho đến chế độ dinh dưỡng... đều được định hướng bởi DN thu mua sữa là Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Vì thế khi áp dụng tiêu chuẩn này vào, chúng tôi không bỡ ngỡ.

“Với việc áp dụng VietGAHP, sữa tươi của gia đình tôi luôn đạt loại 1, được thu mua với giá cao nhất là hơn 13 nghìn đồng/kg. Mỗi quý, riêng tiền thưởng, tôi cũng lĩnh hơn 30 triệu đồng”, anh Nội cho hay.

Không chỉ trang trại của anh Nội áp dụng tốt tiêu chuẩn VietGAHP trong chăn nuôi, nhiều năm trở lại đây, hơn 500 hộ nông dân Mộc Châu đã có quy trình chăn nuôi và SX khép kín, đồng bộ. Mọi tiêu chuẩn ở đây đều được thực hiện rất nghiêm túc theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Có khu chuồng trại vắt sữa riêng và toàn đàn được vắt bằng máy. Bò được tắm rửa hai lần/ngày. Trước khi vắt sữa, bầu sữa bò phải được phun rửa sạch để đảm bảo vệ sinh.

Hằng tháng, Cty đều cử một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra từng hộ chăn nuôi về các điều kiện chăn nuôi, sau đó chấm điểm đánh giá phân loại các hộ. Sữa SX ra được thu mua với giá cao, đồng thời được khuyến khích thưởng hằng tháng, hằng quý. Đến nay, hơn 80% số nông hộ chăn nuôi tại cao nguyên này đã được cấp chứng chỉ VietGAHP.

 

Lợi ích kép

Để kịp thời đáp ứng xu thế về chăn nuôi nhằm phát triển chăn nuôi một cách bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc sản phẩm, từ tháng 12/2013, tiêu chuẩn VietGAHP trong chăn nuôi đã được triển khai đồng bộ trên toàn bộ quy trình chăn nuôi của các hộ nuôi bò sữa tại Mộc Châu.

Thực hiện sự chỉ đạo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tháng 10/2013, Cty cổ phần Chứng nhận và giám định Vinacert đã tiến hành đánh giá, chứng nhận VietGAHP trong chăn nuôi bò sữa cho Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Theo Vinacert, đây là một DN chăn nuôi bò sữa được đánh giá và được cấp Chứng chỉ VietGAHP đầu tiên ở Việt Nam.

Lợi ích lớn nhất từ việc áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi bò sữa là tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ngăn ngừa và hạn chế các rủi ro từ mối nguy cơ gây ô nhiễm, đảm bảo tính minh bạch, truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm khi có khiếu nại, thắc mắc, đồng thời tạo cho người lao động có ý thức làm việc theo các quy chuẩn để tạo ra sản phẩm an toàn.

Theo các hộ chăn nuôi tại đây, trong thực hành VietGAHP, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Đó là thực hiện nghiêm ngặt các quy trình từ chế biến thức ăn đến khâu vắt sữa, vận chuyển sữa đến điểm thu mua.

Ngoài ra, thực hành tốt VietGAHP cũng góp phần bảo vệ sức khỏe của chính người chăn nuôi, sau đó đến bảo vệ môi trường và người tiêu dùng. “Trước đây, khi chưa có máy cày, xe ben, máy vắt sữa tự động, tối ngày các thành viên trong gia đình chỉ biết làm việc và làm việc. Giờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi bò, chăm sóc, vắt sữa, thấy mình nhàn hơn, khỏe ra, chất lượng sữa nâng cao, thu nhập theo đó tăng cao, ai chả muốn làm”, anh Nguyễn Văn Hải, chủ hộ chăn nuôi bò sữa tại thị trấn Mộc Châu, cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hải Nam, Phó TGĐ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, trong quá trình triển khai áp dụng VietGAHP đối với mô hình chăn nuôi lớn gặp khó khăn do việc đầu tư mở rộng, xây trang trại theo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn cần nguồn vốn lớn.

“Hầu hết các trang trại tại Mộc Châu được xây dựng khá lâu, việc đầu tư mở rộng không đồng bộ, một số chỉ tiêu đánh giá còn nhiều bất cập, rãnh thoát nước giữa các chuồng, hệ thống xử lý rác thải, khử trùng đối với người, phương tiện ra vào trang trại chưa được thực hiện triệt để khiến công tác kiểm tra đánh giá các tiêu chí mất nhiều thời gian”, ông Hải nói.

Thời gian tới, theo ông Hải, Cty tiếp tục hỗ trợ vốn đối với các hộ muốn mở rộng quy mô đàn bò; xây dựng và hoàn thiện phần mềm về quản lý đàn, quản lý dịch bệnh để có hồ sơ đầy đủ, bảo đảm truy nguyên nguồn gốc. Sự phát triển bền vững của mỗi hộ chăn nuôi chính là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của DN và ngược lại.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.