| Hotline: 0983.970.780

Giàu từ nuôi gà Tiên Yên

Thứ Bảy 16/12/2023 , 17:17 (GMT+7)

Hiện, gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Nhiều hộ dân đã làm giàu, xây nhà mua xe nhờ chăn thả giống gà bản địa này.

Mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên của anh Trần Văn Hoan (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên). Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên của anh Trần Văn Hoan (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên). Ảnh: Nguyễn Thành.

Huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) có tổng đàn gà Tiên Yên thương phẩm đạt gần 620.000 con. Năm 2023, toàn huyện duy trì, phát triến quy mô sản xuất giống đạt 13.000 gà bố mẹ, sản xuất trên 1 triệu con giống gà Tiên Yên/năm; tổng đàn gà Tiên Yên thương phẩm xuất bán đạt trên 1,2 triệu con.

Gà Tiên Yên là món ngon đặc sản của địa phương từ lâu đời. Để phát triển và tiêu thụ sản phẩm gà Tiên Yên, những năm qua, huyện Tiên Yên đã phát triển chăn nuôi bằng các chính sách hỗ trợ giống, lãi suất vốn vay; đồng thời quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tới người dân và du khách.

Được xác định là một trong những sản phẩm nổi bật, gà Tiên Yên được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trở thành thương hiệu đặc sắc của huyện Tiên Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Ở xã Hà Lâu, anh Trần Văn Hoan đã dành vốn liếng và tâm huyết cho con gà Tiên Yên. Năm 2014, anh Hoan nuôi thử nghiệm 1.000 con và đến thời điểm này, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng trung bình 5.000 con gà thương phẩm. "Sau khi chăn nuôi, tôi thấy gà Tiên Yên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm thu lãi được từ 150 đến 200 triệu đồng”, anh Hoan phấn khởi nói.

Đặc biệt, anh Hoan đã hỗ trợ, hướng dẫn bà con địa phương về vốn, kinh nghiệm chăn nuôi gà Tiên Yên. Nhiều người đã xây được nhà, mua được ô tô, tất cả đều nhờ vào con gà Tiên Yên.

Năm 2017, anh Trần Đăng Hạnh tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Sau đó, anh Hạnh trở về quê ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) khởi nghiệp từ gà Tiên Yên. Từ sự động viên của gia đình, anh Hạnh vay vốn ngân hàng, dựng trang trại trên quả đồi rộng 2ha để nuôi gà Tiên Yên. 

Trại gà của anh Hạnh có 4 chuồng, mỗi chuồng diện tích 120m2 được xây dựng men theo các triền đồi. Từ 1.000 con năm 2019, đến nay quy mô chuồng trại đã lên đến gần 3.000 con.

Gia đình anh Hạnh hiện là 1 trong 6 hộ chăn nuôi ở xã Phong Dụ đi đầu thực hiện tham gia dự án ứng dụng công thức phối trộn thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả nuôi gà Tiên Yên thương phẩm.

Gà Tiên Yên được chăn thả theo hướng bán tự nhiên, cho ăn ngô, rau giúp giảm mỡ, tăng chất lượng thịt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà Tiên Yên được chăn thả theo hướng bán tự nhiên, cho ăn ngô, rau giúp giảm mỡ, tăng chất lượng thịt. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà tại trang trại của anh Hạnh được nuôi thả theo phương thức tự nhiên, gà chạy đồi, vận động nhiều nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thịt chắc thơm ngon được nhiều người biết đến. Lượng gà 50% cung cấp cho địa bàn huyện, 50% tiêu thụ ra các huyện thị khác, đặc biệt cháy hàng vào dịp Tết và tháng 7 âm lịch.

Gà trống thiến thương phẩm trọng lượng 2,8 - 3kg giá bán tại trại 140.000 đến 150.000 đồng/kg. Gà mái 1,8 - 2kg giá thấp hơn một chút 120.000 đến 130.000 đồng/kg. Số lượng gà tiêu thụ gần 3.000 con/năm, cùng với hơn 4.000 trứng bán ra thị trường giúp gia đình anh Hạnh thu lãi 300 triệu đồng mỗi năm.

Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết, nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát triển thương hiệu gà Tiên Yên, huyện rất chú trọng việc truy xuất nguồn gốc, thông qua dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất để xây dựng con gà theo hướng độc quyền sản phẩm. 

Để phát triển đàn gà theo hướng bền vững, các phòng, ban, đơn vị của huyện đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền đến hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành lập các trang trại, HTX. Đến nay, toàn huyện có 400 trang trại nuôi từ 500 con trở lên và 7 HTX nuôi gà thành phẩm.

Thời gian qua, Gà Tiên Yên được cung cấp ra thị trường cho người tiêu dùng đều được đóng gói hợp vệ sinh, dán nhãn, mác để người tiêu dùng phân biệt được gà Tiên Yên và các loại gà thông thường khác. Đặc biệt, tem điện tử và mã số mã vạch trên sản phẩm giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc của các con gà, tránh mua phải các sản phẩm giả mạo, kém chất lượng.

Hiện toàn huyện Tiên Yên có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên quy mô tập trung trên 500 con/lứa, 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên quy mô đạt 1,2 triệu con giống/năm, trong đó có 24 trang trại tổng hợp chăn nuôi gà theo mô hình VietGap. Bước đầu một số cơ sở sản xuất đã phát triển theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm

Sản lượng gà thịt Tiên Yên thương phẩm toàn huyện đạt trên 1,2 triệu con/năm, với doanh thu đạt gần 400 tỷ đồng/năm, gấp 8,5 lần so với năm 2010. Việc nuôi gà Tiên Yên đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.