| Hotline: 0983.970.780

Nuôi heo vượt 'bão dịch', thu 15 tỷ đồng

Thứ Sáu 10/01/2020 , 08:30 (GMT+7)

Ngày vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Sang (SN 1971) cầm cố 3 sổ đỏ vay tiền mở trang trại, người làng xầm xì lời ra tiếng vào rằng đôi vợ chồng trẻ này “làm liều”. 

10-14-30_1
Nông dân Nguyễn Ngọc Sang tắm cho đàn heo ở trang trại.

Thế nhưng bây giờ, khi trang trại của anh Sang ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định) cho thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng đã khiến họ không khỏi ngỡ ngàng.

Đặc biệt, trong năm 2019 nhờ áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học, nên đàn heo 1.000 con của anh Sang đã vượt được “bão dịch”, cho vợ chồng anh Sang doanh thu đến hơn 15 tỷ đồng.
 

Chuyện nuôi heo của “Sang liều”

Anh Nguyễn Ngọc Sang vốn xuất thân trong gia đình thuần nông, ngay từ thuở niên thiếu, anh đã nếm trải cảnh nghèo khó đeo bám. Năm 1991, anh Sang lập gia đình.

Quà cưới vào thời điểm ấy 2 vợ chồng gom góp được khoản tiền đổ được 1 chỉ vàng. Có được số vốn nho nhỏ đầu tay, vợ chồng anh Sang quyết định mua 1 con nghé cái về nuôi, hầu mong nó đẻ thành đàn để phát triển kinh tế gia đình. Nào ngờ chỉ mấy ngày sau con nghé đổ bệnh rồi lăn đùng ra chết.

Cuộc sống gia đình anh Sang càng về sau càng trở nên túng thiếu, bởi nghề thợ mộc của anh thu nhập không đủ chạy bữa hàng ngày và nuôi 3 con nhỏ ăn học. Thế là vợ anh Sang phải chấp nhận xa gia đình, vào TP HCM gồng gánh bán hàng rong kiếm thêm thu nhập đỡ đần cho chồng.

“Vợ chồng trẻ mà phải sống xa nhau buồn lắm, nhưng do hoàn cảnh đành phải chịu. Tôi ở nhà làm thợ mộc nuôi 3 đứa con, vợ bán hàng rong ở miền Nam 20 ngày mới về thăm nhà 1 lần.

Cả ngày tôi bận túi bụi với nghề nên không thể chăm sóc 3 đứa con chu đáo, cuối cùng vợ chồng tôi quyết định sum họp, có mắm ăn mắm có muối ăn muối. Thế là vợ tôi bỏ gánh hàng rong về nhà chăm sóc con để tôi yên tâm làm nghề”, anh Sang bộc bạch.

Ăn nhín nhịn thèm, đến năm 2000 vợ chồng anh Sang tích góp được ít vốn liếng. Dẫu đang làm nghề thợ mộc, nhưng cái máu nông dân vẫn “rần rật” trong người, thế là anh Sang dốc vốn mua 3ha đất tại thôn Tùng Chánh (xã Cát Hiệp) để khởi nghiệp chăn nuôi với 500 con gà.

Lứa gà đầu tiên đã cho vào “hầu bao” của vợ chồng anh Sang khoản tiền lãi 23 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, lứa tiếp theo anh Sang tăng đàn lên 3.000 con. May mắn không còn mĩm cười, lứa gà thứ 2 đến thời điểm xuất bán gặp lúc giá gà tuột thấp, vợ chồng anh Sang lỗ mất gần 100 triệu đồng.

Thua keo này bày keo khác, trên 3ha đất mua được, anh Sang trồng điều kết hợp nuôi heo, gà. Nhờ áp dụng tốt quy trình kỹ thuật nên điều của anh Sang sai quả, lại gặp thời điểm hạt điều có giá nên sau nhiều năm vợ chồng anh Sang lại gầy dựng được vốn liếng lớn.

Khi đã có vốn lớn, năm 2013 anh Sang quyết định làm ăn lớn, mở rộng quy mô trang trại nuôi heo với vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng. Số phận lại trêu ngươi đôi vợ chồng trẻ, heo bất ngờ tuột giá không phanh, chỉ còn 22.000đ/kg hơi, khiến vợ chồng anh Sang bị lỗ đứt hàng tỷ đồng.

10-14-30_2
Anh Sang trong trang trại tổng hợp của mình.

Với suy nghĩ “dậm gai lấy gai lể”, không gục ngã trước thất bại, vợ chồng anh Sang mang 2 sổ đỏ của gia đình và mượn thêm 1 sổ đỏ của anh em đi cầm ngân hàng vay tiền tiếp tục đầu tư nuôi heo.

“Ngày tôi cầm 3 sổ đỏ đi ngân hàng cầm cố, đôi chân đi không vững. Khi ấy tôi nghĩ nếu tiếp tục thất bại chắc phải bán đất để trả nợ. Nhưng nếu bây giờ “thúc thủ” thì cả đời sẽ không ngóc đầu lên nổi, vậy là tôi bặm gan cầm cố 3 sổ đỏ để vay tiền gây dựng lại cơ nghiệp”, anh Sang nhớ lại.
 

Nuôi heo an toàn thắng lớn

Sau khi khôi phục chăn nuôi heo, anh Sang chú tâm hơn công tác phòng chống dịch bệnh. Cửa ngõ ra vào trang trại được anh quản lý rất nghiêm ngặt, không để người lạ vào mà chưa được sự đồng ý hoặc chưa thanh trùng đầy đủ theo nội quy.

“Tôi quan tâm hàng đầu việc chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Ngoài khử trùng chuồng trại bằng vôi, người đi vào trang trại của tôi cũng phải trải qua nhiều bước kiểm tra chặt chẽ, thực hiện đầy đủ các bước sát trùng, khử vi khuẩn. Nhờ vậy, từ đó đến nay trang trại không hề có dịch bệnh, kể cả dịch tả, cúm”, anh Sang cho hay.

10-14-30_3
Trang trại nuôi heo của anh Sang được khử trùng và kiểm tra rất chặt chẽ.
“Trong năm 2019 nhờ đàn heo của tôi vượt qua được những đợt dịch tả lợn châu Phi nên những tháng gần đây tôi có thu nhập đều đều từ bán heo vào thời điểm heo tăng giá. Nhờ đó, doanh thu trang trại chăn nuôi heo của tôi năm nay tăng hơn nhiều so với năm ngoái, ước tính đạt hơn 15 tỷ đồng”, anh Sang phấn khởi cho hay.

Sau nhiều năm gây dựng, đến năm 2018, trên diện tích 3ha đất trồng điều, anh Sang kết hợp nuôi 120 con heo sinh sản, 500 con vịt lai Pháp và 3.000 con gà ta/lứa, 400 heo thịt/lứa.

Với mỗi năm xuất bán 3 lứa gà và heo, tổng doanh thu trang trại của anh Sang lên đến hơn 12 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lại lãi hơn 3 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2019 là năm dịch tả lợn châu Phi hoành hành dữ dội, nhưng nhờ áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học, nên 1.000 con heo trong trang trại của anh Sang vượt qua được “bão dịch”.

Thời gian vừa qua, giá heo tăng vượt đỉnh đã mang lại cho vợ chồng anh Sang nguồn thu lớn.

“Đàn heo nái sinh sản đẻ ra bao nhiêu tôi để lại nuôi hết bấy nhiêu, do đó, trong chuồng thường xuyên có 1.000 con heo thịt đủ mọi lứa tuổi, mỗi tháng tôi xuất bán được 300 heo thịt.

Hiện giá heo đã “hạ nhiệt”, từ 90.000đ/kg xuống còn 80.000đ/kg hơi. Nhưng với cái giá này tôi vẫn cầm chắc có lãi 4 triệu đồng/tạ heo thịt xuất chuồng. Trong dịp Tết Nguyên đán này tôi vẫn còn 200 heo thịt đến tuổi xuất bán”, anh Sang chia sẻ.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm