| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá đặc sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang

Thứ Tư 16/03/2022 , 10:08 (GMT+7)

Với hơn 8.000ha mặt nước, hồ thủy điện Tuyên Quang có điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là những loài cá đặc sản.

Nghề nuôi cá đặc sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang cho người dân nơi đây nguồn thu ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Nghề nuôi cá đặc sản trên hồ thủy điện Tuyên Quang cho người dân nơi đây nguồn thu ổn định. Ảnh: Đào Thanh.

Huyện Na Hang hiện có trên 1.000 lồng cá, với hơn 100 hộ nuôi, trong đó có 2 doanh nghiệp, 2 HTX tham gia nuôi cá đặc sản với quy mô lớn, tổng sản lượng khai thác đạt 700 tấn/năm. Tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi cá nhiều năm, nghề nuôi cá đặc sản đã giúp không ít những hộ gia đình có thu nhập khá.

Cá nuôi trong lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang có nhiều ưu điểm, như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Gia đình anh Phùng Xuân Cường là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá đặc sản trên lòng hồ thủy điện ở thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú. Được cán bộ thủy sản huyện tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh và lựa nguồn nước cho phù hợp, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, anh Cường đã dần thành công. Đến nay, gia đình anh Cường có 7 lồng nuôi các loại cá đặc sản như bỗng, lăng… mỗi năm trừ chi phí cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng.

Giống gia đình anh Cường, gia đình anh Phùng Xuân Sơn cũng là hộ tiên phong nuôi cá lồng ở xã Sơn Phú. Từ 4 lồng cá ban đầu, đến nay gia đình anh Sơn đã đầu tư thêm 5 lồng cá nữa. Anh Sơn cho biết, thấy nuôi cá nheo và rô phi đơn tính có lãi, năm 2018, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng tiền vốn ngân hàng để đầu tư làm lồng kiên cố.

Toàn huyện Na Hang hiện nay có khoảng 1.000 lồng cá. Ảnh: Đào Thanh.

Toàn huyện Na Hang hiện nay có khoảng 1.000 lồng cá. Ảnh: Đào Thanh.

Xã Đà Vị, huyện Na Hang hiện nay có 13 hộ nuôi cá lồng với 93 lồng nuôi, các hộ gia đình nuôi cá thường làm lồng có kích thước từ 6 đến 8m3, mỗi m3 lồng cho thu từ 25 đến 30 kg cá/năm. Lồng được buộc vào khung lồng và làm nổi bằng hệ thống phao nhựa hoặc thùng phuy đính vào khung lồng. Các góc lồng được cố định bằng các cọc hoặc gỗ buộc thẳng góc với khung lồng.

Năm 2015, gia đình anh Lương Văn Tần, thôn Xá Thị, xã Đà Vị vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đầu tư 10 lồng cá đặc sản gồm các loại cá bỗng, cá lăng, cá trắm đen… Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên trong những năm qua, cá luôn phát triển khỏe mạnh, cho thu hoạch đúng thời điểm. Trung bình hàng năm các lồng cá của gia đình anh Tần cho thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Phong trào liên kết nuôi cá lồng và tiêu thụ sản phẩm từ cá cũng được đẩy mạnh phát triển ở Na Hang. Trong đó nổi bật là chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá đặc sản của Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên; Công ty TNHH Thủy sả Nhật Nam với các hộ nuôi cá đặc sản.

Anh Vi Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cho biết, hiện tại công ty đang liên kết với 10 hộ dân đầu tư lồng bè để phát triển chăn nuôi các loại cá đặc sản theo quy trình an toàn như cá quả, cá lăng, cá bỗng... Theo hợp đồng thì sau khi cá đến tuổi xuất bán, công ty thu mua lại toàn bộ sản phẩm để tiêu thụ cho các hộ dân. Liên kết nuôi cá theo quy trình cá sạch, công ty đã giảm bớt chi phí đầu tư cũng như quản lý mà vẫn tạo ra được lượng sản phẩm đủ để cung ứng cho thị trường.

Cùng với liên kết với các hộ dân, Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cũng thực hiện nuôi 40 lồng cá lăng. Trung bình mỗi năm, Công ty cung ứng ra thị trường khoảng 80 tấn cá các đặc sản do công ty nuôi và khoảng 50 tấn cá liên kết với các hộ dân. Ngoài cá tươi sống, công ty còn xuất ra thị trường các sản phẩm cá đã qua chế biến như chả cá, cá phi lê, cá lăng chiên xù…

Nhu cầu của thị trường rộng mở, nghề nuôi cá đặc sản ở Na Hang cũng phát triển hơn. Bên cạnh đó, huyện Na Hang cũng đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm trên lòng hồ sinh thái, liên kết giữa các nhà bè với các nhà hàng cũng sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá đặc sản ở huyện vùng cao này.

Xem thêm
Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.