Vĩnh Phúc được biết đến là địa phương có tiềm năng phát triển thủy sản bởi có nhiều đầm, hồ và sông lớn chảy qua. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về các cơ chế, chương trình hỗ trợ cá giống mới và máy tạo khí oxy cho các hộ nuôi trồng thủy sản.
Nuôi cá “sông trong ao” hướng đi mới ở Vĩnh Phúc. |
Theo Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc, năm 2019, giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh ước đạt trên 700 tỷ đồng, tăng hơn 5,5% so với năm 2018. Diện tích nuôi trồng đạt gần 7.000ha; trong đó, nuôi thâm canh trên 300ha tập trung nhiều ở các huyện như: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên. Sản lượng thủy sản ước đạt hơn 22 nghìn tấn, tăng 3,5% so với năm 2018; sản lượng giống thủy sản đạt trên 2,9 tỷ con các loại, tăng 5,6% so với năm 2018.
Ông Trần Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc cho biết: Vĩnh Phúc đang hướng từ hình thức nuôi trồng thủy sản truyền thống sang hình thức bán thâm canh và thâm canh; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đàn cá và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đưa nhiều loại cá giống mới vào sản xuất như: trắng, mè, chép, rô phi đơn tính Đường Nghiệp, chép lai 3 máu… giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cao hơn.
Người dân sử dụng máy bơm tạo dòng chảy, tạo oxy. |
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc xác định phát triển thủy sản theo hướng thâm canh bền vững, áp dụng công nghệ sẽ góp phần quan trọng tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực nông thôn, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất thủy sản trong tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp. Riêng trong năm 2019, tỉnh thực hiện hỗ trợ được 160ha diện tích nuôi cá giống mới và 110 máy tạo oxy cho các hộ nuôi cá thâm canh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nuôi cá theo hình thức “sông trong ao” đang được xem là mô hình điểm điển hình của tỉnh.
Ông Tâm đánh giá: “Nuôi cá “sông trong ao” đang là hướng đi mới của người dân. So với nuôi cá truyền thống thì nuôi theo hướng thâm canh, áp dụng công nghệ hiệu quả cao gấp nhiều lần. Chúng tôi đang khuyến khích bà con nông dân chuyển sang hướng thâm canh, đặc biệt nếu diện tích đảm bảo thì nên nuôi theo công nghệ “sông trong ao”.
Hiện ở Vĩnh Phúc, người nuôi trồng ưu tiên làm lồng bè nổi. |
Là một trong những hộ nuôi cá “sông trong ao” điển hình ở Vĩnh Phúc, ông Kim Đình Úc, ở xã Đồng Văn (Yên Lạc) có 7ha diện tích mặt nước, thì có gần 5ha đầu tư vào nuôi áp dụng công nghệ mới. Hiện ông Úc đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm 2 lồng nổi với diện tích 250m2 để nuôi cá trắm, mè, chép...
"Để tiếp tục nâng cao hiệu quả từ nuôi trồng thủy sản, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất hàng năm khoảng 5,5 - 6,1%, từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, mở rộng mô hình nuôi cá giống mới thâm canh, đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi phù hợp với từng vùng; đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm chủ lực" - Ông Trần Minh Tâm. |
Khác với mô hình nuôi cá truyền thống, ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là thu hồi, xử lý được chất thải sau nhiều vụ nuôi; diện tích bể nuôi chỉ bằng 1/20 diện tích ao cho nên rất thuận tiện trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch.
Ao nuôi thiết kế các máy bơm chuyên dụng tạo ra các “dòng sông nhỏ” chảy liên tục trong ao, giúp gom chất thải lắng xuống bể cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch, sau một vụ nuôi không cần phải nạo vét ao vì hầu như không còn chất thải.
Lượng phân cá sau khi hút lên được đóng bánh và phơi khô, là nguồn phân hữu cơ rất giàu dinh dưỡng cho cây trồng.
Toàn bộ hệ thống đường di chuyển chung quanh ao được bê-tông hóa, bảo đảm khi trời mưa, nước mưa không mang theo đất cát bẩn xuống làm ô nhiễm ao nuôi, đồng thời, thuận lợi khi vận chuyển cá giống, thức ăn hay xuất bán.
Diện tích đảm bảo người dân được khuyến khích chuyển hướng nuôi cá “sông trong ao” tăng hiệu quả kinh tế. |
Để bảo vệ môi trường sống cho cá, ông Úc ưu tiên sử dụng men vi sinh, thảo dược kết hợp thức ăn công nghiệp để tạo môi trường nước trong sạch, vừa ức chế các vi khuẩn gây bệnh cho cá và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Vì vậy, cá luôn sạch, thịt thơm ngon, không có màng đen trong thành bụng. Hơn nữa, thả cá giống lớn thì 2 tháng đã cho thu hoạch. Theo tính toán của ông Úc, với riêng 2 lồng bè sẽ có 50 tấn cá xuất ra thị trường phục vụ Tết.
“Nuôi cá “sông trong ao” người nuôi kiểm soát được mật độ, dịch bệnh, quản lý được sinh vật ngoại lai, khi đánh bắt, thu hoạch giảm được nhân công... Sản phẩm được xây dựng theo tính chất VietGAP nên sản phẩm sạch, thì thị trường ưa chuộng hơn. Vì vậy, cá luôn phát triển tốt, cho hiệu quả năng suất, kinh tế cao gấp 3-4 lần so với nuôi truyền thống”, ông Úc tâm đắc.