| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn bằng thảo dược, thịt thơm ngon, chi phí giảm 300 - 400 nghìn đồng/con

Thứ Hai 10/07/2023 , 17:25 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Mô hình nuôi lợn bằng thức ăn được chế biến từ các loại cây thảo dược là hướng đi rất độc đáo nhờ chất lượng sản phẩm thơm ngon, giảm được rất nhiều chi phí.

Chị Nguyễn Thị Hoài Sen (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho hay: “Tôi bắt đầu trồng sen ở 5 ao cá. Năm sau thì thu hoạch được lá, thân và hạt sen để đưa vào bổ sung thêm nguồn nguyên liệu làm thức ăn thảo dược cho đàn lợn. Ngoài ra, trang trại cũng sẽ thực hiện công nghệ lót chuồng bằng đệm lót sinh học để đảm bảo môi trường chăn nuôi được tốt hơn”.

Nghề tay trái của cô “y tế học đường”

Rời ghế nhà trưởng phổ thông, cô gái Nguyễn Thị Hoài Sen theo học trường trung cấp y sỹ. Sau khi tốt nghiệp, cô được nhận về công tác tại một trường học gần nhà với nhiệm vụ y tế học đường.

Vườn thảo dược tại trang trại của chị Sen làm nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho lợn. Ảnh: Tâm Phùng.

Vườn thảo dược tại trang trại của chị Sen làm nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn cho lợn. Ảnh: Tâm Phùng.

Biến cố gia đình ập xuống đôi vai của cô gái. Đó là vào năm 2019, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng cô phải đi làm ăn xa, không may qua đời ở xứ người. Mất chỗ dựa, lại thêm gánh nợ nần oằn xuống thân hình mảnh mai của cô. “Chính những mất mát này đã khiến tôi quyết tâm phát triển kinh tế để đủ điều kiện chăm lo cho gia đình mình”, chị Sen nói.

Vốn sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp nên chị Sen làm chuồng trại nuôi lợn theo kiểu truyền thống. Mấy năm đầu khởi nghiệp cũng là khi giá lợn đổi chiều lao dốc khiến chăn nuôi khi lỗ, khi lời nên số tiền dành dụm được chẳng đáng là bao. “Phải có con đường riêng mới có thể thành công được”, chị Sen suy tính như vậy và bắt tay vào việc thực hiện nuôi lợn bằng thảo dược. Với kiến thức về các loại cây thảo dược từ hồi học ở trường y và học hỏi thêm những người lớn tuổi, chị đã đưa những cây thảo dược ủ lên men làm thức ăn cho đàn lợn.

Giai đoạn thử nghiệm, chị Sen chỉ nuôi 10 con. Tuy nuôi ít, nhưng khi bắt tay thực hiện mô hình, chị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Qua thử nghiệm, có rất nhiều vấn đề phát sinh như lợn nuôi không lớn, thường hay bị đi phân lỏng, bị cứng lông, kèm theo đó chi phí thực hiện các thí nghiệm tốn kém. “Hai lần nuôi thử nghiệm ban đầu tôi thất bại hoàn toàn vì lợn không chịu lớn”, chị Sen kể lại.

Các loại sản phẩm dược liệu khô được phối trộn để đưa vào máy nghiền. Ảnh: Thanh Nga.

Các loại sản phẩm dược liệu khô được phối trộn để đưa vào máy nghiền. Ảnh: Thanh Nga.

Hóa ra, “chìa khóa” dẫn đến thất bại của chị là do đàn lợn bị thiếu dinh dưỡng, kiểu như “ăn chay” nên thiếu chất đạm. Chị tìm tòi và đi đến lựa chọn mua cá biển tươi chế thành đạm dinh dưỡng đưa vào khẩu phần ăn của lợn.

Sau gần 1 năm với nhiều thất bại, cuối cùng, trái ngọt cũng đã đến, chị Sen đã tìm ra cách giải quyết vấn đề và rút ra được công thức riêng nhằm bảo đảm chăn nuôi lợn có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh và ổn định về chất lượng thịt.

Chị Sen trồng sen nuôi lợn

Vùng đất chị Sen chọn để làm trang trại và cơ cấu trồng các loại cây dược liệu để chế biến thức ăn cho lợn rộng khoảng 1,5ha nằm cách xa khu dân cư.

Khu vực này được trồng xen canh 4 tầng cây để giảm thiểu tác động của thiên tai và chủ động tạo nguồn thức ăn sạch cho đàn lợn. Tầng trên cùng cao nhất trồng cây phi lao và cây cao su để chắn gió bão; tầng thứ 2 trồng cây ăn trái để thu hái quả; tầng cao thứ 3 trồng cây hoàn ngọc để làm thức ăn bổ sung cho lợn và tầng thứ 4 thấp nhất trồng các cây họ đậu, đỗ như đỗ tương, đỗ xanh, đỗ đen, lạc... Các loại hạt được thu gom để bán, đỗ tương được dùng làm thức ăn cho lợn, còn toàn bộ thân cây sẽ đem ủ cùng phân lợn thành phân hữu cơ vi sinh bón lại cho cây và cải tạo đất.

Máy chế biến thức ăn thảo dược thành viên nén khô. Ảnh: Tâm Phùng.

Máy chế biến thức ăn thảo dược thành viên nén khô. Ảnh: Tâm Phùng.

Chị Sen cũng đã tận dụng thu mua của bà con nông dân tại địa phương các cây thảo dược thường trồng như đinh lăng, hoàn ngọc, nghệ, gừng..., giúp bà con có thu nhập. Các cây thảo dược này được sơ chế, phơi khô hoặc chế biến tươi, ủ men và được phối trộn với ngô, khoai, sắn, đậu tương, lạc, bột cá, bột vỏ ngao... đưa vào máy chế biến thành thức ăn viên. Thức ăn này bổ sung đủ chất dinh dưỡng để đàn lợn có sức đề kháng tốt, bảo đảm chất lượng thịt thơm ngon khi xuất chuồng.

Để giảm thiểu mùi hôi của chuồng nuôi, chị Sen còn tự làm dung dịch sát trùng và khử mùi hôi theo phương pháp IMO4 và phun dung dịch này hàng ngày vào từng ô chuồng nuôi bằng hệ thống phun sương bán tự động. “Để an toàn hơn, tới đây tôi sẽ sử dụng đệm lót sinh học theo công thức vỏ trấu, mùn cưa trộn men vi sinh để môi trường trang trại được tốt hơn”, chị Sen nói.

Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho hay, nuôi lợn bằng thảo dược giúp vật nuôi hạn chế nhiễm bệnh vì trong thành phần của thảo dược có kháng sinh sinh học và kháng sinh tự nhiên.

“Điều này giúp hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thịt lợn thơm ngon hơn. Chúng tôi đang có chuyên đề về nuôi lợn hữu cơ và nuôi lợn thảo dược trên địa bàn để khuyến khích nông dân mở rộng các mô hình tương tự. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong thời gian tới để nâng cao giá trị chăn nuôi trên địa bàn”, ông Huy nói.

Chuồng trại nuôi lợn luôn đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Thanh Nga.

Chuồng trại nuôi lợn luôn đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Thanh Nga.

Ổn định trong “bão giá" thức ăn chăn nuôi

Hiện nay, tại Quảng Bình có rất nhiều trang trại lớn nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp. Nhưng mô hình nuôi lợn bằng thảo dược của chị Sen vẫn còn khá mới mẻ, chưa được nhiều người biết đến. Đây được coi là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với chị Sen.

Sau nhiều lứa lợn nuôi bằng thảo dược, chị Sen đánh giá: “Nếu nuôi lợn bằng thức ăn chăn nuôi thì sau 4 tháng có thể xuất chuồng, nhưng với lợn nuôi thảo dược phải trên 6 tháng mới xuất. Tuy nhiên, nếu so sánh thì lợn nuôi bằng thảo dược sẽ tiết kiệm được chi phí từ 300 - 400 ngàn đồng/con lợn khi xuất bán”.

Trung bình mỗi năm, trang trại nuôi lợn thảo dược của chị Sen xuất chuồng khoảng 1.200 con lợn thương phẩm. Mỗi con lợn xuất chuồng có trọng lượng trên 100kg. Để đảm bảo nguồn con giống, chị Sen cũng đã có khu nuôi lợn nái với trên 60 con. Do tự cung ứng được nguồn lợn giống nên gần như tháng nào trang trại cũng xuất bán lợn thương phẩm.

Mô hình nuôi lợn bằng thảo dược của chị Sen là hướng đi mới, độc đáo và có hiệu quả cao tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: Tâm Phùng.

Mô hình nuôi lợn bằng thảo dược của chị Sen là hướng đi mới, độc đáo và có hiệu quả cao tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ảnh: Tâm Phùng.

Trang trại của chị Sen đã đạt mốc doanh thu tỷ đồng mỗi năm. “Doanh thu chưa nhiều, nhưng đem đến rất nhiều cơ hội cho hướng phát triển chăn nuôi bằng thảo dược vì ngày càng được nhiều người biết đến”, chị Sen chia sẻ thêm.

Ngoài tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, chị Sen còn tập trung đẩy mạnh quảng bá quy trình chăn nuôi và sản phẩm trên các phương tiện truyền thông online cho khách hàng, livestream để khách hàng có thể dễ dàng đặt hàng qua facebook, zalo. 

Nói về dự định của mình, chị Sen tâm sự: “Tôi đang triển khai và rất muốn liên kết với các trường học trên địa bàn để các em học sinh được ăn thịt lợn ngon và sạch từ trang trại chăn nuôi bằng thảo dược”

Chị Sen mong muốn đến năm 2025, mô hình của mình sẽ trở thành đơn vị tiên phong và điển hình của tỉnh trong tổ chức nuôi lợn thảo dược theo mô hình liên kết chuỗi giá trị có kiểm soát. Để thực hiện mục tiêu này, chị đã xây dựng một khu giết mổ nhỏ trên diện tích đất của gia đình. Khu này đang được xây dựng và trong giai đoạn hoàn thiện với hệ thống máy móc thiết bị đảm bảo vệ sinh. Theo chị, thịt lợn từ khu giết mổ sẽ được cung ứng ra thị trường có đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc... để người tiêu dùng dễ nhận biết. "Tôi sẽ liên kết với các nhà phân phối để đưa thịt lợn thảo được vào các điểm bán ở thành phố”, chị Sen cho biết kế hoạch.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.