| Hotline: 0983.970.780

Nuôi chim trĩ xanh dễ hơn nuôi gà, thu 30 triệu đồng/tháng

Thứ Bảy 07/10/2017 , 07:15 (GMT+7)

Đó là mô hình của gia đình bà Vũ Thị Lành (SN 1962) ở đội 7, HTX Quyết Thắng, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, Nam Định.

Là người đầu tiên của huyện Giao Thủy áp dụng mô hình nuôi chim trĩ, bà Lành cho biết, năm 2005 bà mua hơn 50 con chim trĩ đỏ về nuôi, nhưng do không có kinh nghiệm chăm sóc nên đàn chim cứ chết dần, chết mòn.

09-28-52_nh_1
Bà Vũ Thị Lành giới thiệu giống trĩ xanh

Năm 2007, bà Lành xem trên tivi có giới thiệu về mô hình nuôi chim trĩ xanh thuần chủng vừa dễ nuôi vừa sinh sản hiệu quả hơn chim trĩ đỏ, trong đầu bà bắt đầu nảy sinh ý định làm giàu từ con giống này.

Bà Lành gọi điện người con trai hay đi công tác ở các tỉnh tìm hiểu và mua chim trĩ xanh thuần chủng để về nuôi. Qua hàng chục chuyến đi, con trai bà mới mua được cho bà 10 con chim trĩ xanh thuần chủng với giá 2 triệu đồng/con. Do có kinh nghiệm nuôi chim trĩ đỏ từ trước nên hơn 8 tháng sau lứa chim trĩ xanh đầu tiên của gia đình bà bắt đầu sinh sản.

“Nghề nuôi chim trĩ xanh đến với tôi rất tình cờ. Hôm đó tôi đang ngồi xem tivi có thấy giới thiệu về mô hình nuôi chim trĩ xanh thoát nghèo, trong đầu tôi đã có ý định làm theo. Sau mấy tháng nuôi, tôi thấy nuôi chim trĩ xanh dễ nuôi và hiệu quả hơn chim trĩ đỏ rất nhiều”, bà Lành cho hay.

Theo bà Lành, không ngờ giống chim trĩ xanh sinh sản hiệu quả đến thế, 1 con chim mái đẻ tới 15 - 20 quả trứng/tháng. Tỷ lệ ấp nở cao, chẳng mấy chốc số lượng chim của gia đình bà tăng lên nhanh chóng. Sau hơn 1 năm nuôi, ngoài giữ lại được 100 con để nuôi sinh sản, bà còn bán được hơn 500 con giống.

Theo tính toán của bà Lành, từ năm 2010 cho đến nay, mỗi năm bà tiêu thụ ra thị trường trên 6.000 con chim giống, chim bắt đầu vào sinh sản cho hàng nghìn quả trứng. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm bà thu về hàng trăm triệu đồng.

“Hiện tại, tôi bán trứng chim trĩ xanh với giá từ 40 nghìn đồng/quả, chim bắt đầu vào sinh sản là 1,5 triệu đồng/con. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi cũng thu lãi hơn 30 triệu đồng”, bà Lành nói.

Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc chim trĩ xanh, bà Lành bảo, khó nhất là ở thời điểm mới bóc trứng, người nuôi cần theo dõi sát sao, chăm sóc kỹ, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Do chim trĩ ưa nóng, nên phải úm con giống mới nở dưới nhiệt độ 32 - 35°C trong vòng 1 tháng. Thức ăn chủ yếu trong 2 tháng đầu là cám công nghiệp dành cho gà con.

Bắt đầu từ tháng thứ 3 trở đi là cho ăn ngô, thóc, cám gà, bèo, rau xanh. Khi chim chuẩn bị bước vào thời kỳ sinh sản thì không cho ăn bèo; lúc này, thức ăn cho chúng chủ yếu là ngô, thóc và cám công nghiệp.

09-28-52_nh_2
Chim trĩ được đeo kính nhựa

Sau 8 tháng, chim trĩ xanh sẽ trưởng thành và sinh sản, chim mái nặng khoảng 1,5kg/con, chim trống từ 1,7 - 1,8kg/con. Chim mái đẻ cách nhật, những tháng đầu khi chim sinh sản tỷ lệ trứng ấp nở rất tốt, về sau tỷ lệ trứng nở thấp nên thải đàn bán thương phẩm và gây đàn chim bố mẹ mới.

Do loài chim này hay mổ trứng, đánh nhau, vì vậy, bà Lành đã áp dụng tuyệt chiêu độc đáo là đeo kính nhựa cho từng con. “Sau khi đeo kính cho từng con chim, tôi thấy kính có tác dụng rất nhiều, vừa giúp che khuất tầm mắt của chim vừa bảo vệ trứng, lại phòng được chúng đánh nhau. Ngoài ra, tỷ lệ ấp đàn cao, đạp mái chuẩn, ổn định đàn. Hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt”, bà Lành bộc bạch.

Cũng theo bà Lành, cứ 2 chim trĩ xanh sinh sản cần 1m2, có thể nuôi ghép bộ: 1 trống ghép 4 mái, hoặc nuôi quần tụ. Trong đó, nuôi ghép bộ đem lại hiệu quả cao hơn. Chuồng nuôi được làm bằng vật liệu tre, nứa, hoặc dựng cột bê tông, quây lưới, lợp ngói, hoặc mái tôn. Nền chuồng dải 1 lớp cát vàng và sỏi dày 6cm, mỗi tháng khử trùng chuồng trại 2 lần bằng chế phẩm vi sinh xử lý phân chim.

“Nuôi chim trĩ xanh không khó, dễ hơn nuôi gà rất nhiều, tỷ lệ sống của chúng cao. Hơn nữa thịt chim trĩ chắc, ngọt hơn gà. Sang năm 2018, gia đình tôi sẽ mở rộng chuồng trại để nâng tổng số đàn lên nhiều hơn”, bà Lành cho biết thêm.

 

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Thủ phủ hoa cúc miền Trung sẵn sàng cho thị trường Tết

Quảng Ngãi Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...