Sau mấy năm nuôi heo giống nội, dạng thủ công, hiệu quả kinh tế không cao, qua tìm tòi trên mạng, rồi vào tận miền Nam tham quan, học hỏi kinh nghiệm, Nguyễn Duy Tuấn (SN 1982) ở thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, nuôi heo công nghệ cao...
Đến thăm trại heo của Tuấn, ai trong chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi chuồng nuôi heo chẳng khác nhà ở, tường cao kín mít, lắp đặt khá nhiều cửa kính. Đứng sát bên cạnh, không ai nhận ra đó là nơi nuôi cả trăm heo nái nhập ngoại và heo thịt, bởi không hề có mùi khó chịu. Khi bước qua hố sát trùng vào phía trong, mới hay, heo sống trên nền cao ráo, sạch sẽ và môi trường mát lạnh. Hàng chục heo nái to lớn, nhốt trong lồng sắt, nơi chúng chỉ đứng, nằm. 5 heo nái vừa sinh sản, hàng chục heo con đang ở cùng mẹ.
“Máy lạnh chạy thường xuyên, nhiệt độ ổn định từ 19 đến 26 độ C. Heo giống PIC nhập về từ Mỹ, do Cty CP GreenFeed Việt Nam ở Đồng Nai chuyển giao. Đây là loại heo chất lượng hàng đầu thế giới.
Hồi nhập về cách đây 18 tháng, cỡ 35-40 kg/con, nay con nào con nấy có trọng lượng trên dưới 400 kg. Tính đến nay, nái mẹ đã sinh sản 3 lứa. Mỗi lứa từ 12-15 con. Heo sinh ra cơ sở nuôi mà chưa bán ra thị trường”, Tuấn cho biết.
Nói về hướng phát triển, Tuấn cho biết thêm đã trình dự án phát triển trang trại nuôi heo công nghệ cao quy mô lớn lên UBND huyện Hòa Vang và cơ quan chức năng ở thành phố Đà Nẵng. Nếu được phê duyệt sẽ xây dựng trang trại trên phạm vi 5 ha. Với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 60 tỷ đồng, sẽ nhập về 625 heo nái, nuôi 1.100 heo thịt/lứa... |
Hỏi về hiệu quả kinh tế, Tuấn cho biết thêm, 1 heo mẹ, cho ra đời 25 - 30 heo con/năm. Nếu bán giống, chỉ sau 21 ngày là xuất chuồng, khi đó trọng lượng khoảng 15 kg/con, giá bán ra 110 nghìn đồng/kg. Còn nuôi thịt, sau 5 tháng đã có trọng lượng 120 - 130 kg.
Loại heo này, không chỉ chóng lớn mà chất lượng thịt hơn hẳn heo nội, được giá. Tính ra, cứ mỗi con heo thịt, khi xuất chuồng, lãi 1,2-1,5 triệu đồng. Năm 2015, tổng doanh thu 2,3 tỷ đồng từ bán heo thịt, trừ chi phí lãi ròng gần 300 triệu đồng.
Tìm hiểu ra mới hay, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Tuấn đã tình nguyện về quê tham gia công tác đoàn và quyết tâm làm giàu trên quê hương mình. Để có trại heo công nghệ cao như hiện nay, Tuấn đã lao tâm khổ tứ mấy năm trời.
Nói về chàng cử nhân kinh tế này, ông Đinh Văn Thiên, chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết: "Hồi còn là Phó bí thư đoàn xã, Tuấn đã nuôi heo, quy mô 50-60 con/lứa, nhưng là heo nội, hiệu quả kinh tế không cao. Không chấp nhận thua cuộc, cậu ấy đã vào Nam rồi trở về trình địa phương đề án xây dựng trại heo công nghệ cao, giống nhập ngoại.
Nhận thấy Tuấn là thanh niên có kiến thức, táo bạo, khát khao làm giàu, lãnh đạo địa phương hỗ trợ hết khả năng. Sau mấy năm triển khai, đến nay có thể khẳng định, đây là mô hình tiêu biểu. Ngoài ra, Tuấn còn là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Vừa qua, cậu ấy đã thành lập Cty TNHH Chăn nuôi Hòa Khương, do mình làm giám đốc".