Muốn vào thăm gà phải tắm gội khử khuẩn
Năm 2020, gia đình ông Nguyễn Văn Vượng liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam xây dựng trang trại chăn nuôi gà hàng nghìn mét vuông tại thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng.
Để đảm bảo cho đàn gia cầm an toàn trước dịch bệnh, gia đình ông Vượng tổ chức thực hiện quy trình chăn nuôi chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng ngừa mầm bệnh cũng như chống sự lây lan của dịch.
Tại trang trại, ông Vượng thiết kế nhiều phân khu với các chức năng khác nhau, ông Vượng thổ lộ: “Dịch bệnh luôn có diễn biến phức tạp, nếu không phòng ngừa kỹ sẽ phải trả cái giá vô cùng đắt. Do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ”.
Cũng theo ông Vượng, để ngăn chặn mầm bệnh từ ngoài vào, tất cả công nhân, kỹ sư, bác sĩ thú y phải thực hiện quy trình tắm gội sạch sẽ và phải qua nhiều lớp khử khuẩn trước khi vào làm việ tại trang trại. Đội ngũ từ trang trại khi kết thúc công việc hoặc muốn ra ngoài cũng phải trải qua quy trình tương tự để phòng trường hợp lây lan dịch bệnh ra môi trường bên ngoài.
Đối với xe cộ, thiết bị từ ngoài vào trang trại cũng phải khử khuẩn, bắt buộc chạy qua các hố vôi. Một kỹ sư trực tiếp làm việc tại trang trại cho biết: “Việc khử khuẩn xe chở cám chăn nuôi không dừng lại việc chạy qua hố vôi mà phải chuyển toàn bộ cám vào phòng được lắp đèn UVC để diệt khuẩn 1 lần nữa…”.
Hiện tại, với quy mô 2 phân khu nuôi gà thương phẩm, gia đình ông Nguyễn Văn Vượng tổ chức nuôi khoảng 40.000 con gà thương phẩm, năm nuôi 4 lứa. Toàn bộ gà được gia đình xuất bán cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
“Trang trại được thiết kế khoa học và quá trình chăn nuôi luôn có đội ngũ kỹ sư, chuyên gia thú y của công ty theo sát. Do vậy, việc chăn nuôi có sự phát triển ổn định, không bị thiệt hại bởi dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Vượng cho hay.
Nuôi gà trên đệm lót sinh học, không gây ô nhiễm
Cùng với việc xây dựng hệ thống phòng ngừa dịch bệnh nói trên, gia đình ông Nguyễn Văn Vượng tổ chức chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học. Theo đó, với quy mô 2 khu trại chăn nuôi gà thương phẩm, mỗi năm, gia đình ông Vượng nhập gần 1.400 bao trấu để kết hợp cùng một số thành phần khác làm đệm lót sinh học.
Vừa bới lớp trấu ở nền trang trại, ông Võ Thanh Nhàn, Quản lý kỹ thuật chăn nuôi gia cầm Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng (người trực tiếp theo dõi, quản lý trang trại gia đình ông Nguyễn Văn Vượng) cho biết, đệm lót sinh học bằng trấu góp phần tiêu huỷ chất thải trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt xử lý được tình trạng phát thải mùi hôi thối, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh.
Về quy trình làm đệm lót sinh học, ông Võ Thanh Nhàn chia sẻ: “Trước khi thả gà vào chăn nuôi, chủ mô hình phải tổ chức vệ sinh bề mặt chuồng trại và sau đó phủ trấu với bề dày từ 10-20cm. Nguồn trấu trước khi được sử dụng làm đệm lót cũng phải trải qua công đoạn sát trùng 2 lần liên tục và phối trộn cùng một số thành phần khác”.
Áp dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi nên toàn bộ khu vực trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Vượng khô, thoáng. Đặc biệt, mỗi trại chăn nuôi lên đến hàng chục con gia cầm nhưng không phát tán mùi hôi cũng như các loại chất thải ra môi trường.
Về nguồn thải, ông Vượng cho hay, đệm lót sinh học từ trấu được thiết lập trước khi thả gà và lớp đệm này được duy trì trong suốt chu kỳ của lứa gia cầm. Khi gà thương phẩm được xuất bán, chủ mô hình sẽ tổ chức thu gom đệm lót và chuyển cho các đơn vị tận dụng làm phân bón cho cây trồng.
Ông Võ Thanh Nhàn, Quản lý kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng cho biết thêm, với quy trình nêu trên, việc chăn nuôi của các hộ liên kết được đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
"Hiện nay, Công ty đang liên kết với nhiều hộ dân tại huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng trong việc chăn nuôi gia cầm. Toàn bộ trang trại chăn nuôi được thực hiện theo quy trình kỹ thuật và áp dụng quy trình an toàn sinh học theo tiêu chuẩn công ty." Ông Võ Thanh Nhàn nhấn mạnh.
“Các tiêu chí đảm bảo sinh học hiện nay được chúng tôi thực hiện bài bản. Qua đó, đàn gia cầm, vật nuôi luôn được đảm bảo. Và chính việc đảm bảo này đã góp phần tạo dựng sự chắc chắn trong chăn nuôi, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định và hướng đến sự phát triển bền vững”, ông Võ Thanh Nhàn, Quản lý kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng chia sẻ và cho biết thêm đơn vị đang sử dụng 9 chỉ tiêu về an toàn sinh học trong quy trình chăn nuôi để ngăn chặn mầm bệnh.