| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE ‘chịu đời’ với sóng gió, hiệu quả cao

Thứ Bảy 09/12/2023 , 09:23 (GMT+7)

Mô hình nuôi biển bằng lồng HPDE ở Nam Trung bộ giúp cá phát triển ổn định, không bị thiên tai gây hại, giảm chi phí, người nuôi có lãi cao.

Nuôi cá chim vây vàng trong lồng HDPE mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: KS.

Nuôi cá chim vây vàng trong lồng HDPE mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: KS.

Hiệu quả nuôi biển bằng lồng HDPE

Trong những năm qua, tỉnh Ninh Thuận phát triển nuôi biển khá mạnh, tính đến nay địa phương có khoảng 3.560 lồng nuôi tôm hùm và khoảng 800 lồng nuôi cá biển, người nuôi biển hầu hết đều sử dụng công nghệ nuôi truyền thống, lồng bè được làm bằng vật liệu gỗ liên kết lại với nhau bằng dây cước hoặc bu-lông tạo thành các ô vuông để nuôi; vật liệu nổi để nâng hệ thống ô lồng là các thùng phuy nhựa.

Trong khi vùng biển ở tỉnh Ninh Thuận là vùng biển hở, không có những dãy núi che chắn, những ô lồng nuôi biển bằng vật liệu gỗ ngày này sang ngày nọ phải đánh vật với sóng gió. Đến lúc chất liệu gỗ bị rệu rã, ắt nhiên hệ thống lồng nuôi sẽ bị gãy, kết cấu lồng bè hư hỏng, người nuôi phải tốn chi phí sửa chữa.

Trước thực tế trên, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận xây dựng mô hình “Thí điểm sử dụng lồng HDPE nuôi cá chim vây vàng” tại vùng vịnh Phan Rang nhằm phát huy tiềm năng mặt nước sẵn có của tỉnh, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường biển. Mô hình chuyển giao 1 lồng nuôi cá biển bằng nhựa HDPE, hình trụ tròn, có thể tích hơn 392m3 cho hộ ngư dân Phan Đình Tiên.

Hệ thống lồng bằng ống nhựa HDPE có kết cấu hình tròn gồm khung, túi lưới và neo buộc cố định. Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đồng thời chuyển giao 3.920 con cá chim vây vàng giống có kích cỡ hơn 8cm/con giống, được thả nuôi với mật độ 10 con/m2. Hộ trực tiếp thực hiện mô hình còn được Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng thương phẩm.

Cá chim vây vàng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: KS.

Cá chim vây vàng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Viện, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận cho biết, mô hình được chuyển giao chô ông Phan Đình Tiên nuôi thí điểm, khi triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận hướng dẫn cặn kẽ công tác quản lý môi trường nguồn nước nuôi. Hàng ngày, ông thường xuyên kiểm tra các yếu tố về môi trường như nhiệt độ, độ mặn, độ trong, độ kiềm, độ PH, hàm lượng ô xy hòa tan trong nước nuôi. Thức ăn của cá chim vây vàng là  thức ăn công nghiệp và cá tạp. Cá được cho cá ăn 1-2 lần/ngày và lượng thức ăn cho cá được điều chỉnh tùy tình hình sức khỏe và điều kiện môi trường.

Sau 9 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 1 kg/con, tỷ lệ sống đạt 95%, sản lượng ước đạt 3.724kg. Với giá bán 100.000đ/kg, doanh thu đạt 372 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí gồm cá giống, thức ăn, công lao động và các chi phí khác tổng cộng hơn 278,4 triệu đồng, lãi ròng gần 94 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Viện, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, lồng HDPE có thể tích rộng, thoáng, lượng nước lưu thông qua thường xuyên nên cá thoải mái bơi lội như sống ngoài tự nhiên. Cá nuôi có tốc độ bắt mồi tốt, không bị các ký sinh trùng bám nên cá phát triển tốt hơn nuôi trong lồng truyền thống. Hơn nữa, lồng lưới dễ vận hành, có thể theo dõi sinh trưởng phát triển của cá, khi có sự cố kịp thời xử lý. Mặt khác do thiết kế lồng hình tròn, nên phần nổi trên mặt nước ít chịu tác động của gió bão, còn phần lưới phía dưới nước cũng ít chịu tác động của dòng chảy hơn so với lồng vuông truyền thống.

“Hiện lồng bằng vật liệu HDPE đã được doanh nghiệp trong nước sản xuất nên giá giảm thấp đến 2/3, đây là điều kiện để bà con chuyển đổi. Nuôi biển ở Ninh Thuận đang có xu hướng sẽ chuyển dần từ lồng gỗ sang lồng HPDE, ngành chức năng đang tích cực tuyên truyền để người dân ý thức, tiến tới chuyển đổi đồng loạt”, ông Nguyễn Văn Viện, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp

Chúng tôi từng nhiều lần ghé thăm trang trại tiên phong nuôi cá chim vây vàng khép kín kiểu công nghệ Na Uy của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Viện I) trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp của Viện I. Ảnh: KS.

Mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp của Viện I. Ảnh: KS.

Để ra trang trại này, từ cảng Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa đi ca nô cao tốc khoảng 30 phút là đến nơi. Được thành lập từ giữa năm 2013, trang trại có diện tích mặt biển khoảng 10 ha, với hệ thống lồng nuôi HDPE hiện đại. Trong đó, 20 lồng tròn, chu vi 60m nuôi cá chim vây vàng thương phẩm và 22 lồng vuông kích thước 5x5x5m dùng để nuôi cá bố mẹ, hậu bị và ương cá giống.

Trang trại có 11 thành viên gồm 1 quản lý, 2 thuyền trưởng và máy trưởng, 3 thợ lặn có chứng chỉ PADI, 4 công nhân kỹ thuật và 1 nhân viên ghi chép thu thập số liệu. Tất cả được tuyển dụng, đào tạo và tập huấn về nội quy an toàn lao động, an toàn sinh học, sơ cấp cứu và những kỹ thuật trong nuôi biển.

Để giảm sức lao động, trang trại đầu tư 1 tàu chuyên dụng được trang bị tất cả những thiết bị cần thiết như cần cẩu thủy lực, tời thủy lực để phục vụ cho nuôi biển. Ngoài ra, còn trang bị một xuồng cao tốc và 1 xuồng công tác nhỏ bằng vật liệu hợp kim nhôm, để phục vụ các hoạt động sản xuất hàng ngày.

Các quy trình công nghệ áp dụng tại trang trại đã được làm chủ và ứng dụng vào thực tế thành công từ sản xuất con giống, nuôi thương phẩm, quản lý thức ăn, cho cá ăn, phòng trị bệnh cho cá cho đến thu hoạch và bảo quản sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó, Viện I cũng đã làm chủ công nghệ thiết kế và lắp đặt lồng HDPE theo công nghệ Na Uy với vật liệu làm lồng được nội địa hóa, giảm được chi phí hơn 50% so với lồng ngoại nhập. Hệ thống lồng, neo được thiết kế chống bão cấp 11. Tuy nhiên trên thực tế cơn bão số 12 (Damrey) với sức gió mạnh cấp 12 và giật cấp 15 đổ bộ vào Khánh Hòa cuối năm 2017 đi qua khu lồng nuôi nhưng vẫn chống chịu được, không bị hư hỏng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi lồng HDPE có chu vi 60m, độ sâu lưới 8m, thể tích 2.500m3 có thể thả cá chim vây vàng lên đến 50.000 con, sản lượng thu hoạch đạt 25 tấn/lồng. Tuy nhiên theo ông Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, hiện trang trại chỉ thả khoảng 25.000 con/lồng, với sản lượng thu hoạch còn 23.000 - 24.000 con, mỗi con đạt trọng lượng từ 0,6 - 0,7kg, tương đương 15 - 18 tấn/lồng.

Quy trình nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, tỷ lệ hao hụt thấp. Cụ thể, tỷ lệ cá sống thường đạt từ 76 - 84% từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 8-10 tháng.

Đây là trang trại nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trang trại hoạt động ổn định với quy mô sản lượng khoảng 200 tấn/vụ. Bên cạnh cung cấp thị trường nội địa, sản phẩm còn xuất khẩu sang Mỹ và các nước Trung Đông với giá bán dao động từ 110 - 150 ngàn đồng/kg, lợi nhuận 20 - 30%.

Được biết, cá chim vây vàng là loài cá biển có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, có thể đạt cỡ thương phẩm 0,6 - 0,8 kg/con sau 8 - 10 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Cá chim vây vàng thường ít bị bệnh và có khả năng nuôi với mật độ cao trong ao hoặc lồng tại các thủy vực nước lợ và nước mặn.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.