Cũng như phần lớn hộ dân trên địa bàn thôn Nhơn Tân (xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), những năm trước đây, kinh tế gia đình bà Lê Thị Lộc phụ thuộc chính vào vườn cây cà phê. Tuy nhiên, thu nhập cà phê hàng năm bấp bênh, không đủ trang trải cho đời sống hàng ngày của gia đình.
Chưa kể, vào cuối năm mới thu cà phê, trong khi phân bón, vật tư nông nghiệp đều phải mua nợ nên sau khi trừ chi phí gia đình bà Lộc gần như không có dư. Sau nhiều lần đắn do suy nghĩ, bà Lộc quyết định chuyển sang đầu tư mô hình nuôi dế Thái.
“Sau khi xem trên mạng, tôi rất thích mô hình nuôi dế Thái vì thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch ngắn. Quan trong hơn, nuôi dế Thái mang lại giá trị kinh tế cao nên tôi quyết định đầu tư”, bà Lộc cho biết.
Thời gian đầu, bà Lộc đặt giống trứng dế từ TP Pleiku về nuôi thử nghiệm 2 chuồng với số vốn hơn 1,6 triệu đồng. Sau hơn 2 tháng nuôi thử nghiệm, dế đẻ trứng và xuất bán. Nhận thấy nuôi dế không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thức ăn cũng rất đa dạng, phong phú và có sẵn trong tự nhiên nên bà Lộc tiếp tục nuôi và mở rộng lên 5 chuồng.
Tuy nhiên, khi nuôi dế với số lượng lớn, bà Lộc lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại về quy cách chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nhất là việc điều tiết, kiểm soát nhiệt độ trong chuồng. Cụ thể, khi bà Lộc nhân giống lên 20 chuồng thì dế bị chết hàng loạt, không kịp trở tay.
“Ban đầu mình nuôi cũng không nắm vững được kỹ thuật nuôi như thế nào, chỉ học hỏi ở trên mạng thì không đủ. Sau 1 năm thất bại tới 4 lần, tôi cũng rút được nhiều kinh nghiệm trong nuôi dế và bước sang năm thứ 2 tôi đã thành công”, bà Lộc chia sẻ.
Theo bà Lộc, nuôi dế quan trọng nhất là khâu uống nước và phải theo thời tiết. Cũng giống như con người, khi trời lạnh dế uống nước ít, trời nóng thì uống nước nhiều sẽ tốt hơn.
Dế Thái là loài vật sống thành đàn, thích nghi với môi trường tự nhiên. Vì thế, muốn cho đàn dế phát triển nhanh, chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, người nuôi phải chú ý đến chuồng trại, đặt nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh mưa gió. Đặc biệt, mỗi chuồng cần bố trí thêm nhánh, lá cây khô, khay giấy đựng trứng hoặc thùng phế liệu để tạo môi trường hoang dã cho dế ẩn trú và bay nhảy một cách tự nhiên.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay gia đình bà Lộc đã xây dựng được mô hình nuôi dế Thái theo quy trình khép kín từ giai đoạn đẻ trứng, ấu trùng, dế con, dế sữa đến dế trưởng thành với 100 chuồng. Bình quân, mỗi chuồng nuôi cho ra khoảng 20 - 30kg dế thương phẩm, trứng dế từ 18 - 20kg. Hiện nay, dế thương phẩm có giá từ 55.000 - 70.000 đồng/kg, còn trứng dế giống 70.000 - 100.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi năm bà Lộc thu lãi khoảng 600 triệu đồng, qua đó giúp kinh tế gia đình bà ngày càng ổn định.
“So với nuôi những con vật khác thì nuôi dế có ưu điểm là ngắn ngày, ít nhất 1 năm thu được 3 đợt, riêng gia đình nhà tôi thu 4 đợt. Chính vì nuôi dế nhanh thu lợi nhuận nên rất thích hợp cho người dân đầu tư và phát triển”, bà Lộc nói và cho biết, nếu người dân có nhu cầu nuôi dế, bà sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, bao tiêu sản phẩm để giúp họ ổn định kinh tế.
Hiện tại, thị trường tiêu thụ dế Thái của gia đình bà Lộc rộng khắp trên cả nước. Riêng với mặt hàng dế thịt và trứng dế, gia đình bà Lộc cung cấp cho các tỉnh như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Bà Hồ Thị Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Đăk Ta Ley cho biết, gia đình bà Lộc là gương điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Bà Lộc luôn biết cách nắm bắt thông tin, trao đổi, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình nuôi dế Thái. Để từ đó, sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả và doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.
“Hiện nay, chúng tôi cũng khuyến khích các hộ dân trong vùng nuôi dế để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, nuôi dế đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, cho nên trong thời gian tới những hộ tham gia sẽ tổ chức tham quan, học tập cách nuôi dế của gia đình bà Lộc để nhân rộng mô hình này”, bà Thư chia sẻ.